Bầu cử QH và HĐND: Trên 69 triệu cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử

18/05/2021 08:30 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo cáo của Chính phủ, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đến thời điểm này, việc chuẩn bị công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, đúng quy định của pháp luật.

Bầu cử QH và HĐND: Dân chủ công khai, bình đẳng trong vận động bầu cử

Bầu cử QH và HĐND: Dân chủ công khai, bình đẳng trong vận động bầu cử

Theo quy định Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hoạt động vận động bầu cử bắt đầu sau khi công bố danh sách chính thức các ứng cử viên. Công việc này kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn quan tâm, quyết liệt, kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai và phối hợp trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo hướng dẫn về bầu cử; thực hiện chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương; tuyên truyền; chuẩn bị cơ sở vật chất cho bầu cử; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đã hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ chức phụ trách bầu cử; phát huy tốt dân chủ ngay từ cơ sở và dân chủ trong từng bước triển khai thực hiện, tạo không khí cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong nhân dân.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Trên 69 triệu cử tri tham gia bầu cử

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đã được thành lập đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử với 63 Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh, 682 Ủy ban Bầu cử cấp huyện và 10.134 Ủy ban Bầu cử cấp xã. Có 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, 1.059 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 6.188 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện và 69.619 Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ở các khu vực bỏ phiếu, các địa phương trong cả nước đã thành lập 84.767 tổ bầu cử.

UBND cấp xã đã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri bảo đảm đúng thời hạn. Trong đó, đã chú ý rà soát những cử tri có đăng ký thường trú, tạm trú, cử tri đi lao động xa, những trường hợp không được tham gia bỏ phiếu…, nhằm bảo đảm quyền bầu cử của công dân. Theo số liệu của các địa phương, tổng số cử tri cả nước là 69.198.594 người sẽ thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Báo cáo tổng hợp từ các địa phương cho thấy, người ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Đến nay, cả nước có 866 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong đó, ở Trung ương 203 người, ở địa phương là 663 người; có 9 người tự ứng cử.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tổng số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 6.201 người trên tổng số đại biểu được bầu theo quy định là 3.727 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,67 lần so với tổng số đại biểu được bầu; có 18 người tự ứng cử. Về cơ cấu kết hợp, phụ nữ có 2.527 người (chiếm 40,8%); dân tộc thiểu số có 1.160 người (chiếm 18,7%); người ngoài đảng có 788 người (chiếm 12,7%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 1.994 người (chiếm 32,2%); tôn giáo 236 người (chiếm 3,8%); tái cử 1.611 người (chiếm 26%). 18 người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, đạt 0,29%.

Chú thích ảnh
Danh sách người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND được niêm yết công khai tại trụ sở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Tổng số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 là 37.463 người, trong đó số đại biểu được bầu theo quy định là 22.953 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,63 lần so với tổng số đại biểu được bầu; có 26 người tự ứng cử. Về cơ cấu kết hợp, phụ nữ có 15.799 người (chiếm 42,2%); dân tộc thiểu số có 7.305 người (chiếm 19,5%); ngoài đảng có 4.905 người (chiếm 13,3%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) là 15.247 người (chiếm 40,7%); tôn giáo 1.082 người (chiếm 2,9%); tái cử 10.680 người (chiếm 28,5%); tự ứng cử là 26 người (chiếm 0,07%).

Số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 là 405.110 người, trong đó số đại biểu được bầu theo quy định là 246.510 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,64 lần so với tổng số đại biểu được bầu; có 204 người tự ứng cử. Về cơ cấu kết hợp, phụ nữ có 158.398 người (chiếm 39,1%); dân tộc thiểu số 87.094 người (chiếm 21,5%); ngoài đảng 104.776 người (chiếm 25,9%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 181.460 người (chiếm 44,8%); tôn giáo 11.542 người (chiếm 2,8%); tái cử có 144.793 người (chiếm 35,7%); tự ứng cử 204 người (chiếm 0,05%).

Đến thời điểm hiện nay, có 15 địa phương được Hội đồng bầu cử quốc gia đồng ý cho bầu cử sớm đối với các khu vực bỏ phiếu có khó khăn trên địa bàn, bao gồm Hải Phòng, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Đắc Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An và Bạc Liêu.

Một số địa phương gặp khó trong rà soát, lập danh sách cử tri

Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội để chuẩn bị cho cuộc bầu cử trên toàn quốc đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ. Lực lượng công an phối hợp với lực lượng quân đội có kế hoạch cụ thể bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử, chú trọng các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa và các ‘‘điểm nóng’’ có thể xảy ra trên địa bàn; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động và phòng chống cháy, nổ trên địa bàn; mở các đợt cao điểm tăng cường thực hiện kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị bầu cử ở một số địa phương gặp khó khăn trong quá trình thống kê, rà soát, lập danh sách cử tri, do nhiều cử tri đi làm ăn xa hoặc có người di cư từ nơi khác đến; cử tri ở các khu công nghiệp, trường đại học, cao đẳng về nơi cư trú do dịch COVID-19 bùng phát. Một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do thực hiện sắp xếp, điều chỉnh gần đây nên có thay đổi đơn vị, số liệu báo cáo, thống kê, tổng hợp chưa kịp thời, chính xác, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị các công việc của cuộc bầu cử (từ tháng 01/2021 đến nay, có 9 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử tại một số địa phương, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào là dân tộc thiểu số, có cơ sở hạ tầng hạn chế nên còn gặp nhiều trở ngại. Tại một số nơi do địa bàn bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường ở một số địa phương, tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tại nơi có dịch.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm