Đức cảnh báo khả năng nguồn cung khí đốt từ Nga tiếp tục bị trì hoãn

03/07/2022 12:24 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 2/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu liên bang Đức Robert Habeck cảnh báo nước này có thể sẽ phải đối mặt với khả năng Nga tiếp tục trì hoãn việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sau thời gian ngừng hoạt động để bảo dưỡng theo kế hoạch trong tháng này.

 Nga khẳng định nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong dự án Sakhalin 2 không bị ảnh hưởng

Nga khẳng định nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong dự án Sakhalin 2 không bị ảnh hưởng

Điện Kremlin ngày 1/7 tuyên bố Nga không có lý do gì để dừng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ dự án Sakhalin 2 sau khi thành lập một công ty mới để điều hành dự án này.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn truyền thông Đức cho rằng khả năng trên có thể là động thái hợp lý mà Moskva sẽ thực hiện nhằm giảm thêm, thậm chí là ngừng hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt tự nhiên tới châu Âu. Đức hồi tháng trước đã kích hoạt cấp độ cảnh báo thứ hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm 3 cấp độ của nước này sau khi Nga giảm nguồn cung qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vốn cung cấp khí đốt từ Nga đến châu Âu qua Biển Baltic.

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt thuộc Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức, ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đường ống này dự kiến sẽ tạm ngừng vận hành để bảo trì hằng năm trong khoảng thời gian 10 ngày, từ ngày 11-21/7. Cũng theo Bộ trưởng Habeck, việc thiếu khí đốt từ Nord Stream 1 có thể dẫn đến bùng nổ giá cả tại một số nhà cung cấp dịch vụ thành phố. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp xấu nhất, người tiêu dùng tư nhân vẫn được bảo vệ theo luật mà không bị cắt nguồn khí đốt. 

Trong một diễn biến liên quan, báo Thế giới Chủ nhật (WaS) số ra ngày 2/7 đưa tin thị phần dầu nhập khẩu của Đức từ Nga trong tháng 5 vừa qua chiếm gần 28%, cao hơn gần 2 lần so với thông báo trước đó (chỉ 12%). Theo Bộ Kinh tế Đức, trong tháng 5, Đức nhập khẩu tới 27,8% lượng dầu thô từ Nga. Hồi cuối tháng 4, Bộ trưởng Habeck cho rằng tỷ lệ này thời điểm đó chỉ ở mức khoảng 12%.

Về sự chênh lệch này, Bộ Kinh tế Đức cho rằng sở dĩ có sự khác biệt giữa tuyên bố của Bộ trưởng Habeck và con số thực tế là do các công ty nhập khẩu dầu thời điểm đó đánh tín hiệu có thể sớm rút khỏi các hợp đồng hiện có với các nhà cung cấp của Nga nếu Moskva ngừng cung cấp khí đốt hoặc áp đặt một lệnh cấm vận hoàn toàn.

Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn với báo Handelsblatt ngày 2/7, chuyên gia kinh tế và thị trường chứng khoán Jens Ehrhardt cho rằng Đức đang tiến dần đến suy thoái kinh tế và việc từ bỏ nguồn cung khí đốt của Nga sẽ khiến nước này thiệt hại tới 1.000 tỷ euro (1.042 tỷ USD).

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt thuộc Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức, ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, chuyên gia Ehrhardt cho rằng Đức đang trải qua thời kỳ khó khăn do hậu quả của các lệnh trừng phạt Nga và nguy cơ giảm nguồn cung khí đốt. Ông nói: “Lạm phát cao, khủng hoảng địa chính trị và mức nợ cao là một gánh nặng. Chúng ta cũng sẽ cảm nhận được điều đó ở Đức”. Ông nhấn mạnh rằng Đức và châu Âu nói chung đang gánh chịu tổn hại to lớn do các biện pháp trừng phạt Nga. 

Ông cảnh báo sẽ không thể thay thế khí đốt giá rẻ của Nga trong 4 năm tới và ước tính rằng việc tăng công suất khí đốt hóa lỏng sẽ khiến nước Đức tiêu tốn 1.000 tỷ euro. Nhà kinh tế này giải thích rằng ngành công nghiệp này sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn.

    Mạnh Hùng - Duy Trinh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm