Đi tìm Công viên địa chất quốc gia và toàn cầu

16/02/2021 07:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa năm 2020, Công viên địa chất Đắk Nông đã chính thức đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu. Cùng với Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng, Việt Nam đã có 3 khu vực được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu di sản địa chất nữa trên khắp Việt Nam có tiềm năng được vinh danh ở cấp quốc gia và toàn cầu?

Thập niên đầu tiên của 'Công viên địa chất'

Thập niên đầu tiên của 'Công viên địa chất'

Chúng ta vừa trải qua một tuần lễ đặc biệt của những cột mốc về khái niệm Công viên địa chất toàn cầu. Nếu vào đầu tuần (ngày 24/1), tỉnh Đắk Nông vừa chính thức đón nhận danh hiệu này từ đại diện UNESCO thì tới cuối tuần (ngày 28/11), tỉnh Hà Giang cũng tổ chức lễ kỉ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu.

1. Theo TS. Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, hơn chục năm trở lại đây, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất cùng với các giá trị di sản khác đã trở thành một xu hướng mới của thế giới về bảo tồn thiên nhiên. Các nhà địa chất Việt Nam cũng đã bắt đầu có các hoạt động điều tra, nghiên cứu di sản địa chất tiến tới thành lập ra các công viên địa chất.

Bảo tàng Địa chất, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tiến hành đề án nghiên cứu các khu bảo tồn địa chất ở Việt Nam trong thời gian 2001-2004. Kết quả đã lần đầu tiên khẳng định Việt Nam rất có tiềm năng di sản địa chất, hầu như có đủ 10 kiểu di sản địa chất (Cổ sinh, Địa mạo, Kiến tạo, Khoáng vật, khoáng sản, Núi lửa, địa tầng, Các vấn đề vũ trụ, Địa chất băng hà...) theo hệ thống GILGES của Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) của UNESCO, phân bố rộng khắp trên cả nước...

Riêng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã và đang triển khai các hoạt động khảo sát hang động, nghiên cứu địa chất karst, các dự án hợp tác quốc tế phát triển bền vững các vùng đá vôi ở Việt Nam cùng với các đối tác Bỉ, Italy... Viện đã điều tra, nghiên cứu các giá trị địa chất-địa mạo và cảnh quan ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa, 2003) và giúp thành lập mới Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Hòa Bình, 2004). Từ năm 2005, Viện đã tham gia giúp UBND tỉnh Bắc Kạn chuẩn bị hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn quốc gia Ba Bể là Di sản Thiên nhiên Thế giới, trong đó các tiêu chí địa chất-địa mạo và cảnh quan đóng vai trò quyết định.

Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Khảo sát địa chất ở Ba Làng An, tỉnh Quảng Ngãi
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Khảo sát địa chất ở Ba Làng An, tỉnh Quảng Ngãi

Cũng trong khoảng thời gian 2012-2014, Viện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề cương Đề án Bảo tồn Di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới Công viên địa chất ở Việt Nam.

Tiếp theo thành công của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, một loạt địa phương ở Việt Nam đã và đang khởi động thành lập Công viên địa chất, trong đó, Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh của tỉnh Quảng Ngãi đã trình hồ sơ lên UNESCO vào tháng 11/2019. Một số tỉnh khác, như Phú Yên, Gia Lai, Sơn La... cũng đã và đang đi những bước đầu tiên trong quá trình thành lập Công viên địa chất.

2. Trong các năm 2008-2010 trong khuôn khổ các đề tài, dự án nêu trên, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã triển khai điều tra, đánh giá tiềm năng di sản địa chất và triển vọng xây dựng công viên địa chất ở 25 khu vực miền Bắc Việt Nam. Ở khu vực phía Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng có một số đánh giá sơ bộ trên cơ sở tổng hợp các tài liệu hiện có cũng như kết quả một số dự án hợp tác với các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế... và đã khoanh định khoảng 10-15 khu vực tập trung di sản địa chất.

Hình ảnh thiết giao long hóa thạch ở huyện Mèo Vạc – Hà Giang
Hình ảnh thiết giao long hóa thạch ở huyện Mèo Vạc – Hà Giang

TS Trần Tân Văn cho hay, trong số các khu vực kể trên, một số nơi rất có tiềm năng trở thành Công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu, như:

Đầm phá Tam Giang-Vịnh Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên-Huế) - một trong những đầm phá nước lợ lớn nhất thế giới còn sót lại đến ngày nay.

Cù Lao Chàm-hạ lưu Sông Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) - địa danh gần trùng với Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới hiện nay, với trọng tâm là địa chất sông-biển và các hoạt động kiến tạo hiện đại liên quan đến đứt gãy hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn.

Bình Sơn-Lý Sơn-Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi) - với trọng tâm là bazan dạng cột Pliocen và các miệng núi lửa trên đảo Lý Sơn và các loại đá biến chất cổ.

Cầu Đá và bảo tồn biển Hòn Mun, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với trọng tâm là mặt cắt hệ tầng Nha Trang.

Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - trọng tâm là các thành tạo núi lửa hệ tầng Nha Trang và xâm nhập granit phức hệ Định Quán và Đèo Cả.

Mũi Cà Mau - trọng tâm là tương tác sông-biển vùng đất mũi, kết quả hoạt động của hệ thống sông Cửu Long.

Khu Dự trữ sinh quyển biển Kiên Giang-Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - trọng tâm là hệ tầng Phú Quốc tuổi Miocen giữa-muộn và cảnh quan địa mạo karst duy nhất ở miền Nam Việt Nam.

Bên cạnh đó là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và trũng An Khê (tỉnh Gia Lai)...

Vẻ đẹp của đá granite ở Sa Huỳnh - Quảng Ngãi
Vẻ đẹp của đá granite ở Sa Huỳnh - Quảng Ngãi

3. Kiến nghị lớn nhất của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng là cần sớm nghiên cứu, xác lập cơ sở pháp lý cho việc hình thành và quản lý mạng lưới Công viên địa chất của Việt Nam. Chẳng hạn, liên quan đến việc thành lập công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, đến nay vẫn còn một số băn khoăn theo kiểu: Ai sẽ là người ra quyết định thành lập, UBND tỉnh hay Chính phủ; hoặc ai sẽ công nhận, xếp loại nó là Công viên địa chất quốc gia?...

Ngày nay UNESCO chỉ xét công nhận những ứng cử viên cho danh hiệu Di sản thế giới với điều kiện đã đạt được một trong hai danh hiệu là Công viên địa chất hoặc Dự trữ sinh quyển thế giới. Như thế để thấy rằng trước khi kỳ vọng đạt được danh hiệu cao quý nhất của UNESCO thì cần hành động để đạt được một trong hai danh hiệu khả thi hơn.

Một khu vực bảo tồn có thể có nhiều danh hiệu khác nhau, nhiều ranh giới bảo tồn khác nhau, hoạt động theo nhiều cơ chế khác nhau và tuân thủ nhiều khuôn khổ pháp lý khác nhau, trong khi chỉ cần có một Ban quản lý đủ mạnh.

Việc thành lập mạng lưới các công viên địa chất không chỉ hướng tới việc bảo tồn các di sản địa chất mà còn góp phần quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và giá trị của các khoa học trái đất, khuyến khích học tập và nghiên cứu địa chất, giáo dục lòng yêu thiên nhiên và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và khai thác bền vững các di sản địa chất, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo tồn như tham quan, du lịch (du lịch sinh thái, du lịch địa chất) và các hoạt động kinh tế phụ trợ khác, tạo nguồn thu nhập bổ sung cho các cộng đồng địa phương.

Hoa Chanh

TT&VH Xuân Tân Sửu 2021

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm