Kịch bản nào cho triển vọng phục hồi kinh tế thế giới?

18/05/2020 18:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế thế giới chịu tổn thất nặng nề và đến nay chính phủ các nước đang chịu áp lực rất lớn trong việc đưa các hoạt động trở lại bình thường càng nhanh càng tốt. Trong bối cảnh các nền kinh tế đã sa sút nghiêm trọng vì tác động tiêu cực của dịch bệnh thì việc kinh tế thế giới sẽ phục hồi như thế nào đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các tập đoàn lớn…   

Kinh tế thế giới đối mặt những rủi ro lớn trong năm 2019

Kinh tế thế giới đối mặt những rủi ro lớn trong năm 2019

Các nhà phân tích của trang mạng Bloomberg (Mỹ) đã đưa ra dự báo về các rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019.

Bức tranh u ám   

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng khiến bức tranh kinh tế thế giới ngày càng tối mầu. Trong báo cáo đưa ra hồi tháng 4-2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm 3% trong năm nay, kéo theo một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930.

Còn trong báo cáo đưa ra trong tháng 5 này, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo IMF có thể phải hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống thấp hơn cả mức 3% đưa ra hồi tháng 4. Còn Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo thì nhận định, giao dịch thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm từ 13 đến 32%.   

Tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới, dịch COVID-19 đã tàn phá và để lại hậu quả nghiêm trọng. Giám đốc Cục Dự trữ liên bang (FED) chi nhánh New York  (Mỹ) John Williams cho biết, nền kinh tế Mỹ cần từ một đến hai năm hoặc nhiều hơn nữa để phục hồi. Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ có thể cần tới 500 tỷ USD/tháng để bảo đảm “sống sót qua dịch”. Tại Trung Quốc, theo Tổng cục Thống kê quốc gia, GDP trong quý I-2020 đã giảm 6,8% so cùng kỳ năm ngoái. IMF dự báo, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm 2020, còn cả khu vực châu Á năm 2020 có thể sẽ bị ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm qua do tác động của COVID-19 đối với lĩnh vực dịch vụ của khu vực này.   

Bức tranh kinh tế châu Âu cũng xuất hiện một loạt khoảng tối chưa từng thấy khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu lục. Các ngành kinh tế quan trọng của EU, từ ngoại thương và du lịch đến vận tải và dịch vụ ăn uống công cộng... đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, sản xuất ô tô được coi là lĩnh vực đặc biệt dễ bị tổn thương do gián đoạn chuỗi cung ứng của EU. Thực tế nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% trong quý I-2020 khi hoạt động kinh doanh đình trệ do các doanh nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Các cửa hàng bán lẻ đóng cửa do dịch COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 8/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là mức sụt giảm lớn nhất của kinh tế Eurozone kể từ năm 1995. Tại Đức, nền kinh tế số một châu Âu, IMF dự báo tăng trưởng sẽ sụt giảm 7,5% trong năm 2020, trong đó khu vực tư nhân chịu ảnh hưởng lớn. Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank đánh giá nền kinh tế Đức đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng và khó có thể phục hồi nhanh chóng…. Sản lượng công nghiệp của Pháp cũng giảm mạnh, ở mức 16,2% trong tháng 3, trong khi GDP của Anh ước giảm 14% trong năm nay.   

Nhìn chung, đại dịch COVID-19 đã khiến tình trạng thất nghiệp ở hầu hết quốc gia tăng đột biến. Việc giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng cũng làm cho các nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Các nhà hoạch định chính sách nhận định, thị trường tiêu dùng và du lịch là hai lĩnh vực "xương sống" giúp các nền kinh tế phục hồi và tăng tốc hiện vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, việc nhiều quốc gia ban hành các lệnh phong tỏa kinh tế-xã hội trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã “giáng đòn mạnh” lên hoạt động du lịch thế giới, với ước tính sẽ suy giảm 45% trong năm nay. Ngay cả khi lệnh phong tỏa ở một số quốc gia đã được dỡ bỏ thì quy định về giãn cách xã hội vẫn khiến người dân e ngại, hạn chế sử dụng các dịch vụ và đi du lịch… Theo Giám đốc điều hành Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus Guillaume Faury, việc người dân chưa sẵn sàng đi lại sẽ khiến ngành công nghiệp hàng không phải mất 3-5 năm mới có thể hồi phục. Tương tự, Giám đốc điều hành Hãng thực phẩm Nestle SA Mark Schneider nhận định, những khó khăn trong lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng sẽ khiến quá trình phục hồi kinh tế kéo dài vài quý, thậm chí là vài năm.  

Kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo kịch bản nào?   

Khi kinh tế toàn cầu đã rơi vào suy thoái, một trong những vấn đề mà giới phân tích và các chính phủ quan tâm nhất hiện nay là kinh tế thế giới sẽ phục hồi như thế nào sau đại dịch?   

Theo các nhà phân tích, triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới sẽ diễn ra  theo mô hình nào còn tùy thuộc vào thời gian kéo dài của đại dịch COVID-19 cũng như mức độ ảnh hưởng của nó. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mới đây cho biết, hơn 50 nhà kinh tế học đã tham gia khảo sát của Reuters về khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, và đã đưa ra 5 kịch bản về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, bao gồm mô hình chữ V, U, W, L và SWOOSH-biểu tượng của thương hiệu Nike.  

Chú thích ảnh
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Jena, Đức ngày 6/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Với dự báo phục hồi theo hình chữ V, các nhà kinh tế học cho rằng đây là kịch bản lạc quan nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Sau khi đi xuống, nó sẽ nhanh chóng trỗi dậy, lấy lại tốc độ tăng trưởng như thời kỳ trước khi dịch bệnh bùng phát với một loạt hiệu ứng bật lò xo. Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại thì nền kinh tế sẽ có khả năng phục hồi nhanh vào quý III và quý IV năm nay.   

Với kịch bản hình chữ U, có nghĩa là thời gian trì trệ sẽ kéo dài hơn sau sự sụt giảm ban đầu do dịch bệnh, nhưng cuối cùng vẫn là sự trở lại của xu hướng tăng trưởng. Trong kịch bản hình chữ U, thời gian hồi phục sẽ mất hơn 2 quý bởi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng còn tồi tệ hơn cả những năm 2008-2009. Điều này xảy ra có thể là vì lệnh giãn cách xã hội đã tác động tiêu cực lên nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có du lịch. Các hãng hàng không và du lịch là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, khi không thể khai thác các chuyến bay, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội hạn chế đáng kể các chuyến du lịch và công tác. Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 60-80% trong năm 2020.   

Kịch bản chữ W đáng lo ngại hơn. Kịch bản chữ W ngụ ý rằng kinh tế thế giới có thể phục hồi trong thời gian ngắn, sau đó lại suy giảm hơn nữa. Điều này có khả năng xảy ra sau khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng. Tuy các hoạt động kinh tế quay trở lại song nhiều doanh nghiệp bị phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng, nguy cơ suy thoái vẫn hiện hữu nếu một đợt sóng COVID-19 thứ hai xuất hiện.   

Theo các chuyên gia, nếu một đợt sóng dịch bệnh bùng phát trở lại thì các quốc gia thay vì có thể đạt được sự phục hồi theo kịch bản tối ưu nhất là mô hình chữ V thì sẽ phải chứng kiến diễn biến kinh tế đi theo đồ thị hình chữ W (phục hồi ngắn và tiếp tục suy thoái mạnh), hoặc tệ hơn là đồ thị hình chữ L (suy thoái sâu và giữ đáy trong thời gian dài). Vì vậy, kịch bản chữ L được xem đáng báo động nhất, xuất hiện khi nền kinh tế hầu như chưa thể bật dậy, cứ mãi dò đáy nếu dịch COVID-9 tiếp tục lan rộng dẫn tới phải áp dụng các lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, viễn cảnh này cũng được xem là khó trở thành hiện thực.        

Một kịch bản khác được đa số các nhà hoạch định chính sách đưa ra, đó là  nền kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ phục hồi theo mô hình giống dấu “SWOOSH” trong biểu trưng của hãng giày Nike, hơn là mô hình chữ V theo những dự báo trước đó. Điều này có nghĩa là nền kinh tế thế giới sẽ mất nhiều thời gian để chạm đáy, sau đó phục hồi với tốc độ chậm nhưng chắc chắn. Các nhà hoạch định chính sách dự báo rằng nền kinh tế thế giới sẽ có sự sụt giảm mạnh, sau đó là quá trình phục hồi chậm chạp và đau đớn, với nhiều nền kinh tế phương Tây bao gồm cả Mỹ và châu Âu, sẽ không thể quay trở lại mức sản lượng như năm 2019 cho tới cuối năm tới hoặc thậm chí xa hơn.         

Nhiều người đặt câu hỏi kịch bản phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ là bật dậy nhanh theo mô hình chữ “V”, hay trì trệ kéo dài theo mô hình chữ “L”, hay phục hồi chậm nhưng chắc như biểu tượng “SWOOSH”? Câu hỏi này hiện chưa có đáp án, bởi vì triển vọng tăng trưởng phụ thuộc rất lớn vào yếu tố quyết định là diễn biến của dịch bệnh. Nếu thế giới có thể nhanh chóng dập dịch, tìm ra vaccine chữa trị COVID-19, thì tăng trưởng kinh tế sẽ sớm trở lại; nếu không, tình trạng “hôn mê sâu” của nhiều nền kinh tế có thể kéo dài. Hiện tại, một số nền kinh tế đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại, nhưng thế giới vẫn đối mặt với một giai đoạn phong tỏa mới, nếu dịch bệnh không được kiểm soát chặt chẽ. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cứ mỗi tháng đóng cửa nền kinh tế, tăng trưởng GDP của các nước OECD sẽ sụt giảm 2%.   

Theo các nhà phân tích, giải quyết bài toán kinh tế thời kỳ hậu COVID-19 đang là thách thức của bất kỳ quốc gia nào. Cho đến nay, kịch bản được nhiều nhà hoạch định chính sách và giám đốc điều hành các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới lựa chọn nhất, đó là kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo mô hình giống dấu “SWOOSH” trong biểu trưng của hãng thể thao Nike (phục hồi chậm nhưng chắc). Nhưng để có thể đạt được điều này thì lộ trình phục hồi phải được thực hiện đồng bộ, thích hợp và an toàn ở tất cả các nước.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm