Cần sớm xử lý hố 'tử thần' ở Mỹ Đức, Hà Nội

24/09/2019 20:32 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hiện tượng sụt đất gây đổ nhà cửa (hố tử thần), lún nứt đường giao thông được ghi nhận ngày một nhiều trên địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội), gây lo ngại cho người dân và chính quyền địa phương. Các cơ quan chuyên môn nhận định, tình trạng sụt, lún không dừng lại mà có xu hướng tiếp tục phát triển tại những nơi có hoạt động kinh tế, dân sinh.

 "Hố tử thần" xuất hiện do thi công không đảm bảo

"Hố tử thần" xuất hiện do thi công không đảm bảo

Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân cơ bản của sự cố đã được đưa ra. Theo đó, vì đơn vị Sông Đà Thăng Long thi công không đảm bảo kỹ thuật nên đã gây sụt lở đường.

Các sự cố được ghi nhận phần lớn xảy ra đột ngột, xuất hiện trong những năm có sự gia tăng hoạt động xây dựng, khai thác tài nguyên nước. Tuy nhiên đến nay, các cơ quan chuyên môn và thành phố Hà Nội vẫn chưa đưa ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục sự cố hố "tử thần" ở huyện Mỹ Đức.

 * Khắc khoải trông chờ khắc phục sụt, lún

Khoảng 19 giờ ngày 2/7/2019, nền đất dưới căn nhà của anh Vũ Văn Hào (thôn Hòa Lạc, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức) bất ngờ bị sụt, lún. Hậu quả, một hố có đường kính 15,5 mét được tạo ra, khiến ngôi nhà 2 tầng xây kiên cố bị sụt phần móng, nghiêng hẳn về phía sau, tường nứt toác. Cùng với đó, 2 ngôi nhà bên cạnh nhà anh Hào cũng bị nghiêng lún, đường giao thông liên xã bị chia cắt, ảnh hưởng đến cơ đê Mỹ Hà. Đã 2 tháng trôi qua nhưng hiện tại khu vực này vẫn giữ nguyên hiện trạng sụt đất. Ngôi nhà của anh Hào vẫn nghiêng vẹo, những mảng bê tông của tường rào, mặt sân nứt toác, gạch, bê tông vỡ vẫn nằm ngổn ngang trên mặt đất.

Hố tử thần ở Mỹ Đức, Hố tử thần ở Hà Nội, Hố tử thần, hố tử thần, hố tử thần tại hà nội
Hiện trường vụ sụt đất ở Mỹ Đức, Hà Nội. Ảnh TTXVN

Anh Hào ngậm ngùi kể, từ khi xuất hiện hố "tử thần", gia đình đã quyết định thuê nhà ở tạm trong khi gia đình đang rất khó khăn về kinh tế. Anh Hào cũng chia sẻ thêm, mặc dù lãnh đạo huyện, xã, các cơ quan ban ngành đã kịp thời giúp gia đình di chuyển tài sản, hỗ trợ một phần kinh phí để ổn định cuộc sống, tuy nhiên, đã hơn 2 tháng trôi qua, anh Hào vẫn chưa nhận được đánh giá cụ thể về nguyên nhân khiến ngôi nhà sụt lún.

Tương tự hoàn cảnh của anh Hào, hàng xóm là ông Vũ Văn Sạt cũng đã di dời ra khỏi ngôi nhà đang bị nghiêng lún, đến ở nhờ nhà người thân để đảm bảo an toàn. Ông Sạt bày tỏ: Sự cố làm cho ngôi nhà của gia đình bị nứt làm 3 đoạn, nghiêng về bên phía hố sụt. Mỗi khi trời mưa to, nước dột tràn hết vào nhà, không sao ở được. Mong muốn lúc này của gia đình là các cấp chính quyền sớm giải quyết tình trạng này để gia đình yên tâm sinh sống.

Chú thích ảnh
Do sụt đất, ngôi nhà đã có hiện tượng nghêng, đổ. Ảnh TTXVN

Sau khi xuất hiện hố "tử thần”, giải pháp trước mắt UBND xã An Tiến (Mỹ Đức) đưa ra là: Tiến hành phong tỏa, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực xảy ra sụt lún, rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm để ngăn người dân qua lại; đồng thời, báo cáo sự việc lên các cơ quan thẩm quyền để có biện pháp chỉ đạo khắc phục sự cố. Mặt khác, phối hợp với chính quyền huyện hỗ trợ mỗi gia đình bị thiệt hại từ sụt lún từ 10 đến 20 triệu đồng/nhà, tùy theo mức độ ảnh hưởng.

 * Cần cảnh báo khu vực nguy cơ xảy ra sự cố

Căn cứ vào thực trạng trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã xảy ra nhiều vụ "tai biến" địa chất. Theo thống kê, từ năm 2006, trên địa bàn Mỹ Đức đã xảy ra hàng chục vụ sụt lún. Để tìm nguyên nhân của các vụ sụt lún, ông Kiều Văn Thế - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước cho biết, sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội có công văn đề nghị Trung tâm đã phối hợp Hội địa chất Thủy văn Việt Nam xuống điều tra khảo sát xây dựng phương án khẩn cấp xử lý hố sụt. Các bên đã điều tra khảo sát, khoan các lỗ khoan ở xung quanh và tại khu lún sụt để đánh giá nguyên nhân, tuy nhiên do một số nguyên nhân dự án đến nay chưa kết thúc.  

Ông Kiều Văn Thế phân tích, nguyên nhân chủ yếu gây sụt đất là vấn đề chênh lệch mực nước giữa hang động caster ở tầng dưới khoảng 35 - 40 m với tầng đá vôi. Trong quá trình xây dựng công trình, người dân đã tạo nên những cửa sổ địa chất thủy văn làm cho các dòng nước mưa, dòng nước mặt chảy xuống các cửa sổ thủy văn tự nhiên đã sẵn có gây ra sụt, lún. Nguyên nhân thứ hai là do hoạt động khoan, khai thác nước ngầm chưa được quản lý chặt chẽ. Khi khoan sẽ làm thông tầng giữa hang caster với tầng trên trầm tích sét, cát, sỏi gây ra hiện tượng kéo theo toàn bộ nước, vật liệu nhanh chóng đưa xuống hang caster, gây ra sụt, lún rất nhanh.

Từ những phân tích trên, ông Kiều Văn Thế đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cần sớm có giải pháp xử lý sụt lún. Thành phố nên đầu tư các dự án, điều tra khảo sát, đánh giá khoanh những vùng đặc biệt, cảnh báo cho cơ quan và người dân biết khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố.

Nguyễn Văn Cảnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm