Điều ít biết quanh chuyện công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ

26/01/2015 05:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) -Sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama công du Ấn Độ vào tuần này đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, nhất là khi ông sẽ tham gia nhiều hoạt động cùng lãnh đạo nước chủ nhà.

Lịch hoạt động dày đặc đồng nghĩa với việc chính quyền Mỹ cần tới hàng tháng chuẩn bị, lên kế hoạch công phu và phối hợp nhịp nhàng với phía Ấn Độ. Các chuyến đi phức tạp kiểu này cũng thường tạo ra nhiều tin đồn đủ kiểu. Nhân chuyến thăm của ông Obama, tờ Washington Post đã lý giải một số tin đồn như thế.

1. Nhiều thành phố sẽ bị phong tỏa hoạt động?

Khi một Tổng thống Mỹ ghé thăm, báo chí địa phương thường thích viết về việc các thành phố của họ đã phải ngưng hoạt động ra sao. Chuyến đi của ông Obama tới Ấn Độ không phải ngoại lệ. "Thủ đô New Delhi sẽ chứng kiến một dạng ngưng trệ hoạt động, với các văn phòng, xa lộ và đường tàu điện ngầm sẽ bị phong tỏa để kiểm tra an ninh" - tờ Hindustan Times  viết.

Quả thực, các chuyến đi của Tổng thống Mỹ luôn cần an ninh cao và có gây gián đoạn hoạt động tại nơi ông tới. Tuy nhiên theo Steve Atkiss, cố vấn đặc biệt phụ trách hoạt động của cựu Tổng thống George W. Bush, nguyên nhân là do chính quyền các nước chủ nhà đã chuẩn bị hơi quá.

Ông nhớ tới lần Tổng thống Bush ghé thăm New Delhi hồi năm 2006. Khi đó, các đại lộ chính của thành phố gần như trống trơn. Thậm chí trên các vỉa hè cũng không có người đi lại. "Chúng tôi phải nhìn vào các con đường bên cạnh, nằm cách xa tới hàng trăm mét, để thấy người dân nào đó" - ông kể.

Trong chuyến thăm New Delhi, đoàn tùy tùng của ông Obama đã thuê trọn khách sạn Maurya. Tuy nhiên ở những chuyến đi khác, các vị khách bình thường vẫn có thể dùng chung khách sạn với Tổng thống Mỹ, sau khi qua kiểm tra dưới máy dò kim loại. Tháng 6 năm ngoái, một số vị khách còn ghi được hình ông Obama đang tập gym trong một khách sạn ở Ba Lan.


Các chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ không tốn kém như người ta vẫn tưởng

2. Tổng thống gặp rủi ro lớn hơn khi đi công cán?

Hiển nhiên là trong các chuyến thăm gây chú ý, Tổng thống Mỹ sẽ dễ trở thành mục tiêu. Đó là lý do vì sao Mật vụ Mỹ đã gây sức ép với chính quyền Ấn Độ, buộc họ phải cho ông Obama sử dụng chiếc limousine chuyên dụng trong lễ diễu hành mừng ngày Quốc khánh, thay vì đi cùng Tổng thống Ấn Độ.

Mật vụ phải dựa vào an ninh nước ngoài khi đi công cán ngoài Mỹ và hệ thống này không phải lúc nào cũng đảm bảo an toàn. Trong chuyến đi của Bush tới Gruzia hồi năm 2005, có kẻ đã ném lựu đạn vào khu vực cách ông có 30 mét. May mắn thay, lựu đạn đã không phát nổ.

Đổi lại việc này, hoạt động của Mật vụ ở nước ngoài được lên kế hoạch cẩn thận và các nhân viên đều trong trạng thái cảnh giác cao. Thậm chí một cựu quan chức Mỹ còn cho rằng Mật vụ còn dễ làm việc với an ninh của nước chủ nhà hơn là với cảnh sát tại nhiều thành phố lớn của Mỹ.

3. Máy bay Air Force One sẽ phải tiếp nhiên liệu trên không?

Có tin đồn nói rằng chiếc chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ sẽ phải tiếp nhiên liệu trên không để bay tới Ấn Độ. Thực tế, các chuyên gia quân sự cho biết Air Force One sẽ không tiếp nhiên liệu trên không khi chở theo Tổng thống Mỹ, dù nó có thể làm được việc này.

Air Force One có đủ nhiên liệu để bay một mạch từ Washington tới Iraq. Trong chuyến bay dài hơn tới châu Á, máy bay thường dừng chân tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Alaska hoặc Đức.

Cần phải biết rằng tiếp nhiên liệu trên không là hoạt động khá an toàn nên chiếc máy bay E-4B chở Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thường xuyên thực hiện điều này. Thậm chí quân đội còn mời cánh phóng viên lên khoang lái để xem cận cảnh hoạt động tiếp nhiên liệu.

4.Mỗi chuyến đi ra nước ngoài tốn kém bằng chiến tranh Afghanistan?

Lần gần đây nhất, khi Obama tới Ấn Độ vào năm 2010, những người chỉ trích ông nói rằng chuyến đi quá tốn kém. Sự chỉ trích xuất hiện do báo chí Ấn Độ loan tin rằng chuyến đi tốn tới 200 triệu USD mỗi ngày. Khi ấy, Mỹ đang chi tiêu khoảng 190 triệu USD mỗi ngày cho các chiến dịch quân sự và ngoại giao ở Afghanistan.

Theo Washington Post, hoạt động công du của Tổng thống Mỹ quả có tốn kém, nhưng không đắt đỏ như vậy. Một bản ghi nhớ của Mật vụ Mỹ từng rơi vào tay tờ Washington Post trước chuyến thăm 3 nước châu Phi của ông Obama hồi năm 2013 cho thấy chi phí lớn là do công tác chuẩn bị quy mô.

Chuyến đi hồi năm 2013 cần tới sự tham gia của hàng trăm mật vụ. Họ phải chuẩn bị cơ sở vật chất chu đáo ở Senegal, South Africa và Tanzania. Ngoài ra Mỹ còn điều một chiếc tàu sân bay tới gần các nước trên, với một trung tâm y tế đầy đủ nhân viên sẵn sàng xử lý tình huống khẩn cấp.

Phía Mỹ còn điều các máy bay quân sự để chở 56 chiếc xe hỗ trợ, gồm 14 xe limousines bọc thép chuyên dụng và 3 xe tải chở đầy kính chống đạn để che cửa sổ các khách sạn nơi gia đình Tổng thống Mỹ ở. Cuối cùng còn phải kể tới các máy bay chiến đấu Mỹ bay tuần tra theo lượt để bảo vệ 24/24 không phận trên đầu Tổng thống Mỹ.

Những người biết nhiều về hoạt động chuẩn bị nói rằng trong 8 ngày ông Obama ghé thăm châu Phi, chi phí dao động từ 60 - 100 triệu USD. Trong khi đó một báo cáo khác từ Văn phòng kiểm toán chính quyền thấy rằng chuyến đi của Tổng thống Bill Clinton tới 6 nước châu Phi hồi năm 1998 cũng chỉ khiến chính quyền Mỹ tốn kém 42,7 triệu USD.

Tường Linh (Theo Washington Post)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm