Phương Tây tăng cường kiềm chế ngành khai thác dầu mỏ của Nga

07/07/2022 12:31 GMT+7 | Tin tức 24h

Hãng tin Bloomberg đưa tin Mỹ và các đồng minh đang thảo luận việc thiết lập mức giá trần đối với dầu của Nga trong khoảng từ 40-60 USD/thùng.   

G7 sẽ đề ra mức giá trần đối với dầu mỏ Nga, dòng khí đốt Nga sang châu Âu vẫn ổn định

G7 sẽ đề ra mức giá trần đối với dầu mỏ Nga, dòng khí đốt Nga sang châu Âu vẫn ổn định

Sáng 27/6, dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và lãnh thổ Ukraine vẫn ổn định.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong các cuộc thảo luận trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ ngày 26-28/6 vừa qua, các nước phương Tây đã nghiên cứu một số khả năng để hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của Nga, đồng thời tìm cách giảm thiểu tác động của các biện pháp này đối với nền kinh tế của chính nước mình.   

Nguồn tin cũng cho biết phạm vi giới hạn giá dầu Nga đang được thảo luận dao động từ mức chi phí sản xuất ở Nga và giá dầu Nga ở thời điểm trước khi diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Cũng theo Bloomberg, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden coi mức giới hạn 40 USD là quá thấp. Mục tiêu là giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Moskva, nhưng nếu các biện pháp này được thực hiện không hiệu quả sẽ dẫn đến giá dầu trên thế giới tăng vọt.   

Ngày 28/6, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức, các nước tham gia đã nhất trí tìm kiếm phương án giới hạn giá dầu Nga bằng cách cấm dịch vụ bảo hiểm và vận tải cần thiết cho việc vận chuyển dầu và các sản phẩm dầu của Nga. Theo đó, lệnh cấm này sẽ được áp dụng nếu giá dầu vượt quá mức trần mà các đối tác quốc tế đã đồng thuận.   

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: The Moscow Times/TTXVN

Trong khi đó, công ty dầu khí TotalEnergies của Pháp ngày 6/7 cho biết đã rút khỏi dự án khai thác dầu mỏ chung với Nga ở Bắc Cực. Theo đó, TotalEnergies nhượng lại 20% cổ phần còn lại của mình và vai trò điều hành dự án Kharyaga cho công ty dầu mỏ Zarubezhneft của Nga.   

Trước đó, TotalEnergies sở hữu 40% cổ phần trong dự án Kharyaga và đã chuyển nhượng cho Zarubezhneft 20% cổ phần vào năm 2016. Như vậy, nếu Nga chấp thuận tiếp quản nốt số cổ phần còn lại của TotalEnergies thì công ty này sẽ hoàn toàn rút khỏi dự án Kharyaga. Tuy nhiên, Cơ quan Chống độc quyền LB Nga cho biết đến nay cơ quan này vẫn chưa nhận được đề nghị tiếp quản 20% số cổ phần còn lại của TotalEnergies.   

Theo thông tin trên trang web của Zarubezhneft, dự án Kharyaga đã tạo ra hơn 20 triệu tấn dầu kể từ khi đi vào hoạt động năm 1999 và giúp Chính phủ Nga thu về hơn 4 tỷ USD.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, TotalEnergies cho biết sẽ giảm hoạt động tại Nga, cam kết ngừng mua dầu và khí đốt của Nga vào cuối năm nay, đồng thời không đầu tư thêm vào các lĩnh vực này của nước này. Nga là một quốc gia quan trọng đối với TotalEnergies khi giúp công ty này khai thác được 16,6% nhu cầu dầu và 30% nhu cầu khí đốt.

Không chỉ TotalEnergies, công ty dầu khí đa quốc gia Equinor của Na Uy (nắm 30% cổ phần) cũng đã tuyên bố rút khỏi dự án Kharyaga.   

Trước đó, đầu tháng 6 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, trong đó giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Gói trừng phạt mới nhất này bao gồm lệnh cấm mua, nhập khẩu hoặc chuyển dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga vào EU với thời hạn áp dụng từ 6 tháng đối với dầu thô cho tới 8 tháng đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm