Hơn 800 triệu người đói ăn, LHQ cảnh báo tình trạng đói nghèo gia tăng

16/07/2019 11:04 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/7, Liên hợp quốc (Liên hợp quốc) công bố báo cáo cho thấy hơn 821 triệu người dân trên toàn thế giới rơi vào cảnh thiếu ăn trong năm 2018, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp con số này gia tăng. Báo cáo mang tên "Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu" do Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và các cơ quan khác của LHQ trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WTO) phối hợp thực hiện.   

Canada công bố chiến lược giảm đói nghèo đầy tham vọng

Canada công bố chiến lược giảm đói nghèo đầy tham vọng

Ngày 21/8, Chính phủ của Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố kế hoạch đầy tham vọng đưa hàng triệu người Canada thoát nghèo. Theo đó, trong vòng 2 năm, chính phủ liên bang đặt mục tiêu giảm 20% tỷ lệ đói nghèo và nâng lên mức 50% vào năm 2030.

Sau nhiều thập kỷ liên tục giảm, số người rơi vào cảnh đói kém tăng trở lại vào năm 2015, chủ yếu do biến đổi khí hậu và chiến tranh. Việc đảo ngược xu hướng này là một trong các Mục tiêu Phát triển bền vững tới năm 2030 đã được LHQ vạch ra. Nhưng báo cáo mới của LHQ cho thấy tương lai một thế giới không còn cảnh đói kém hiện vẫn xa vời khi số người không đủ ăn tiếp tục tăng từ 811 triệu người năm 2017 lên 821 triệu người năm 2018.

Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới David Beasley dự đoán thế giới sẽ không thể đạt mục tiêu xóa đói vào năm 2030. Ông cho rằng đây là một xu hướng tồi tệ bởi không đảm bảo an ninh lương thực thì thế giới sẽ không thể hòa bình và ổn định. Quan chức LHQ cũng cảnh báo các tổ chức cực đoan đang biến tình trạng thiếu ăn và kiểm soát nguồn cung cấp thành vũ khí để chia rẽ các cộng đồng hoặc tuyển mộ thành viên mới.   

Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra tình trạng suy dinh dưỡng diễn ra trên diện rộng tại châu Phi, tác động tới 20% dân số châu lục này và tại châu Á, tác động tới 12% dân số. Trong khi đó, tình trạng mất an ninh lương thực khiến tổng cộng hơn 2 tỷ người (với 8% tập trung ở Bắc Mỹ và châu Âu) thường xuyên không được tiếp nhận đủ dưỡng chất, thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, tình trạng suy giảm an ninh lương thực tại Mỹ Latinh và Caribe đã tác động tới 42,5 triệu người trong khu vực này. FAO cảnh báo tại Mỹ Latinh và Caribe, tỷ lệ người thiếu ăn đã tăng trong vài năm qua, chủ yếu là tại Nam Mỹ, nơi tỷ lệ người chịu đói tăng từ 4,6% vào năm 2013 lên mức 5,5% năm 2018.

Chú thích ảnh
Người dân châu Phi xếp hàng nhận lương thực cứu trợ của Liên hợp quốc

Trong 15 năm đầu tiên của thế kỷ này, Mỹ Latinh đã giảm được tới một nửa tỷ lệ người thiếu ăn, tuy nhiên kể từ năm 2014 tỷ lệ người bị đói lại gia tăng trở lại. FAO nhấn mạnh việc gia tăng nạn đói phản ánh tình trạng suy giảm kinh tế mà khu vực này đang trải qua, với việc các mặt hàng nguyên liệu – động cơ tăng trưởng kinh tế chính của đa phần các nước trong khu vực – rớt giá trên thị trường thế giới. Xu hướng này khiến nạn thất nghiệp gia tăng và khiến thu nhập của đa phần gia đình trong khu vực sụt giảm, ảnh hưởng tới cuộc chiến chống đói nghèo.   

Cũng trong báo cáo mới, FAO khẳng định các nỗ lực hiện tại là không đủ để đạt mục tiêu giảm một nửa số trẻ em chậm lớn vì suy sinh dưỡng vào năm 2030. Hiện khoảng 149 triệu trẻ em trên toàn thế giới được xác định chậm phát triển vì suy dinh dưỡng. Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra tình trạng thừa cân và béo phì tăng ở mọi khu vực, đặc biệt ở nhóm trẻ trong độ tuổi đến trường và người trưởng thành.       

Báo cáo của LHQ nêu rõ để đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, chính phủ các nước cần sẵn sàng các chính sách kinh tế và xã hội để đối phó với hậu quả của biến động kinh tế trong khi bằng mọi giá, phải duy trì các dịch vụ cần thiết như chăm sóc sức khỏe hay giáo dục. Các tác giả báo cáo cho rằng cần một sự biến đổi cấu trúc để đưa cả những người nghèo nhất trên thế giới vào diện được quan tâm. Để thực hiện điều này cần lồng ghép các quan ngại về an ninh lương thực và dinh dưỡng với các nỗ lực giảm nghèo trong khi vẫn tiếp tục khắc phục bất bình đẳng giới.   

Lê Hà- Lê Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm