Mang hơi ấm tình thân tới Trường Sa: Phòng hạnh phúc giữa trùng khơi

15/06/2019 08:16 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 150.000 km vuông. Các đảo, cụm đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn, điểm tiền tiêu quan trọng để bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc. Những thế hệ người lính hôm nay viết tiếp những trang sử vàng mà cha ông đã truyền trao trong việc giữ vững chủ quyền đất nước.

Chiến sĩ Trường Sa mổ lợn, gói bánh chưng đón Tết

Chiến sĩ Trường Sa mổ lợn, gói bánh chưng đón Tết

Còn vài ngày nữa sẽ bước sang năm Kỷ Hợi 2019, khắp các điểm đảo ở Trường Sa, sắc Xuân đã ngập tràn, len lỏi theo những bước chân tuần tra của các chiến sĩ Hải quân.

Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, đàn chim hải âu dang cánh ngang trời tìm mồi, cũng là lúc đoàn tàu 571 hú còi rời Quân cảng Cam Ranh đến với quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đoàn tàu chở hàng trăm thân nhân, mang hơi ấm nơi hậu phương vững chắc ra với cán bộ, chiến sỹ đang công tác các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Quà tặng của biển khơi

Vượt ngàn cây số với những cơn say sóng nhưng khi có tín hiệu tàu chuẩn bị cập đảo, những gương mặt người mẹ, người vợ như giãn ra, tươi trẻ, khỏe lại. Ai cũng muốn lên đảo thật nhanh để mang hơi ấm đất liền đến với người lính biển.

Chủ trương thăm thân là hoạt động của Quân chủng Hải quân được tổ chức cách đây vài năm với thời gian 2 năm/lần. Trong lần tổ chức thăm thân diễn ra từ ngày 22/5 - 8/6 thuộc đoàn Công tác số 15, Vùng 4 Hải quân lần này, mỗi thân nhân có thời gian lưu trú trên đảo 9 ngày. Trong thời gian đó, Chỉ huy đảo đã có kế hoạch dành một "phòng hạnh phúc" hoặc một không gian riêng cho vợ chồng, bố mẹ cán bộ chiến sỹ sinh hoạt thuận tiện, thoải mái nhất.

Chú thích ảnh
Tàu Trường Sa 571 chở thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa. Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN

Chị Nguyễn Thị Hà Trang, vợ chiến sỹ Nguyễn Ngọc Tú, quê ở Yên Mỹ (Hưng Yên) đang công tác tại đảo An Bang, sau khi được chứng kiến nơi ăn, ở, sinh hoạt trên đảo đã chia sẻ: Dù ở đảo thiếu thốn hơn trên đất liền về đồ ăn, nước uống nhưng tinh thần của cán bộ, chiến sỹ rất vững vàng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thiếu thốn là thế nhưng khi đoàn thân nhân đến thăm đảo, anh em chiến sỹ đã dành hết đồ ăn ngon như rau tươi, cá tươi và nhiều đồ ăn quý nhất để tiếp đãi người thân.

"Cũng như những thân nhân khác, khi sống trên đảo, tôi luôn có cảm giác hạnh phúc. Chúng tôi trân quý từng giây từng phút bên nhau khi trên đảo để cùng cảm nhận những thử thách, hy sinh của các chiến sỹ. Chúng tôi đã cùng trồng rau, cùng kéo những mẻ lưới cá làm quà tặng của biển khơi cho những thân nhân chiến sỹ khi đến với đảo xa", chị Hà Trang nhớ lại.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Tiến - Chính trị viên đảo An Bang, mọi người xác định thân nhân cán bộ, chiến sỹ ra thăm là người thân của cả đơn vị, trong quá trình ăn ở sinh hoạt trên đảo phải được tạo điều kiện tốt nhất. Việc Quân chủng Hải quân tổ chức cho đoàn thân nhân ra thăm đảo rất ý nghĩa, giúp rút ngắn khoảng cách giữa đất liền với đảo; đồng thời, thể hiện tình cảm của người thân với cán bộ chiến sỹ nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

Ra đảo Đá Lát từ tháng 7/2018, chiến sỹ nghĩa vụ Đỗ Ngọc Trường xúc động khi biết đợt này có bố đẻ từ Quảng Nam ra thăm. Cả đêm trước, anh không ngủ được, thấp thỏm bồi hồi mong trời nhanh sáng. Với bộ quân phục truyền thống của bộ đội Hải quân và khuôn mặt rạng rỡ, Trường đã đón bố mình lên thăm đảo. Hai cha con ôm chặt nhau một lúc lâu để cảm nhận tình cảm, hơi ấm của đất liền mang đến nơi đảo xa. Trong tâm trạng xúc động, Trường nói: Bố đã căn dặn nhiều điều, em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để được phục vụ lâu dài trong Quân đội, xứng đáng với niềm tin yêu của gia đình và quê hương.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác từ đất liền ra thăm cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Lát. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Chứa chan tình cảm nơi đất liền

Trong hành trình đưa thân nhân ra thăm đảo, đoàn Công tác số 15 đã đặt chân tới 10 đảo nổi và đảo chìm: Trường Sa lớn, Đá Lát, Trường Sa Đông, Đá Đông, Đá Tây, Thuyền Chài C, Tóc Tan, Phan Vinh, Núi Le và An Bang.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, chủ trương cho người thân thăm cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại đảo Trường Sa đã đáp ứng nguyện vọng của gia đình thân nhân muốn được biết nơi ăn ở, từ đó chia sẻ, động viên cán bộ, chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với cán bộ chiến sỹ, yên tâm tâm canh giữ biển đảo quê hương. Biết được tâm trạng người thân muốn ra thăm đảo sớm, mọi thủ tục hành chính đã được Trưởng đoàn công tác chỉ đạo rút gọn. "Trong hành trình, chúng tôi đã khẩn trương trong mọi công đoạn để rút ngắn thời gian di chuyển trên biển, với mục đích để thân nhân có thời gian lên đảo sớm nhất, lâu nhất, dù chỉ là ở thêm một giờ trên đảo", Đại tá Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Nhận xét về việc Quân chủng Hải quân tổ chức cho thân nhân đi thăm cán bộ, chiến sỹ công tác ở quần đảo Trường Sa,  chị Nguyễn Thị Hà Trang chia sẻ, quyết định của Quân chủng rất có ý nghĩa và chứa chan tình cảm không chỉ của Quân đội nhân dân Việt Nam gửi gắm vào chuyến đi mà đó là tình cảm cả dân tộc, của đất liền đối với cán bộ, chiến sỹ đang canh giữ biển đảo quê hương. Chị Hà Trang bật mí, vợ chồng chị đã có một con gái 3 tuổi. Nếu lần này thành công, anh chị sẽ đặt tên con là An Bang để đánh dấu kỷ niệm đáng nhớ này.

Các thân nhân đều có chung nhận xét, điều kiện ăn ở của bộ đội đã được cải thiện rõ rệt, các đảo đều có điện, nước ngọt, rau xanh và thực phẩm tươi, tinh thần đoàn kết của cán bộ chiến sỹ bền chặt. Điều ấn tượng nhất trong thời gian lưu trú trên đảo là họ đã được ở trong căn "phòng hạnh phúc" để tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ chiến sỹ yên tâm bảo vệ Tổ quốc.

Mang hơi ấm tình thân tới Trường Sa: Bài 2 - Hậu phương vững chắc của người lính đảo

Mạnh Khánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm