Đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng trong vụ Ethanol Phú Thọ

16/02/2020 19:47 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 9 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB (Ethanol Phú Thọ).

Khởi tố ông Đinh La Thăng trong vụ án Ethanol Phú Thọ

Khởi tố ông Đinh La Thăng trong vụ án Ethanol Phú Thọ

Ngày 20/1, thông tin từ Bộ Công an cho biết mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (vụ án Ethanol Phú Thọ), ngày 20/1, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với ông Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

Kết luận điều tra xác định thiệt hại do hành vi lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ gây ra là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và số còn có nghĩa vụ trả cho các ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án là hơn 540 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ PVN góp vốn vào OceanBank mất 800 tỉ

Theo kết quả điều tra, năm 2007, ông Đinh La Thăng thay mặt Hội đồng quản trị PVN ký nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Ethanol Phú Thọ. Một năm sau, PVN lập Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, do ông Thăng làm Trưởng ban.

Để thực hiện dự án Ethanol nói trên, PVB tiến hành mời gói thầu TK05 với nội dung: "Thiết kế, mua sắm, cung ứng vật tư thiết bị, thi công xây dựng công trình Nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu sinh học phía Bắc”.

Có 6 bộ hồ sơ của các nhà thầu tham gia ứng tuyển, trong đó hồ sơ của Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Cơ quan điều tra xác định dù 6 nhà thầu không ai đủ điều kiện nhưng ông Đinh La Thăng và cấp dưới vẫn ký nhiều công văn, chỉ đạo thực hiện chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T tham gia dự án trên.

Quá trình thực hiện, do liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ phải dừng thi công từ tháng 3/2013, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lớn.

Cơ quan An ninh điều tra xác định vụ án xảy ra tại PVB gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong các đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện dự án, công trình lớn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các bị can đã vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn về kinh tế, khiến dư luận bức xúc nên cần xử lý nghiêm.

Ngoài bị can Đinh La Thăng, Cơ quan điều tra xác định bị can Vũ Thanh Hà, cựu Tổng Giám đốc PVB, dù biết rõ liên danh nhà thầu không đủ năng lực nhưng vẫn tham gia các cuộc họp Ban chỉ đạo triển khai dự án, chỉ đạo tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu lập hồ sư yêu cầu loại bỏ một số tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; tự ý ký các quyết định phê duyệt chỉ định thầu, phê duyệt nội dung, giá trị gói thầu TK05 và ký hợp động EPC với liên danh nhà thầu.

Bị can Nguyễn Xuân Thủy (cựu Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đầu tư dự án, tổ trưởng tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu của PVB), mặc dù biết rõ theo quy định hồ sơ yêu cầu phải đưa ra các tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu nhưng quá trình lập hồ sơ yêu cầu, Thủy đã loại bỏ các tiêu chí này để cho liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T được chỉ định thầu. Bị can còn ký tờ trình đề xuất tới tổng giám đốc PVB phê duyệt hồ sơ yêu cầu để phát hành cho liên danh nhà thầu là quy trình chỉ định thầu.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm