Hàn Quốc điều tra hoạt động môi giới hôn nhân

01/08/2010 11:05 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Chỉ 8 ngày sau khi chuyển tới sống ở Hàn Quốc, cô dâu 20 tuổi Thạch Thị Hoàng Ngọc đã bị người chồng 47 tuổi đánh đập và đâm chết. Vụ việc đã khiến Chính phủ Hàn Quốc phải xiết chặt hoạt động của các công ty môi giới hôn nhân.

Quen biết chồng qua một công ty môi giới hôn nhân, Thạch Thị Hoàng Ngọc không hề biết người đàn ông 47 tuổi mắc bệnh tâm thần. Việc này đã dẫn tới một cái kết thương tâm, khi Ngọc bị chồng đánh đập và sát hại. Cái chết của Ngọc vào đầu tháng 7 này đã một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận tới một thực tế rằng ngày càng có nhiều đàn ông Hàn Quốc ra nước ngoài tìm vợ. Điều đáng quan tâm hơn là những cô dâu được họ cưới về lại nhận được rất ít sự bảo vệ.


Các cô gái nhập cư biểu tình trước Ủy ban Nhân quyền
Quốc gia Hàn Quốc theo sau cái chết của Ngọc
“Con sẽ sống hạnh phúc” là những lời cuối cùng (Ngọc) nói với cha đẻ khi cô gọi về nhà" - Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố hồi đầu tuần này khi đưa cái chết của Ngọc trở thành tiêu điểm trong bài phát biểu hàng tuần của ông trước quốc dân - "Tôi thật sự buồn và cảm thấy hết sức đáng tiếc. Tôi cầu nguyện cho linh hồn của cô và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới gia đình cô".

Sự tác quái của các công ty môi giới hôn nhân

Ngay sau đó, cảnh sát Hàn Quốc tuyên bố họ sẽ bắt đầu điều tra vào các công ty môi giới hôn nhân bị nghi ngờ bất hợp pháp. Bên cạnh đó, bắt đầu từ tháng 8, Chính phủ cũng sẽ triển khai hàng loạt các quy định mới đối với người Hàn Quốc muốn cưới và đưa vợ là người nước ngoài tới đây.

Theo Heo Young-sug, một nhà hoạt động cho Trung tâm Nhân quyền Phụ nữ Nhập cư ở Seoul, trong vòng một thập kỷ vừa qua, một lượng lớn đàn ông Hàn Quốc, chủ yếu sống tại các vùng nông thôn với dân số đang thu nhỏ, đã tìm kiếm vợ ngoại quốc. Họ chi ra khoản tiền trung bình 9.900 USD cho các tay môi giới để giúp họ gặp gỡ các cô dâu, phần lớn tới từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Các cô gái này chấp nhận lấy chồng ngoại với hy vọng sẽ có cuộc sống tốt hơn.

Bộ Hành chính công và An ninh Hàn Quốc cho biết trong năm 2009, đã có 180.000 cô dâu ngoại kết hôn với đàn ông nước này, bao gồm hơn 35.000 cô dâu Việt Nam. Nhiều người chỉ gặp gỡ bạn đời thông qua khoảng 1.250 công ty môi giới hôn nhân. Ngoài ra, họ còn nhận được sự giúp đỡ từ các "ông mai bà mối", những người đã tổ chức khoảng 15.000 cuộc hôn nhân mỗi năm giữa đàn ông Hàn Quốc và phụ nữ ngoại quốc, phần lớn tới từ Đông Nam Á.

Tuy nhiên Heo Young-sug cho biết một bộ phận các nhà môi giới đã quan tâm nhiều tới việc kiếm tiền hơn là giúp tạo ra một gia đình hạnh phúc. Một số cơ sở môi giới thậm chí còn dính líu tới hoạt động buôn người dưới lớp vỏ môi giới hôn nhân. Song Ji-eun, một quan chức tại Bộ Bình đẳng giới cho biết những cơ sở này thường thu một khoản phí rất cao với những người đàn ông muốn tìm vợ là trinh nữ hoặc có "kỹ năng nội trợ cao". Quan ngại trước những biến tướng trong hoạt động môi giới hôn nhân, hồi đầu năm nay Campuchia đã cấm công dân nước này kết hôn với đàn ông Hàn Quốc.

Không ít lần, hoạt động môi giới hôn nhân không đếm xỉa tới yếu tố đạo đức đã mang tới những hậu quả nặng nề, như trong trường hợp của Ngọc. Cảnh sát thành phố Busan cho biết Ngọc chưa bao giờ được người ta thông báo cho biết về căn bệnh tâm thần phân liệt của người chồng họ Jang, hay chuyện anh ta phải nhập viện tới 57 lần kể từ năm 2005.

Tổng thống Hàn Quốc: “Sẽ đối xử như với con dâu của mình”

Tuần trước, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc đã bắt đầu điều tra các hoạt động môi giới hôn nhân trái phép, bao gồm việc cung cấp cho cô dâu nước ngoài những thông tin sai lệch, không chính xác về lịch sử bệnh tật, phạm pháp của chú rể Hàn Quốc. Quan chức Kim Joong-yeol thuộc Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho biết bắt đầu từ tháng 11 tới, các nhà môi giới sẽ chịu án phạt nặng và cấm hoạt động trong lĩnh vực môi giới hôn nhân nếu bị phát hiện vi phạm luật.

Chính phủ Hàn Quốc cũng nói rằng sẽ quản lý các cuộc hôn nhân quốc tế tốt hơn bằng cách kiểm tra cẩn thận thông tin về sức khỏe, tình trạng pháp lý và nền tảng tài chính của các chú rể. Ngoài ra, những người Hàn Quốc xin cấp visa cưới vợ người nước ngoài sẽ phải tham dự một khóa học về hôn nhân quốc tế do Cơ quan Nhập cư Hàn Quốc tổ chức.

Tổng thống Lee nói rằng ông hoàn toàn nhận thức việc Chính phủ còn phải làm nhiều hơn để chăm sóc tốt các gia đình đa văn hóa. Ông thề sẽ hoàn thành lời hứa trước Thủ tướng Campuchia Hun Sen hồi tháng 10 năm ngoái rằng sẽ "đối xử với các cô dâu Campuchia tới sống ở Hàn Quốc như con dâu của ông". "Hãy đảm bảo rằng chúng ta sẽ mở rộng trái tim và hết lòng chào đón những con người và nền văn hóa tới từ bên ngoái" - Tổng thống Lee nói - "Chỉ khi tiếp tục gắng sức theo hướng này, chúng ta mới có thể xây dựng một đất nước nơi người dân từ khắp thế giới có thể tìm tới ".

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm