Chính phủ quyết định chỉ định thầu xây lắp 12 dự án cao tốc Bắc - Nam

11/02/2022 15:39 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP về triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ GTVT nhận 40.000 tỷ để khởi công nhiều đoạn cao tốc Bắc Nam

Bộ GTVT nhận 40.000 tỷ để khởi công nhiều đoạn cao tốc Bắc Nam

Trong đó, một số đoạn tuyến quan trọng dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay như: Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh, Dầu Giây - Phan Thiết, Quảng Ngãi - Quy Nhơn…

Đáng chú ý, tại Nghị quyết này, Chính phủ cho phép Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác (nếu thấy cần thiết về tư vấn) liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Nghị quyết của Chính phủ cũng cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để đảm bảo tiến độ triển khai dự án. Quyết định chỉ định thầu dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

xây lắp 12 dự án cao tốc Bắc Nam, Cao tốc Bắc Nam, dự án cao tốc Bắc Nam, cao tốc, dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam, công trình đường bộ, chỉ định thầu xây lắp dự án
Tuyến đường thuộc cao tốc Bắc Nam

Chính phủ cũng cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan; trong đó, Bộ Giao thông Vận tải rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến), cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022 để địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

“Các địa phương khẩn trương tổ chức rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có). Đồng thời, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của dự án”, Nghị quyết Chính phủ nêu.

Đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án được áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ và các cơ chế đặc thù.

Các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

xây lắp 12 dự án cao tốc Bắc Nam, Cao tốc Bắc Nam, dự án cao tốc Bắc Nam, cao tốc, dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam, công trình đường bộ, chỉ định thầu xây lắp dự án
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra Dự án đường cao tốc đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu mọi trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.

Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án, dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.

Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác, trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, nhà thầu thi công đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản; thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Quang Toàn/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm