Hơn 400.000 tỷ đồng phát triển giao thông Hà Nội

07/03/2016 12:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/3 tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và thành phố đã hội nghị triển khai công tác quản lý nhà nước về GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) của thủ đô giai đoạn 2016 – 2020.

Theo Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, thời gian qua, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng như quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều kết quả.

Trong lĩnh vực đường bộ, ngành GTVT đã đưa vào khai thác hàng loạt tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ và các cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân – Nội Bài, cầu Vĩnh Thịnh, nút giao Thanh Trì, hầm Trung Hòa, hầm Thanh Xuân, đường 5 kéo dài, đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy; khởi công dự án cầu Việt Trì – Ba Vì, cầu vượt Hoàng Minh Giám và đang triển khai thi công tuyến Hòa Lạc – Hòa Bình...


Đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành lao lắp qua hồ Hoàng Cầu. Ảnh Huy Hùng - TTXVN

Ngành GTVT cũng đang khẩn trương thui công tuyến đường sắt số 2 Cát Linh – Hà Đông, tuyến số 3 Nhổn – ga Hà Nội và tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi; đồng thời đã hoàn thành và đưa vào khai thác nhà ga T2 – sân bay Nội Bài, nâng tổng công suất phục vụ sân bay quốc tế Nội Bài lên 25 triệu hành khách/năm.

Các công trình đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông của Hà Nội cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết: Do nguồn lực về vốn còn khó khăn, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, nên hiện nay nhiều dự án hạ tầng khó thực hiện theo đúng tiến độ, nhất tuyến đường sắt đô thị, các tuyến vận tải công cộng, trong khi lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân vẫn tăng mạnh, khó quản lý...

Trước thực tế này, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội và Bộ GTVT sẽ tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; các tuyến trục hướng tâm, trục chính đô thị, hoàn thiện các tuyến đường vành đai chính và phân công rõ trách nhiệm đầu tư của Bộ GTVT và của TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2, các QL 3, 6, 21...

Riêng trong năm 2016, Bộ GTVT dự kiến khởi công 4 dự án gồm xây dựng cầu cạn trên cao đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, đường vành đai 4 đoạn nối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ với Hà Nội – Hải Phòng, tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi, cầu vượt nút giao Phú Thượng với tổng kinh phí khoảng 39.000 tỷ đồng.

Đối với Hà Nội, ngoài các dự án đang triển khai, dự kiến khởi công đầu tư 46 dự án trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020 gồm 31 dự án đường bộ, 6 tuyến đường sắt, 4 dự án BRT, 5 dự án xây dựng bến xe, tổng kinh phí khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đề xuất, kiến nghị với TP Hà Nội chủ đồng phối hợp, hợp tác trên nhiều mặt để phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự ATGT, đẩy nhanh tiến độ các dự án và các giải pháp chống ùn tắc giao thông, xử lý xe dù bến cóc...

Theo Baotintuc.vn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm