Hải Phòng với ngôi vị quán quân Chỉ số cải cách hành chính năm 2021

28/05/2022 10:10 GMT+7 | Tin tức 24h

Thành phố Hải Phòng đã có sự bứt phá mạnh mẽ trên bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong năm 2021. Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân Chỉ số cải cách hành chính năm 2021, với kết quả đạt 91,80%, cao hơn 0,66% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Quảng Ninh (đạt 91,14%).

Hà Nội triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021

Hà Nội triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2021

Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 đối với các Sở, cơ quan tương đương Sở và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội được xác định trên cơ sở kết hợp giữa đánh giá của Hội đồng thẩm định và đánh giá qua điều tra xã hội học.

Đây là minh chứng cụ thể nhất cho khát vọng vươn lên và những nỗ lực không ngừng nghỉ của thành phố về việc xây dựng chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tác động tích cực

Trước đó, theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, thành phố Hải Phòng đã bứt phá 5 bậc, lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, với 70,61 điểm (tăng 1,34 điểm so với năm 2020), nằm trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường, thành phố xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, cần được cả hệ thống chính trị quan tâm, ưu tiên tập trung chỉ đạo; thống nhất cao từ nhận thức tới hành động, kiên trì và thực hiện thường xuyên, với quan điểm: Nếu không quyết liệt thực hiện cải cách hành chính hoặc thực hiện nhưng hình thức thì thành phố Hải Phòng sẽ không có điều kiện để phát triển, không thể nâng cao sức cạnh tranh, không thu hút được các nhà đầu tư và không tạo được sự đồng thuận từ phía người dân và doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2021. Ảnh: TTXVN

Thành phố đã tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trong đó tăng cường, đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành các cấp, ngành thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2021, khi tình hình dịch COVID-19 lan rộng và diễn biến phức tạp, thành phố đã linh hoạt, kịp thời thay đổi trong công tác chỉ đạo, điều hành với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.

Các hình thức đối thoại được thực hiện linh hoạt, từ cấp thành phố tới các địa phương; hội nghị đối thoại doanh nghiệp định kỳ được các địa phương chủ động tổ chức hàng tháng; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp thông qua email và qua điện thoại đường dây nóng; tăng cường đối thoại qua Cổng Thông tin điện tử thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.

Từ năm 2018, thành phố Hải Phòng đã xác lập cơ chế đánh giá trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban, ngành và quận, huyện trong thực hiện cải cách hành chính gắn với đánh giá Chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Năm 2021, thành phố lần đầu tiên công bố Bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện (DDCI); thực hiện những phương thức xúc tiến đầu tư để thích ứng với tình hình mới. Công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ được phát huy tối đa hiệu quả, thay vì cử đoàn xúc tiến ra nước ngoài quảng bá môi trường đầu tư, tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng.

Cùng đó, thành phố đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó tập trung vào các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Đến nay, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và thay đổi được thực hiện qua mạng chiếm 100% số hồ sơ; doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99,64%; hồ sơ hoàn thuế điện tử đạt 100% doanh nghiệp phát sinh hoàn thuế thuộc trường hợp đầu tư và  xuất khẩu; 100% doanh nghiệp đang hoạt động kê khai thuế điện tử; doanh nghiệp kê khai thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế qua điện tử đạt trên 98%...

Là doanh nghiệp thường xuyên phải giao dịch với các cơ quan chức năng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư U & ME Mai Quốc Hưng cho rằng, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính của thành phố Hải Phòng đó là tạo sự chuyển biến rõ nét, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Trong bối cảnh công tác chống dịch COVID-19 gây hạn chế cho việc giải quyết thủ tục hành chính, thành phố đã quyết liệt và tập trung cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn thời gian tối đa cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống dưới 1,5 ngày làm việc.

Những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính đã góp phần tăng trưởng kinh tế thành phố và giúp môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều tiến bộ vượt bậc. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng (GRDP) đạt 12,38%, cao gấp gần 5 lần so với bình quân chung của cả nước, là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, có cơ cấu rất tích cực khi thu nội địa tăng cao (đạt gần 40% tổng thu ngân sách). Hải Phòng cũng vươn lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,2 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam và gấp gần 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Các dự án FDI lớn chủ yếu là các dự án đầu tư của các nhà đầu tư uy tín, có năng lực tài chính, thái độ đầu tư nghiêm túc đến từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore…

Chú thích ảnh

Giữ vững ngôi vị quán quân

Giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng Nguyễn Thị Thu cho biết: Để triển khai hiệu quả hơn nữa công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung đổi mới, quyết liệt, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành; xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong cải cách hành chính. Thành phố chú trọng xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao kỷ luật, đạo đức và trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho đơn vị, địa phương. Cùng với đó, thành phố chủ động bắt nhịp chuyển đổi số để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Hải Phòng tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Để nâng cao chất lượng đầu vào của công chức, thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo đổi mới công tác tuyển dụng công chức từ việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, xác định vị trí tuyển dụng theo cơ cấu vị trí việc làm, tiếp nhận hồ sơ đến việc tổ chức thi tuyển. Việc tuyển dụng phải công khai, minh bạch tạo được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.

Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp chủ trì các đoàn kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ tại các đơn vị, địa phương, kiểm tra tới tận các xã, phường. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm thời gian làm việc, tạo ra nề nếp thực hiện nghiêm túc giờ giấc làm việc, trách nhiệm thực thi công vụ của công chức, viên chức.

Các địa phương, sở, ban, ngành, đơn vị chủ động bắt nhịp chuyển đổi số để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Thành phố đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2022 đề ra các mục tiêu cụ thể về phát triển Chính phủ số, phát triển Kinh tế số, phát triển Xã hội số.

Mục tiêu đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 60% hồ sơ công việc tại các cơ quan thành phố, 50% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 70% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; cơ quan Nhà nước thành phố có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Đồng thời, thành phố triển khai dịch vụ 5G tại khu đô thị trung tâm, khu công nghiệp; phấn đấu phổ cập điện thoại di động thông minh, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 30%, cung cấp danh tính số trên nền tảng di động cho tối thiểu 20% người dân sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Hải Phòng tăng cường đầu tư sơ sở hạ tầng nhằm hiện đại hóa nền hành chính hướng tới mục tiêu thu hút người dân sử dụng cổng thông tin của các cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Thành phố tuyên truyền rộng rãi để doanh nghiệp và người dân nhận thức được lợi ích và từ đó có thói quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; xây dựng các phương thức tương tác với người dân thông qua các phương tiện truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức tương tác trực tuyến với người dân.

Bên cạnh đó, thành phố nâng cao chất lượng phục vụ và có các giải pháp hỗ trợ để người dân tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống một cửa điện tử của thành phố khi giải quyết thủ tục hành chính; hình thành doanh nghiệp điện tử và công dân điện tử song hành cùng chính quyền điện tử nhằm cải thiện chỉ số Quản trị điện tử đang thuộc nhóm trung bình thấp. Đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hải Phòng đặt ra trong năm 2022.

Đoàn Minh Huệ/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm