Quyền được sống của trẻ em dưới góc nhìn pháp luật

30/05/2022 11:58 GMT+7 | Tin tức 24h

Thời gian gần đây ở nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ tước đoạt tính mạng của trẻ em, đặc biệt là các vụ bố, mẹ hoặc cả bố lẫn mẹ tự tử và ép con chết theo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phải đặc biệt quan tâm đến các quyền của trẻ em, chống xâm hại tình dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phải đặc biệt quan tâm đến các quyền của trẻ em, chống xâm hại tình dục

Ngày 17/12, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã tới thăm và làm việc với tỉnh Yên Bái.

Điều đáng lo ngại là bên cạnh luồng dư luận lên án, phẫn nộ đối với các trường hợp đấng sinh thành tự cho mình quyền mang theo các con sang “thế giới bên kia” thì vẫn có tiếng nói xót thương, bào chữa với lý lẽ “người ta cùng quẫn quá nên mới thế”.

Dưới góc độ pháp luật, quyền được sống là quyền tối cao của tất cả mọi người, trong đó có trẻ em. Người nào tước đi sinh mạng của trẻ em, dù đó là bố, là mẹ, dù là với lý do gì, đều phạm tội sát nhân và người đó nếu không còn sống để chịu sự trừng phạt của pháp luật thì cũng phải hứng chịu sự lên án của dư luận.

*Quyền sống đứng đầu 24 quyền trẻ em ở Việt Nam

Trẻ em là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý trước cũng như sau khi ra đời.

Khái niệm trẻ em được các quốc gia sử dụng thống nhất và đã được đề cập trong Tuyên ngôn Geneva năm 1924, Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1959, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1968, Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989, Công ước 138 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tuổi tối thiểu làm việc năm 1976.

Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 của Việt Nam quy định: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Luật Trẻ em năm 2016 có quy định rộng hơn: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi” (không kể công dân Việt Nam hay người nước ngoài, người không có quốc tịch).

quyền trẻ em, trẻ em, trẻ em Việt Nam, quyền được sống của trẻ em Việt Nam, quyền trẻ em dưới góc nhìn pháp luật, pháp luật với trẻ em, quyền được sống
Quyền sống đứng đầu 24 quyền trẻ em ở Việt Nam

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 và Công ước có hiệu lực tại nước ta từ ngày 20/12/1990. Công ước có 54 điều quy định về các quyền của trẻ em theo bốn nhóm là quyền được sống còn, quyền được bảo vệ; quyền được phát triển và quyền được tham gia.

Quyền sống là quyền cơ bản thiêng liêng của con người, trong đó có trẻ em, được ghi nhận tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau mà cơ bản nhất là Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Điều 19).  

Luật Trẻ em năm 2016 đưa ra những quy định rất chi tiết về các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền vui chơi, giải trí; quyền giữ gìn, phát huy bản sắc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền về tài sản; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp…

Trên hết, trước hết trong 24 quyền của trẻ em ở Việt Nam là quyền được sống. Bị tước đoạt quyền này cũng đồng nghĩa là các quyền sau đó trở nên vô nghĩa. Điều 12 của Luật Trẻ em năm 2016 quy định “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”.

Hệ thống pháp luật hiện hành ở nước ta đã có nhiều quy định nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền con người, trong đó có quyền trẻ em và quy định các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm đó.

Điều 6 của Luật Trẻ em năm 2016 quy định 15 nhóm hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh. Đây là 15 nhóm hành vi vi phạm quyền trẻ em đặc thù đối với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của trẻ em. Đứng đầu trong nhóm hành vi bị nghiêm cấm là sự tước đoạt quyền sống của trẻ em.

Điều 123 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: giết người dưới 16 tuổi; giết phụ nữ mà biết là có thai...

Pháp luật không phân biệt thủ phạm có phải là bố, mẹ của người dưới 16 tuổi hay không, cũng không phân biệt người đó là chồng của người phụ nữ mang thai hay không.

Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

quyền trẻ em, trẻ em, trẻ em Việt Nam, quyền được sống của trẻ em Việt Nam, quyền trẻ em dưới góc nhìn pháp luật, pháp luật với trẻ em, quyền được sống
Trẻ em có quyền sống, học tập, vui chơi

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Pháp luật đã có những quy định rất rõ ràng về các quyền của trẻ em, trong đó quyền được sống là thiêng liêng nhất, cũng như đưa ra các hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm. Quan niệm xã hội cũng cần đồng hành với pháp luật để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các vụ trẻ em bị đấng sinh thành dùng “quyền” làm bố, làm mẹ tước đoạt sinh mạng, con cái bị coi như tài sản riêng, có thể “dùng” mà cũng có thể “bỏ”.

*Sức khỏe tâm thần của người lớn – điều đáng được quan tâm

Trẻ em là đối tượng bị phụ thuộc, do đó quyền của trẻ em có được bảo đảm hay không còn do năng lực thực thi nghĩa vụ của những người bố, người mẹ. Trong khi đó, sức khỏe tâm thần của người trưởng thành đang là vấn đề đáng được quan tâm trên quy mô toàn cầu cũng như ở Việt Nam.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 1,5 triệu người tự tử trên toàn cầu và tự sát đứng hàng thứ 10 trong số những nguyên nhân dẫn đến tử vong trên thế giới.

Ở Mỹ, Hệ thống báo cáo tử vong do bạo lực quốc gia cho biết, tại nước này mỗi ngày có 129 người tử vong do tự sát. Tự sát là nguyên nhân tử vong đứng thứ 4 trong số những người từ 35 đến 54 tuổi; thứ 8 trong số những người từ 55 đến 64 tuổi.

Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), số người chết do tự tử xếp thứ 2 sau tai nạn giao thông. Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc) cho biết, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân tự tử được chở đến trung tâm để cấp cứu.

Bệnh viện tâm thần Hà Nội khuyến cáo, tự sát là vấn đề nghiêm trọng và phức tạp. Để ngăn ngừa được hành vi tự sát cần phải làm rõ được nguyên nhân và từ đó lên một kế hoạch điều trị, trị liệu và hỗ trợ cụ thể.

Các hành vi tự sát thường là kết quả của sự tương tác của một số yếu tố, trong đó nguy cơ chính là bệnh trầm cảm. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm các rối loạn tâm thần nghiêm trọng. sử dụng rượu, lạm dụng ma túy và thuốc giảm đau, rối loạn thể chất nghiêm trọng (đặc biệt ở người cao tuổi), rối loạn nhân cách, tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế, cú sốc mất người thân, những trải nghiệm sang chấn thời thơ ấu, tiền sử gia đình…

Việc lựa chọn phương pháp tự tử được xác định bởi nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố văn hóa và sự sẵn có của các phương tiện để tự sát cũng như mức độ nghiêm trọng của ý định. Một số phương thức (ví dụ như nhảy từ nhà cao tầng xuống đất) khiến khả năng sống sót hầu như là không thể, trong khi những phương thức khác (ví dụ như uống thuốc) có tỷ lệ được cứu sống cao hơn.

Bác sỹ chăm sóc sức khỏe có thể dự đoán khả năng tự sát ở bệnh nhân và có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để can thiệp. Những bệnh nhân có nguy cơ tự sát cần được giám sát cho đến khi họ được ở trong một môi trường an toàn (thường là cơ sở điều trị bệnh tâm thần).

quyền trẻ em, trẻ em, trẻ em Việt Nam, quyền được sống của trẻ em Việt Nam, quyền trẻ em dưới góc nhìn pháp luật, pháp luật với trẻ em, quyền được sống
Học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) với cuốn sách "Quyền trẻ em." (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)

Đánh giá về tình trạng tâm thần của bệnh nhân giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị thích hợp, tránh xảy ra một vụ tự sát.

Đánh giá bao gồm những điều sau: thiết lập mối quan hệ và lắng nghe tường trình của bệnh nhân; hiểu được nỗ lực tự sát, bối cảnh của hành động, các sự kiện xảy ra trước đó, và hoàn cảnh xảy ra; hỏi về các triệu chứng rối loạn tâm thần có liên quan đến tự tử và bất kỳ loại thuốc nào mà bệnh nhân có thể đang dùng để điều trị chứng rối loạn này; đánh giá đầy đủ trạng thái tinh thần của bệnh nhân, đặc biệt chú trọng vào việc xác định trầm cảm, lo âu, kích động, cơn hoảng sợ, mất ngủ trầm trọng, rối loạn tâm thần khác và lạm dụng rượu hoặc ma túy; hiểu sâu về các mối quan hệ cá nhân và gia đình; phỏng vấn thành viên thân thiết trong gia đình và bạn bè…

Phòng ngừa tự sát đòi hỏi phải xác định những đối tượng nguy cơ cao và bắt đầu những can thiệp phù hợp.

Sự kết hợp của thuốc chống trầm cảm và một số liệu pháp tâm lý ngắn hạn đã được chứng minh là rất có hiệu quả để điều trị trầm cảm, ngăn ngừa các vụ tự sát.

Trần Quang Vinh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm