Lao động Việt Nam tại Algeria đình công, đòi về nước

12/12/2015 11:16 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Alger, gần 20 lao động Việt Nam do Cổ phần Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Thăng Long (Thăng Long OSC) cử sang Algeria làm việc cho nhà thầu Trung Quốc từ tháng 9/2014 tại công trường xây dựng Rouiba, cách thủ đô Alger 22 km về phía Đông, đã đình công từ trưa 9/12 và tất cả đều bày tỏ mong muốn được về nước càng sớm càng tốt. 

Các lao động này cho biết họ bị chủ sử dụng lao động là Công ty TNHH Zhejiang Construction Investment Group trừ tiền lương tháng 11/2015 mà không giải thích lý do. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam còn bị nhà thầu Trung Quốc bóc lột sức lao động, ăn uống kham khổ, nhiều điều khoản trong hợp đồng lao động được ký với công ty Thăng Long không đúng với tình hình thực tế ở bên này. 

Cụ thể, phía Trung Quốc đã tự ý trừ của mỗi lao động Việt Nam 60 USD trong bảng lương tháng 11/2015. Các lao động trên đã tìm gặp giám đốc công trường để yêu cầu giải thích lý do bị trừ lương, nhưng đã không nhận được câu trả lời từ phía chủ sử dụng. Không những vậy, nhà thầu Trung Quốc còn yêu cầu người lao động phải làm khoán. 


Lao động Việt Nam ở Algeria. Ảnh: Báo Tin tức

Đây không phải lần đầu tiên những lao động trên tiến hành đình công. Những lần đình công trước là để yêu cầu phía chủ sử dụng lao động trả lương đúng hạn, nhưng lần này, họ yêu cầu được sớm về nước.

Theo hợp đồng lao động sang Algeria làm việc, người lao động làm việc công nhật, được hưởng lương 600 USD/tháng/26 ngày công và mỗi ngày làm việc 10 tiếng, có bảo hiểm y tế và tiền ăn. Tuy nhiên, anh em lao động cho biết thường xuyên bị chủ Trung Quốc ép làm khoán. Kể từ khi sang đây, tháng nào anh em cũng phải đóng 10 USD tiền ăn cho chủ và bị trừ lương vô lý. 

Anh Vũ Mạnh Nguyên (Cửa Lò, Nghệ An) cho biết khi bị tai nạn lao động hay bị ốm, mọi người đều phải tự bỏ tiền túi để chạy chữa. Họ không được trang bị bảo hộ lao động, ăn uống thì kham khổ. Trong trường hợp ốm, trời mưa hoặc do chủ lao động yêu cầu nghỉ làm, họ sẽ bị trừ lương và cả tiền ăn. 

Anh Nguyễn Trung Phong (Diễn Châu, Nghệ An) cho biết 19 lao động ở đây đều đi xuất khẩu lao động vì mục đích cải thiện kinh tế. Nhưng với thu nhập kể từ lúc sang tới nay, tháng nào nhiều nhất gia đình nhận được 10 triệu đồng, còn không chỉ vài triệu đồng, nay lại còn bị trừ lương 60 USD/tháng thì thu nhập sẽ còn thấp nữa. 


Công trường Ain Defla thuộc sự quản lý của Công ty Đông Nhất Giang Tô Trung Quốc, cách thủ đô Algiers khoảng 200km về phía Tây Nam. Ảnh: Báo Tin tức

Anh Tiêu Hà Phương (Thanh Hà, Hải Dương) cho biết gia đình anh phải vay 33 triệu để nộp tiền cho công ty Thăng Long, nhưng công ty không đưa lại hóa đơn và anh cũng không được cầm bản hợp đồng này. Anh Phương cho biết thêm phía công ty Thăng Long có hứa sẽ gửi bản hợp đồng về cho phía gia đình, nhưng cho đến lúc này, gia đình anh ở Hải Dương vẫn chưa nhận được.

Anh Nguyên cho biết thêm trong thời gian làm việc vừa qua, anh em thường xuyên bị chủ Trung Quốc chửi, dọa đánh và đuổi việc. Mọi người ở đây lo ngại nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, sẽ có khả năng lặp lại vụ việc tương tự như vụ các lao động của công ty Simco Sông Đà bị chủ Trung Quốc hành hung và bỏ đói dẫn đến việc về nước của những lao động này. Vì thế, tất cả các anh em lao động ở đây đều mong muốn được về nước càng sớm càng tốt.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm