Lá phiếu của trách nhiệm và niềm tin

21/05/2021 11:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của đất nước, diễn ra sau thành công rất tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quân đội sẵn sàng bảo vệ an toàn cho bầu cử

Quân đội sẵn sàng bảo vệ an toàn cho bầu cử

Ngày 20/5, tại Hà Nội, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị về công tác sẵn sàng bảo vệ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Mỗi công dân với lá phiếu trên tay sẽ bầu chọn những người đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Đó là quyền lợi của mỗi công dân, đồng thời cũng là trách nhiệm với quốc gia, dân tộc.

Lá phiếu niềm tin       

Nhà thơ Chính Hữu trong bài thơ “Lá phiếu hôm nay” viết năm 1960 lúc bầu cử Quốc hội khóa II, có câu thơ: “Mỗi cử tri là một người mơ mộng”. Mơ mộng ở đây như là một khát vọng niềm tin gửi gắm. Lá phiếu bầu cử đã hiện thực hóa, đã “chở” cả bao tâm tình nghĩ suy, có cả sức nặng, sức tải của thời gian, lịch sử của quá khứ và bắt đầu cho một tương lai...           

Nhớ lại cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới giành độc lập 4 tháng, Cách mạng Tháng Tám đã thổi một luồng gió mới vào mọi mặt của đời sống xã hội, đem lại quyền làm chủ cho mọi công dân. Nhưng cuộc bầu cử diễn ra trong một hoàn cảnh chính trị phức tạp. Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược. Cuộc bầu cử được tiến hành trong khói lửa chiến tranh. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc, mở các cuộc hành quân càn quét, tung tay sai đi phá hoại bầu cử. Đã có những người làm công tác vận động bầu cử hy sinh - đó là những “lá phiếu máu”. Trong âm vang náo nức tưng bừng của ngày trọng đại đó (ngày 6/1/1946) nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết ca khúc “Ngày Quốc hội” với nhịp điệu rộn ràng - rộn ràng từ lòng người: “Đâu quốc dân Việt Nam mau - Cùng nhau cầm lá phiếu mau - Cùng nhau cùng đem phiếu ta đi bầu…”.     

Chú thích ảnh
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác bầu cử tại Thạch Thất . Ảnh: TTXVN

Trước ngày bầu cử, trong Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Bác Hồ viết: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”… Trong Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu Bác đã dùng 11 chữ “ngày mai” để quốc dân hiểu rõ về “ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.   

Bác cũng từng nói: “Lá phiếu của cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thực sự của mỗi công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri”.   

Chính vì vậy, khi Bác ra ứng cử ở Thủ đô Hà Nội, mọi người: “Đề nghị Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử này và suy tôn Cụ là Chủ tịch vĩnh viễn nước Việt Nam”, Bác gửi lời cảm tạ và nói: “Tôi là một công dân Việt Nam nên không thể vượt qua thể lệ tổng tuyển cử đã định”.           

Còn nhớ những ngày đó, những lớp bình dân học vụ được mở ra khắp các bản làng, xóm thôn. Những người dân lần đầu tiên được học chữ, được đánh vần tên của những người mình lựa chọn bầu trên những lá phiếu còn thơm mùi mực mới. Và niềm tin về quyền làm chủ của con người làm chủ đất nước cũng bắt đầu hình thành có điểm tựa vững chắc từ đó.

Chú thích ảnh
Cử tri tham gia bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 4, xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Và trách nhiệm      

Nhắc lại những câu chuyện của 75 năm về trước để thấy, có được quyền cầm lá phiếu ngày hôm nay, bao thế hệ ông cha đã phải kiên cường chiến đấu, hy sinh xương máu giành và giữ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Bởi vậy, quyền bầu cử không chỉ là quyền của cá nhân mỗi cử tri khi bầu ai, chọn ai mà còn là sự khẳng định quyết tâm chính trị của những người đang sống hôm nay đối với khát vọng, tâm nguyện của các bậc tiền nhân đã xả thân cho nền độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây nước nhà.           

Mỗi lá phiếu trong tay của cử tri cả nước dù nhỏ với những thông tin cơ bản nhất nhưng chứa đựng giá trị cùng ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, cao quý. Đó là sự khẳng định tuyệt đối và tiếp nối liên tục quyền là chủ, làm chủ của nhân dân đối với một nước độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.           

Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đến thời điểm này, nhân dân đã thực hiện quyền và trách nhiệm để bầu ra các đại biểu của 14 kỳ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Trải qua 75 năm, mỗi một lần bầu cử các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước lại có những yêu cầu với các ứng viên có những phẩm chất, năng lực khác nhau để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng của mỗi giai đoạn. Song, ý thức công dân, ý thức trách nhiệm thể hiện qua những lá phiếu của cử tri vẫn là yếu tố quyết định tới chất lượng các cuộc bầu cử, chất lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.           

Và ngày hội lớn của năm 2021 này mang những ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh chung của tình hình trong nước, khu vực và thế giới cũng như thế và lực của Việt Nam trong một giai đoạn mới. Công cuộc đổi mới ở nước ra sau 35 năm thực hiện đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhân tố gây bất ổn đến an ninh quốc gia. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trước tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phải ra sức phấn đấu, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đã đặt ra. Chính vì vậy, việc sáng suốt lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là vô cùng quan trọng.           

Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, ngoài công tác tổ chức của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương thì việc tham gia thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm bầu cử của công dân là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng.

Cả nước đã sẵn sàng với "Ngày hội non sông"           

Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là chặng cuối của tiến trình bầu cử. Chọn ai, bầu ai ? Đó là quyền của mỗi cử tri. Không ai có quyền lôi kéo, cản trở. Mỗi người đều có chính kiến riêng nhưng mục đích cuối cùng vẫn là chọn đúng người cần chọn. Đó là những người ưu tú nhất đại diện cho ý chí, mong muốn của mình, tham gia xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.           

Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không chỉ thực hiện quyền dân chủ mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với đất nước.           

Mỗi lá phiếu bầu là biểu hiện sinh động lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, chứa đựng niềm tin kỳ vọng về tương lai tốt đẹp của đất nước đang trong giai đoạn bứt phá, hội nhập sâu để phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi lá phiếu gửi gắm niềm tin rằng những vấn đề bức xúc của cử tri như môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… sẽ được ngăn chặn, trấn áp, hạn chế; gửi gắm niềm tin của nhân dân về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ được bảo vệ vững chắc.           

Đi bầu cử cho tương lai của đất nước cũng chính là cho tương lai của mình. Cử tri hãy đi bầu cử để thể hiện quyền làm chủ của mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tinh thần trách nhiệm đó có thể là dành vài phút đọc, nghiên cứu tiểu sử ứng cử viên mỗi cấp, là sự đắn đo, suy tư lựa chọn trước khi bỏ phiếu bầu. Tinh thần trách nhiệm ở chỗ không có những nét gạch vô cảm, không suy nghĩ, đi bầu cho xong.           

Nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của công dân, tiếp nhận những thông tin chính thống để hiểu đúng ý nghĩa của cuộc bầu cử, giữ vững niềm tin và hành động đúng đắn, đi bầu cử đầy đủ, không tự mình "tước bỏ" quyền và trách nhiệm của chính mình là những hành động thiết thực để mỗi chúng ta đóng góp vào thành công chung của Ngày hội bầu cử.

Ngọc Lan/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm