Sau liên minh AUKUS của Mỹ-Anh-Australia là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU

23/09/2021 15:51 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi bộ ba Mỹ-Anh-Australia bất ngờ công bố thiết lập liên minh chiến lược mới có tên gọi AUKUS, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhanh chóng công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương một cách bất ngờ không kém.

Mỹ khẳng định không rút lại chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương

Mỹ khẳng định không rút lại chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương

Phó Tổng thống Biden nhấn mạnh quân đội Mỹ sẽ tiếp tục củng cố tự do hàng hải ở Biển Đông, cho dù đảng nào nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng từ năm 2017.

Trong bối cảnh thuật ngữ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được nhắc đến ngày một nhiều hơn như một khái niệm địa-chiến lược, việc các nước đưa ra các chính sách tại khu vực này đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế.

Khu vực địa-chiến lược   

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực có nguồn tài nguyên phong phú, tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới - khu vực có vị trí địa chiến lược cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Đây là khu vực có dân số chiếm gần một nửa dân số thế giới, nền kinh tế phát triển năng động, có thể thích ứng nhanh trước mọi tình huống.   

Những năm đầu thế kỷ XXI, trọng tâm chiến lược toàn cầu dịch chuyển từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được khởi động, thúc đẩy bởi các yếu tố: sự trỗi dậy của Trung Quốc; sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Ấn Độ; sự lớn mạnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương. Trước những thay đổi nhanh chóng của cục diện thế giới, khái niệm về một không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao trùm và rộng mở được các nước trong khu vực đưa ra nhằm đối phó cũng như tận dụng cơ hội có được từ những sự đổi thay này.     

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: THX/TTXVN

Năm 2017, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ đã đề cập tới việc coi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là lựa chọn chiến lược, đối sách chủ chốt ở châu Á; giữ vai trò quan trọng đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ. Vì thế, Mỹ đã công bố chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trong khi đó, Trung Quốc cùng với Nga và Iran hình thành “tam giác quyền lực mới trên biển”.

Theo giới phân tích quốc tế, thời gian tới, cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục “tăng nhiệt”. Để không bị bỏ lại phía sau trong “cuộc đua” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các cường quốc đều đưa ra những cách tiếp cận khác nhau, ngay như Anh - quốc gia đã rời EU, hồi tháng 3 vừa qua cũng tuyên bố “xoay trục” về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện sự quan tâm ngày một lớn tới khu vực này và EU cũng không phải là ngoại lệ.   

Với tham vọng tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho các nước thành viên tại khu vực được xem là trung tâm của lợi ích chính trị và kinh tế thế giới, trong phiên họp hồi tháng 4/2021, Ngoại trưởng 27 nước thành viên EU đã thông qua Dự thảo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước khi có chiến lược này, trọng tâm địa chính trị của EU cơ bản tập trung tại khu vực Đông Âu, Địa Trung Hải hay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ.

EU chủ yếu nhìn nhận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương qua lăng kính thương mại và đầu tư, điển hình như Đức - quốc gia đầu tàu kinh tế của EU, cũng chỉ khuyến khích sự hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc thông qua cái gọi là chính sách “thay đổi qua thương mại”.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU   

Sau thời gian chuẩn bị khá dài, ngày 16/9 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ra thông cáo về chiến lược mới nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị và quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tên gọi chính thức của văn kiện chính sách mới này là Chiến lược của EU hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.   

EU tin rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn chảy dài từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, New Zealand đến Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên quan trọng, với dân số đông và vị trí địa-chính trị chiến lược.  

Chú thích ảnh
Quốc kỳ Trung Quốc (trái) và cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức EU cho biết mục tiêu của chiến lược là tăng cường và mở rộng quan hệ kinh tế, duy trì sự tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế giúp các đối tác đấu tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Chiến lược của EU cũng nhằm cải thiện an ninh hàng hải và đảm bảo đi lại an toàn cho các tuyến đường biển. EU hy vọng chiến lược sẽ hối thúc các nước châu Âu triển khai hải quân đến khu vực này nhiều hơn. Tuy nhiên, EU khẳng định động thái này không nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, mặc dù mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc hiện đang mức thấp.   

Trong văn bản chính sách của EU đưa ra cũng khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu là đối tác “tự nhiên” trong thương mại và kinh tế. Giữa hai bên tồn tại mối liên hệ chặt chẽ, với nhiều lợi ích chung và những mối quan hệ vững chắc trên nhiều phương diện. Từ đó, EU đặt mục tiêu đóng góp vào sự ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phù hợp với các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế.   

EU là nhà đầu tư hàng đầu và một trong những đối tác lớn nhất khu vực, với trao đổi thương mại giữa hai khu vực đạt mức 1.756 tỷ USD năm 2019. Đồng thời, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU và có 4/10 đối tác thương mại lớn nhất của khối. Đặc biệt, khu vực này có nhiều đường vận tải biển lớn thiết yếu với hàng hóa đến từ châu Âu, bao gồm eo biển Malacca, Biển Đông và eo biển Bab el-Mandeb.   

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện chiếm 3/5 dân số thế giới, 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, đóng góp 2/3 tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và đi đầu về phát triển kinh tế số. Ngoài ra, nơi đây có 7/20 nước thuộc Nhóm các nền kinh tế lớn cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đối tác quan trọng với EU.   

EU hy vọng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không chỉ giúp khối này củng cố vai trò trong hợp tác với các nước, mà còn giúp Liên minh này có thể thích ứng và xây dựng mối quan hệ hợp tác, ở đó các bên có thể tìm thấy điểm tương đồng dựa trên những nguyên tắc cùng chia sẻ hoặc chung lợi ích. Định hướng này, xây dựng khung chiến lược với nhiều giải pháp chính trị dành cho khu vực, hình thành các điểm kết nối và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể, trong đó có chính sách quốc phòng, an ninh với các đối tác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.  

Ngoài ra, văn bản này cũng đề cập cạnh tranh địa chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hoạt động quân sự tại điểm nóng khu vực như eo biển Đài Loan và Biển Đông khiến căng thẳng leo thang, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh và thịnh vượng của châu Âu. Các thách thức an ninh phi truyền thống, từ biến đổi khí hậu tới không gian mạng, cũng là bài toán EU cần hợp tác giải quyết.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trên), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) tại một cuộc họp trực tuyến. Ảnh: AFP/TTXVN

Những tác động liên quan   

Theo giới chức EU lý giải, động lực của chiến lược mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là do những căng thẳng tại các điểm nóng tại khu vực này có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và thịnh vượng của châu Âu. Thế nhưng đáng chú ý là EU công bố chiến lược mới vào đúng thời điểm mà bộ ba Mỹ-Anh-Australia cũng vừa đưa ra thông báo về việc thành lập liên minh AUKUS, khiến dư luận quan tâm đến những ẩn ý đằng sau các động thái trên.   

Ngay sau khi liên minh AUKUS được thành lập, Australia đã tuyên bố hủy hợp đồng trị giá 40 tỷ USD với tập đoàn Naval Group của Pháp để đóng 12 tàu ngầm tấn công lớp Barracuda, thay vào đó, nước này quyết định đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhờ công nghệ được Mỹ và Anh chuyển giao.

Những động thái này đã làm dấy lên lo ngại rằng châu Âu đang bị Washington “gạt ra ngoài lề” và ngay lập tức Pháp đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn, thể hiện sự bất mãn đối với việc Mỹ và Australia bí mật đàm phán, dẫn tới việc Australia hủy bỏ đơn đặt hàng mua tàu ngầm của Pháp.   

Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly ngày 20/9 còn quyết định hủy hội nghị thượng đỉnh quân sự song phương giữa ông và người đồng cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cùng một số quan chức quân sự cấp cao dự kiến tổ chức trong tuần này ở thủ đô London (Anh) trong 2 ngày.   

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ngày 20/9 cho rằng cách mà Pháp bị đối xử trong khuôn khổ thỏa thuận đối tác an ninh AUKUS là “không thể chấp nhận được”. Hiện Ủy ban châu Âu (EC) đang phân tích tác động của quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS trong vòng tiếp theo cảu các cuộc đàm phán thương mại với Australia.   

Trước những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Mỹ-Australia, có ý kiến cho rằng bước đi công bố chiến lược mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU có thể được xem là nhằm đáp lại động thái lập liên minh AUKUS mà EU chỉ trích là “gạt EU ra ngoài lề” của đồng minh Mỹ.

Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, việc EU chính thức công bố chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới vào ngày 16/9, tức là gần như cùng lúc với sự ra đời của thỏa thuận an ninh ba bên giữa Washington, London và Canberra, hay còn gọi là AUKUS. Trong khi đó, từ tháng 4/2021, Hội đồng EU đã kết luận về chiến lược hợp tác của EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ngày 16/9 chỉ là thời gian văn bản này được chính thức công bố. Do đó, chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là hệ quả từ sự kiện thành lập liên minh AUKUS.   

Việc EU công bố chiến lược mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho thấy EU đã cân nhắc và quyết định đi theo con đường riêng của mình. Các Ngoại trưởng EU cũng đã cho rằng họ cần phải củng cố trọng tâm chiến lược và phải có một sự tham gia chủ động hơn và tích cực hơn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.   

Chưa rõ những diễn biến căng thẳng trên sẽ đi đến đâu song để xoa dịu Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã lên tiếng trấn an rằng Pháp vẫn là đối tác quan trọng của Washington.

Và trong cuộc điện đàm ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí khôi phục sự tin tưởng lẫn nhau sau những căng thẳng gần đây liên quan đến việc Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận an ninh 3 bên AUKUS, dẫn đến Canberra rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Paris. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ sau khi Paris phản ứng gay gắt về việc bị mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Australia.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm