Hướng dẫn mới về sàng lọc người nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám chữa bệnh

18/05/2022 21:30 GMT+7 | Tin tức 24h

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn điều chỉnh một số quy định về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm người nghi nhiễm SARS-CoV-2 và thu dung điều trị người mắc Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh.

Dịch Covid-19 tối 18/5: Cả nước có 8.437 F0 khỏi bệnh, 1.831 ca mắc mới

Dịch Covid-19 tối 18/5: Cả nước có 8.437 F0 khỏi bệnh, 1.831 ca mắc mới

Bộ Y tế cho biết, trong ngày 18/5, cả nước có 1.831 ca mắc mới, 8.437 F0 khỏi bệnh và chỉ còn 206 F0 nặng đang được tích cực điều trị. Như vậy, số F0 khỏi bệnh nhiều gần gấp 5 lần số mắc mới.

Tổ chức tốt công tác sàng lọc, phát hiện sớm người nghi nhiễm SARS-CoV-2

Theo đó, tại hướng dẫn mới nhất này, Bộ Y tế cho biết, trong bệnh viện, người đang điều trị các bệnh, nếu mắc COVID-19 sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị, do vậy cần tổ chức sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm, phát hiện và điều trị COVID-19 sớm.

Các khoa tập trung người bệnh nặng, có nguy cơ cao cần hạn chế tối đa lây nhiễm SARS-CoV-2.

Lãnh đạo bệnh viện cần tổ chức tốt công tác sàng lọc, phát hiện sớm người nghi nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt tại các khoa có nguy cơ cao và tập trung cấp cứu, điều trị ưu tiên giảm tử vong liên quan đến COVID-19.

Bộ Y tế nêu rõ, dựa trên hướng dẫn chung của Bộ Y tế, bệnh viện chủ động xây dựng, cập nhật và duy trì quy trình đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, xét nghiệm, điều trị và chuyển viện cho người mắc COVID-19 theo hướng linh hoạt, cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế.

Chú thích ảnh
Sàng lọc ca mắc COVID-19 tại cơ sở y tế. Ảnh: TN

Căn cứ trên phạm vi chuyên môn, điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng, cấu trúc sẵn có, bệnh viện nghiên cứu, thiết kế quy trình thuận tiện, hợp lý trên nguyên tắc giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Về sàng lọc, phân luồng: Áp dụng chung cho các bệnh viện công lập, tư nhân, có 1 cổng, nhiều cổng.

Tại các cổng có tiếp nhận người bệnh đặt biển báo: "Hướng đi dành cho người bị ho, sốt, chảy mũi, đau rát họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mất vị giác khứu giác".

Biển báo có thể bổ sung thêm các nội dung khác như các dấu hiệu khác, số điện thoại đường dây nóng... Biển báo có đèn chiếu sáng để nhìn rõ vào ban đêm.

Phía sau biển báo cần có biển chỉ dẫn đến khu vực khám sàng lọc COVID-19 (hoặc đến khoa/đơn nguyên truyền nhiễm của bệnh viện được phân công khám sàng lọc). Khu vực khám sàng lọc có bố trí phương tiện vận chuyển như cáng, xe lăn cho người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp, có quy trình vệ sinh rõ ràng và thực hiện khử khuẩn sau mỗi lần sử dụng.

Trong trường hợp bệnh viện có đặc thù như quy mô lớn, mặt bằng rộng hoặc các lý do đặc thù khác, bệnh viện có thể thiết lập và tổ chức sàng lọc người bệnh ngay tại cổng bệnh viện hoặc tại một số khoa/trung tâm, khối nhà của bệnh viện theo các nguyên tắc chung.

Về thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, các bệnh viện có hướng dẫn người vào bệnh viện đeo khẩu trang và khử khuẩn tay.

Việc đo thân nhiệt, giữ khoảng cách do bệnh viện chủ động quy định và thực hiện phù hợp, dựa trên điều kiện mặt bằng cơ sở vật chất và số lượng người đến bệnh viện.

Các khu vực sàng lọc bảo đảm thông khí, bố trí đầy đủ phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay, túi, thùng, phương tiện và thực hiện quản lý chất thải, vệ sinh môi trường theo quy định.

Chú thích ảnh
Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn điều chỉnh một số quy định về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm người nghi nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: PV/Vietnam+

Hướng dẫn xét nghiệm người nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong bệnh viện

Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng các kỹ thuật nhằm phát hiện tình trạng nhiễm SARS-CoV-2) đối với các trường hợp người đến khám tại bệnh viện, người bệnh nội trú, nhân viên y tế nếu nghi ngờ mắc COVID-19 như có các dấu hiệu ho, sốt, chảy mũi, đau rát họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mất vị giác, khứu giác và các dấu hiệu bất thường khác có liên quan sau khi khám sàng lọc COVID-19.

Bệnh viện tập trung đánh giá nguy cơ và phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 để chỉ định xét nghiệm cho người bệnh trước khi làm phẫu thuật, người bệnh tại các khoa có nguy cơ cao như hồi sức tích cực, đột quỵ, lọc máu (thận nhân tạo), hậu phẫu và người bệnh khác theo yêu cầu chuyên môn trên nguyên tắc bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao, hạn chế tối đa lây nhiễm.

Các đối tượng khác như: người chăm sóc người bệnh, người cung ứng dịch vụ cho bệnh viện, người đến công tác, làm việc với bệnh viện, học viên, khách đến thăm nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 như trên cần chủ động đến khu vực khám sàng lọc COVID-19 và thực hiện theo hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật test nhanh kháng nguyên. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Về thu dung điều trị người mắc COVID-19 trong các cơ sở khám chữa bệnh

Về cách tổ chức khu vực điều trị người bệnh COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ: Khu vực điều trị COVID-19 được tổ chức tại một trong các địa điểm như khoa truyền nhiễm; hoặc bố trí buồng bệnh hoặc khu vực điều trị COVID-19 trong khoa lâm sàng hoặc liên khoa lâm sàng; hoặc thiết lập Khu vực điều trị COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh.

Tại Khoa Hồi sức tích cực: bố trí buồng bệnh hoặc khu vực để cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch.

Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ trên điều kiện cơ sở vật chất, khoa, phòng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bố trí khu vực điều trị COVID-19 cho những người bệnh mắc COVID-19 khi đến hoặc trong quá trình khám, chữa bệnh tại cơ sở theo một hoặc một số cách nêu tại điểm a mục này.

Thực hiện chuyển tuyến những người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch khi vượt quá năng lực chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh theo quy định hiện hành hoặc theo hướng dẫn của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm