Lên Hoà Lạc xem... người bay

16/06/2008 10:27 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Tiếng máy bay trực thăng vang rền bầu trời, trên độ cao 200 mét, từ khoang máy bay mấy bóng người lần luợt lao ra ngoài không trung. Phía dưới, những đôi mắt dõi theo căng thẳng và hồi hộp.

Thử thách mới

 
5 nữ sinh viên tham gia nhảy dù
Sự ra đời của CLB Hàng không phía Bắc, dưới sự bảo trợ về chi phí huấn luyện, trang bị kỹ thuật và máy bay của Quân chủng Phòng không - Không quân nhằm mục đích trước mắt là tìm kiếm tài năng cho Không quân và hàng không dân dụng, làm tiền đề cho việc tuyển chọn phi công quân sự và nhân viên dù sau này. Từ sự ra đời của CLB nói trên, nhảy dù, một môn thể thao mạo hiểm bậc nhất còn mới lạ ở nước ta, đang trở thành niềm đam mê thu hút sự theo đuổi của một số bạn trẻ Hà thành. Các thành viên CLB còn rất trẻ, chủ yếu là sinh viên và những người mới tốt nghiệp. Họ có chung lòng dũng cảm và niềm đam mê chinh phục bầu trời. Đặc biệt là sức khoẻ phải đảm bảo qua được các vòng kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của ngành hàng không.

Mới chỉ 6 giờ sáng nhưng không khí tại sân bay Hoà Lạc (phía tây Hà Nội) đã trở nên nhộn nhịp. Đội ngũ phi công AH-2 và các kỹ thuật viên của Đoàn Không quân C.18 đã chuẩn bị máy bay từ 3 giờ sáng. Các VĐV nhảy dù đang khởi động ở tuyến chờ. Cả sân bay như nóng lên bởi tiếng còi hiệu lệnh và tiếng loa phóng thanh vang lên từ đài quan sát.

Nhiệm vụ của các VĐV dù là nhảy từ độ cao 200 mét và đáp xuống đúng vị trí vòng tròn mục tiêu dưới mặt đất. Sau chuyến bay khí tưởng, chỉ huy bay thông báo: “Tình hình thời tiết tốt cho phép AH - 2 cất cánh huấn luyện nhảy dù”. Đúng 6h30 phút, chiếc AH - 2 lăn ra đường băng, những cuộc hội ý nhanh và những đôi bàn tay xiết chặt nhau để chúc cho lần nhảy đầu tiên thành công.
 


Thực hiện nhảy dù

Máy bay rời đường băng mang theo 4 thành viên thực hiện bài nhảy. Sau khi thả dù cát để kiểm tra hướng gió, xác định gió thổi mạnh về hướng Đông nên phi công đã cho máy bay lệch phải tâm 300m.

Từ khoang máy bay, 4 bóng người lần lượt lao ra, sau đó là 4 chiếc dù đủ màu sắc bung ra và dần hiện rõ từ trong những đám mây trắng bồng bềnh, lơ lửng trong không trung. Từ phía mặt đất những chiếc loa cầm tay liên tục vang lên hiệu lệnh “Số 1, số 2, số 3, số 4 mở dù tốt!”; “Số 4! Dùng tay kéo 2 dây trái!”… điều khiển các VĐV thực hiện các động tác xử lý trên không. Chừng hơn 4 phút lơ lửng trên không, họ lần lượt tiếp đất an toàn. Đợt nhảy đầu tiên không có bất cứ mọt sai sót hay sự cố nào.

Anh Nguyễn Hoàng Hải là người có cú tiếp đất khá gọn gàng chia sẻ: "Tham gia CLB đã gần một năm rồi, đây không phải là cú nhảy đầu tiên song khi nào cũng thế, mỗi lần nhảy lại mang cho mình một cảm giác mới lạ, mạo hiểm, đòi hỏi phải vượt qua chính mình". Sự tuân thủ nghiêm ngặt các qui tắc là bí quyết giúp anh thành công phải thực hiện tốt tất cả các thao tác kỹ thuật mới đảm bảo an toàn cho tính mạng của bản thân.

Trong lần nhảy thứ hai, gió thổi ngày càng mạnh, đẩy các cánh dù ra xa vòng tròn trung tâm, trong loạt bốn người nhảy lần này thì có đến hai người tiếp đất trong tư thế bất lợi. Đó là Nguyễn Ngọc Linh rơi ngay giữa hồ nước cạnh sân bay, đội cứu hộ phải dùng phao ứng cứu để Linh bơi vào bờ. Linh cho biết: “Gió thổi mạnh, mặc dù đã cố hết sức điều khiển những dù vẫn bị gió cuốn trôi, khi cách mặt nước chừng 150m mình đã thoát ly khỏi dù, cởi giày để tránh trường hợp dù trùm lên người”. Còn Phạm Thái Long thì bị gió thổi dạt vào rừng cây, anh cũng nhanh chóng tìm cách tháo bỏ dù và leo cây để xuống, đội cứu hộ phải dùng cưa máy hạ cây để gỡ dù.

Không chỉ là thể thao

Nhảy dù là môn thể thao đòi hỏi mỗi người phải có lòng dũng cảm và luôn giữ cho mình được cái “đầu lạnh” từ khi bước lên máy bay cho đến khi tiếp đất, nếu không đủ bản lĩnh và lòng can đảm thì không thể bình tĩnh để thực hiện thành công các cú nhảy. Nhiều hội viên đã phải bỏ cuộc giữa chừng do tâm lý bất ổn định, khi ở trên máy bay không đủ tự tin, tinh thần nao núng, sợ độ cao. Những sự cố trên không đòi hỏi VĐV hết sức tỉnh táo trong xử lý; sự cố thường gặp nhất khi nhiều hội viên cùng thực hiện cú nhảy là trường hợp dù của hai người xoắn vào nhau bắt buộc phải hạ cánh bằng một dù chính và một dù phụ. Mỗi VĐV mang một dù chính sau lưng và dù phụ ở phía trước người.
 

Theo Thiếu tá Đặng Thành Chung, giáo viên dù của Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn quốc gia, nhảy dù không chỉ là một môn thể thao mạo hiểm thử thách lòng dũng cảm của các bạn trẻ mà còn tạo ra một đội ngũ những người dự bị sẵn sàng tham gia vào các nhiệm vụ quan trọng, khi đất nước cần huy động một lực lượng lớn. Ví dụ như công tác cứu hộ, cứu nạn đường không trong thiên tai địch hoạ. Nhiều nước trên thế giới thực hiện đào tạo các lực lượng dự bị như vậy.

Trung tá Nguyễn Duy Hải, Chủ nhiệm CLB Hàng không phía Bắc cho biết: Ngày 16/5/2005 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 391/QĐ-TTg phê duyệt đề án thành lập CLB Hàng không. Trong đó CLB sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, trang bị máy bay, mua thêm các loại dù để thu hút nhiều thành phần tham gia, đồng thời câu lạc bộ sẽ tăng cường loại dù có động cơ và không có động cơ để nhảy từ các đỉnh núi cao như Hoà Bình, Tam Đảo… Nhưng trước mắt hoạt động của CLB là tìm kiếm các tài năng cho Quân chủng PKKQ và ngành Hàng không dân dụng. Hiện nay, mỗi hội viên khi tham gia chỉ phải đóng 100 ngàn đồng tiền bảo hiểm cho một lần nhảy, phần bảo đảm về huấn luyện kỹ thuật, máy bay, dù, trang phục đều do Quân chủng PKKQ đảm nhiệm, trong khi đó ở Singapore, Thái Lan chi phí cho mỗi lần nhảy là 150-200 USD.  

Đây thực sự là sân chơi hấp dẫn thu hút những thanh niên từ 16 tuổi trở lên có lòng dũng cảmn, sức khoẻ tốt, ưa mạo hiểm, có ham muốn chinh phục độ cao, đam mê chinh phục bầu trời. Chỉ mất hơn một tháng huấn luyện các bạn sẽ được ngắm nhìn đất nước mình từ trên không.

Ghi chép của Mạnh Cường - Thành Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm