Giải Nobel Y sinh 2022 và các giải Nobel Y sinh 10 năm trở lại đây

03/10/2022 22:06 GMT+7 | Văn hoá

Giải Nobel Y sinh 2022 và các giải Nobel Y sinh 10 năm trở lại đây

Chiều ngày 3/10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y sinh năm 2022 thuộc về nhà khoa học người Thụy Điển Svante Paabo với công trình nghiên cứu về gene của các loài linh trưởng đã tuyệt chủng và sự tiến hóa của loài người.

Giải Nobel Y sinh 2022 tôn vinh cách tiếp cận mới trong nghiên cứu về tiến hóa của loài người

Giải Nobel Y sinh 2022 tôn vinh cách tiếp cận mới trong nghiên cứu về tiến hóa của loài người

Theo kết quả được Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) công bố chiều 3/10, Giải Nobel Y Sinh 2022 đã thuộc về nhà nghiên cứu di truyền học Svante Pääbo, người Thụy Điển.

Tôn vinh cách tiếp cận mới trong nghiên cứu về tiến hóa của loài người   

Theo kết quả được Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), nhà nghiên cứu di truyền học Svante Pääbo, người Thụy Điển, được tôn vinh những phát hiện của ông liên quan chuỗi ADN của loài vượn người và quá trình tiến hóa của loài người.   

Ông được biết đến nhờ công trình mang tính bước ngoặt, được đánh giá là góp phần làm thay đổi lĩnh vực nghiên cứu về nguồn gốc loài người sau khi phát triển các cách tiếp cận mới cho phép kiểm tra chuỗi ADN từ những mẫu vật khảo cổ. Dựa trên những phát hiện của mình, nhà di truyền học Svante Paabo đã thiết lập một bộ môn khoa học hoàn toàn mới có tên gọi là Paleogenomics- tái tạo và phân tích thông tin bộ gene của các loài đã tuyệt chủng. Bằng cách chỉ ra những điểm khác nhau về di truyền học để phân biệt giữa loài người hiện nay và những loài vượn người đã tuyệt chủng, những phát hiện của ông đã cung cấp nền tảng cơ bản để khám phá những yếu tố giúp loài người trở nên khác biệt như ngày nay.   

Chú thích ảnh
Chân dung nhà khoa học Thụy Điển đoạt giải Nobel Y sinh 2022 Svante Paabo tại Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển), ngày 3/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông qua nghiên cứu tiên phong của mình, nhà khoa học Svante Pääbo cũng đã thực hiện được một số điều "dường như không thể" như giải trình tự ADN của người Neanderthal- một phân loài của người cổ xưa sinh sống tại đại lục Á-Âu cho tới tầm 40.000 năm trước. Ông cũng đã mang đến phát hiện quan trọng về loài vượn người Denisova đã tuyệt chủng, cũng dựa trên những dữ liệu giải trình tự gene từ mẫu vật một mẩu xương tay được tìm thấy của loài này.   

Nhà khoa học Svante Paabo sinh năm 1955 tại Stockholm, từng học tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), Đại học Zurich (Thụy Sĩ) và sau đó là Đại học California (Mỹ). Ông trở thành Giáo sư ở Đại học Munich (Đức) năm 1990. Sau đó, năm 1999, ông sáng lập Viện nghiên cứu Nhân chủng học tiến hóa ở Leipzig, Đức và làm việc tại đây cho tới nay.   

Giải thưởng Y Sinh là giải khai màn tuần lễ Nobel 2022. Đây là giải Nobel Y sinh thứ 113 được công bố từ năm 1901 đến nay. Giải có giá trị 10 triệu crown Thụy Điển (900.357 USD).   

Các giải thưởng tiếp theo được công bố gồm Giải Nobel Vật lý (ngày 4/10), Giải Nobel Hóa học (ngày 5/10) và Giải Nobel Văn học (ngày 6/10). Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) ngày 7/10. Trong khi đó, giải Nobel Kinh tế sẽ khép lại Tuần lễ Nobel 2022 vào ngày 10/10.

Các giải Nobel Y học trong 10 năm gần đây   

- Năm 2021: Giải Nobel Y học năm 2021 thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ là David Julius và Ardem Patapoutian “vì những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác”. Những khám phá mang tính đột phá của hai nhà khoa học trên đã  “cho phép chúng ta hiểu về cách thức mà nhiệt độ nóng, lạnh và lực cơ học có thể kích hoạt các xung thần kinh và cho phép chúng ta nhận thức, thích nghi với thế giới xung quanh. Những kiến thức này đang được sử dụng để phát triển các phương pháp điều trị cho hàng loạt chứng bệnh, bao gồm cả cơn đau mãn tính".   

Chú thích ảnh
Hai nhà khoa học Mỹ David Julius và Ardem Patapoutian (trên màn hình) đoạt giải Nobel Y sinh năm 2021. Ảnh: AFP

- Năm 2020: Giải Nobel Y học 2020 vinh danh 3 nhà khoa học Harvey J. Alter (người Mỹ), Michael Houghton (người Anh) và Charles M.Rice (người Mỹ) với công trình nghiên cứu về virus gây bệnh viêm gan C. Những nghiên cứu của 3 nhà khoa học có đóng góp mang tính quyết định trong cuộc chiến chống lại căn bệnh viêm gan truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của y tế toàn cầu vì nó gây ra bệnh xơ gan và ung thư gan ở nhiều người trên khắp thế giới.       

- Năm 2019: Hai nhà khoa học Mỹ là William Kaelin và Peter Ratcliffe, cùng nhà khoa học người Anh Gregg Semenza đã đoạt giải Nobel Y học 2019 với công trình khám phá về cách thức các tế bào cảm thụ và thích ứng với môi trường oxygen thay đổi. Công trình nghiên cứu này đã xác định được cơ chế phân tử điều chỉnh hoạt động của gien nhằm đáp ứng sự với thay đổi khác nhau của oxygen, vốn được coi là tác nhân chính gây ra nhiều căn bệnh. Những khám phá của 3 nhà khoa học trên đã mở đường cho những liệu pháp chữa trị bệnh thiếu máu, ung thư và nhiều bệnh khác.     

- Năm 2018: Hai nhà khoa học gồm James P. Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật Bản) đã đoạt giải Nobel Y học 2018 vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng việc ức chế miễn dịch âm tính. Liệu pháp này là một cách tiếp cận mang tính cách mạng trong chữa trị bệnh ung thư.     

- Năm 2017: Ba nhà khoa học người Mỹ là Jeffrey C. Hall, Michael Rosbash và Michael W. Young đã đoạt giải Nobel Y học 2017 vì những khám phá về cơ chế phân tử điều khiển nhịp sinh học ngày đêm. Khám phá về nhịp sinh học ngày đêm, đồng hồ sinh học này giúp chúng ta hiểu được bí ẩn tại sao con người cần ngủ và tại sao giấc ngủ lại diễn ra.       

- Năm 2016: Nhà khoa học người Nhật Bản Yoshinori Ohsumi đã đoạt giải Nobel Y học 2016 với công trình nghiên cứu các cơ chế phân tách và tái tạo các thành phần tế bào. Đây là thành tựu khám phá ra cơ chế tự thực, một quá trình cơ bản trong tế bào.       

- Năm 2015: Ba nhà khoa học gồm William Campbell (người gốc Ireland), Satoshi Omura (người Nhật Bản) và Youyou Tu (người Trung Quốc) đã đoạt giải Nobel Y học 2015 với công trình nghiên cứu trong điều trị các bệnh do ký sinh trùng gây ra. Những nghiên cứu này đã mang lại cho loài người các công cụ quan trọng, nhằm đối phó với những dịch bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm.        

- Năm 2014: Ba nhà khoa học gồm John O'Keefe (người Mỹ gốc Anh) và 2 vợ chồng May-Britt Moser và Evard Moser (người Na Uy) đã đoạt giải Nobel Y học 2014 vì có công phát hiện ra các tế bào hình thành hệ thống định vị (GPS) bên trong bộ não. Với phát hiện này, các nhà khoa học đã hiểu được cơ chế dẫn đến chứng bệnh mất trí nhớ về không gian ở một số người.        

- Năm 2013: Hai nhà khoa học người Mỹ là James Rothman và Randy Schekman, cùng nhà khoa học người Đức Thomas Suedhof đã đoạt giải Nobel Y học 2013, vì phát hiện ra "cơ chế chuyển động của túi tiết - bộ máy vận chuyển chính trong các tế bào của cơ thể con người". Phát hiện này rất hữu ích cho việc điều trị các bệnh thần kinh, tiểu đường và các rối loạn trong hệ miễn dịch.       

- Năm 2012: Hai nhà khoa học gồm John Gurdon (người Anh) và Shinya Yamanaka (người Nhật Bản) đã đoạt giải Nobel Y học 2012 với công trình nghiên cứu mang tính đột phá về tế bào gốc…

An An/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm