Omicron - hệ quả của bất bình đẳng vaccine Covid-19 toàn cầu

30/11/2021 16:02 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Được phát hiện lần đầu vào ngày 11/11/2021 tại Botswana, đến nay biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Châu Âu sẽ họp hội nghị thượng đỉnh tìm cách ứng phó với biến thể Omicron

Châu Âu sẽ họp hội nghị thượng đỉnh tìm cách ứng phó với biến thể Omicron

Các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp hội nghị thượng đỉnh bằng hình thức trực tuyến trong những ngày tới để điều phối phản ứng trước sự xuất hiện của biến thể Omicron mới của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19.

Theo nhận định của giới chuyên môn, tình trạng bao phủ vaccine không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo được cho là tạo cơ hội để những biến chủng mới như Omicron xuất hiện.

Hậu quả của việc tiêm chủng quá chậm   

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được Nam Phi báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 24/11/2021 với tên gọi ban đầu là B.1.1.529. Ngày 26/11, WHO đã xác định đây là biến thể “đáng quan ngại”. Omicron có 32 đột biến trong protein gai, được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn những biến thể trước đó và hiện chưa rõ biến thể này chính xác bắt nguồn từ đâu.  

 “Tin dữ” về Omicron đã khiến thế giới đưa ra quyết định hành động nhanh và quyết liệt hơn so với thời điểm phát hiện biến thể Delta. Lo ngại về nguy cơ lây lan của biến thể mới, nhiều nước từ Mỹ, Canada, Brazil, Đức, Italy, CH Séc, Anh, Israel tới Thái Lan, Malaysia, Iran, Oman, Australia… đều đã ban hành các lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại tới những nơi có ca nhiễm biến thể Omicron. Người đến từ Nam Phi, Botswana và một số nước ở miền Nam châu Phi như Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini… được đưa vào “danh sách đỏ” của nhiều nước, theo đó bị hạn chế hoặc cấm nhập cảnh.   

Biến thể Omicron, hệ quả của bất bình đẳng vaccine Covid-19 toàn cầu, virus SARS-CoV-2, biến thể của virus SARS-CoV-2, covid 19 hôm nay, covid 19 mới nhất
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Detroit, Michigan (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà khoa học nhận định biến thể Omicron có thể đã xuất hiện ở vùng Nam sa mạc Sahara (châu Phi), nơi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thấp, và có thể đây là "hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm".   

Trong khi đó, theo WHO, việc các nước giàu trên thế giới tích trữ vaccine, thậm chí số liều vaccine những nước này có gấp vài lần dân số, trong khi liên tục không thực hiện cam kết chia sẻ vaccine với các nước đang phát triển, là cách tiếp cận đem lại "tác dụng ngược" . WHO cảnh báo hành động này có thể đang bắt đầu có tác động nghiêm trọng, cụ thể là việc xuất hiện biến thể Omicron.   

Rõ ràng là sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vaccine phòng COVID-19 và các công cụ y tế công cộng khác. Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong cuộc họp ngày 29/11 vừa qua đã thừa nhận vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến quyền tiếp cận các loại vaccine ngừa COVID-19 và sẽ thúc đẩy các cam kết tài trợ của những thành viên trong khối.   

Jeremy Farrar, Giám đốc quỹ từ thiện phục vụ nghiên cứu y tế Wellcome Trust, cho rằng biến thể mới cho thấy thế giới cần đảm bảo quyền tiếp cận vaccine và các công cụ y tế công công bằng hơn. Ông khẳng định: “Các biến thể mới là lời nhắc nhở rằng dịch bệnh còn lâu mới kết thúc... Bất bình đẳng chính là thứ khiến đại dịch dai dẳng”.

Không ai an toàn trừ khi tất cả cùng an toàn   

Các nhà khoa học và chuyên gia về y tế công, cũng như những người theo chủ trương tin vào khoa học, cảnh báo rằng chênh lệch quá lớn trong tỷ lệ tiêm chủng tại thế giới phát triển và đang phát triển là nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện các biến thể mới.   

Số liệu thực tế cho thấy 64,99% người dân ở các nước thu nhập cao đã được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ít nhất 1 liều, trong khi ở các nước thu nhập thấp con số này chỉ khoảng 7,5%. Hơn 80% vaccine đã được chuyển đến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong khi các nước nghèo hơn chỉ nhận 0,4%. 56 quốc gia không đạt được mục tiêu của WHO về tiêm chủng cho 10% dân số mỗi quốc gia vào tháng 9, con số này có thể lên đến 80 quốc gia không đạt chỉ tiêu đến hết năm 2021.

Biến thể Omicron, hệ quả của bất bình đẳng vaccine Covid-19 toàn cầu, virus SARS-CoV-2, biến thể của virus SARS-CoV-2, covid 19 hôm nay, covid 19 mới nhất
Nhân viên y tế Israel lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN

Chưa hết, 100 triệu liều vaccine có thể sẽ không được sử dụng hoặc hết hạn sử dụng ở Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm 2021. Đến tháng 5/2022, con số này được dự đoán lên đến 800 triệu liều.   

Nhiều quốc gia đang phụ thuộc vào chương trình chia sẻ vaccine COVAX như một phương tiện duy nhất để tiếp nhận vaccine. Tuy nhiên, đến nay mới có 507 triệu liều vaccine được phân phối theo chương trình COVAX, khả năng không đạt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều trong năm 2021. Trong khi đó, sản lượng toàn cầu hiện nay đạt gần 1,5 tỷ liều mỗi tháng, như vậy năng lực cung cấp vaccine trên toàn cầu là đảm bảo, song do tình trạng mất cân bằng và chủ nghĩa dân tộc về vaccine đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt vaccine ở nhiều nơi.   

Thực tế tại châu Phi vô cùng ảm đạm. WHO cho biết mới chỉ 27% nhân viên y tế tại châu Phi đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 và tình trạng thiếu vaccine tại lục địa này đã khiến phần lớn lực lượng y tế tuyến đầu đối mặt với rủi ro dịch bệnh. Điều này khác hẳn so với lực lượng y tế tại các nước có thu nhập cao khi hơn 80% nhân viên y tế tại các những nước này đã tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19.

Theo WHO, tỷ lệ bao phủ vaccine ở nhân viên y tế có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc bảo vệ những nhân viên tuyến đầu này, mà còn đảm bảo sức khỏe bệnh nhân và giúp hệ thống chăm sóc sức khỏe hoạt động hiệu quả trong thời gian dịch bệnh. Việc các nhân viên y tế tại châu Phi bị mắc bệnh hoặc tử vong do COVID-19 sẽ gây tác động mạnh đến khả năng cung cấp dịch vụ y tế. Cho đến nay, hơn 227 triệu liều vaccine đã được sử dụng tại châu Phi. Trong số 39 quốc gia công bố thống kê, khoảng 3,9 triệu liều vaccine được tiêm cho nhân viên y tế.   

Nhà phân tích chính trị, nhà báo người Mỹ Bradley Blankenship cho rằng “nếu virus tung hoành ở bất kỳ đâu trên thế giới, chúng sẽ biến đổi và hình thành các biến thể mới có thể lẩn trốn miễn dịch, có độc lực mạnh hơn, hoặc thậm chí là cả hai”. Điều này có nghĩa là nếu vaccine vẫn ở ngoài tầm với của các nước nghèo, biến thể sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát và luôn đi trước những nỗ lực y tế toàn cầu.

Blankenship nhấn mạnh: “Các chính phủ phải nghiêm túc trước Omicron, kiểm soát việc lây truyền và có những hành động nghiêm túc hơn để tăng cường công bằng trong y tế toàn cầu. Điều này có nghĩa là trước hết cần đẩy mạnh việc quyên góp vaccine cho các nước nghèo, không để lãng phí vaccine và cải thiện hợp tác quốc tế để ngăn chặn lây lan dịch bệnh xuyên biên giới... Tình hình hiện nay rất đúng với câu nói 'Không ai được an toàn cho tới khi tất cả cùng an toàn'”.

Minh Trà/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm