Patrick Modiano, giải Nobel Văn học 2014: Nhà 'khảo cổ' hồi ức

18/10/2014 15:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Sau khi nhà văn Pháp Patrick Modiano được xướng tên là chủ nhân Nobel Văn chương, tạp chí Time khẳng định vẫn rất ít người Mỹ từng đọc ông.

Ở Việt Nam, cuốn sách đầu tiên của Modiano được dịch là Những đại lộ ngoại vi (Les Boulevard De Ceinture) do NXB Tác phẩm mới ấn hành. Dịch giả có công phát hiện là Dương Tường, ông chọn Modiano theo sở thích cá nhân. Một dịch phẩm khác cũng của Dương Tường là Phố những cửa hiệu u tối (Rue Des Boutique Obscures), NXB Hội Nhà văn in năm 1992.

Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu bài viết của dịch giả Dương Tường (tít bài do báo đặt).

1. Jean Patrick Modiano sinh ngày 30/7/1945 ở Boulogne-Billancourt, Paris. Modiano có một tuổi thơ bất hạnh, không biết đến tình cảm gia đình: cha, Albert, là kẻ giang hồ tứ chiếng, suốt đời phiêu bạt, mẹ, Louisa Colpeyn, một nữ diễn viên quanh năm lưu diễn khắp nơi. Cậu bé Patrick, sau ít năm đầu được giao cho ông bà ngoại nuôi, không ngừng bị luân chuyển như quả bóng, hết nhà ký túc này đến trú xá kia.


Nhà văn Patrick Modiano

Không khí đặc biệt ấy của những ngày niên thiếu ấy dường như là một tiền đề để khiến Modiano tìm đến nghiệp viết văn như một giải thoát. Và chính Raymond Queneau, một kiện tướng của nhóm Oulipo trứ danh và trào lưu Tiểu thuyết mới, đã đưa Modiano vào môi trường văn chương nghệ thuật.

Sự xuất hiện của Patrick Modiano vào năm 1968 với cuốn tiểu thuyết “trình làng” Quảng trường Ngôi sao (La Place De I’Etoile), cùng lúc đoạt hai giải thưởng văn học Roger Nimier và Feneon, được coi như một hiện tượng của văn học Pháp đương đại.

Ngay từ đầu, hệ chủ đề (thematique) của Modiano đã xác định: có hai chủ đề ám ảnh xuyên suốt đời văn của Modiano: một là, đi tìm bản ngã (của mình và của những người xung quanh mình); hai là, sự bất lực không thể hiểu những hỗn mang của thời đại, luôn che lấp quá khứ.

Ra đời vào lúc kết thúc Thế chiến 2, Modiano thuộc một thế hệ chỉ biết về chiến tranh qua những vang vọng xa nhòa, song cách nào đó, dấu vết của những cơn “binh lửa can qua” trên quy mô hành tinh lại hằn sâu trong tâm thức ông như một ám ảnh thường trực. Không phải không có lý do mà người ta gọi Modiano là nhà khảo cổ hồi ức.

Sau cuốn thứ hai, Tuần tra đêm (La Ronde De Nuit - 1969) và một quãng lặng sáu năm, tác phẩm thứ ba của ông, Những đại lộ ngoại vi (Les Boulevards De Ceiture - 1975) được Viện Hàn lâm Pháp tặng giải thưởng lớn về tiểu thuyết. Và ba năm sau, giải Goncourt, giải văn học quan trọng nhất của Pháp, được trao cho ông về cuốn Phố những cửa hiệu u tối (Rue Des Boutiques Obscures). Đều đặn, mỗi năm ông cho ra một tác phẩm... Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, Để em khỏi bị lạc trong khu phố (Pour Que Tu Ne Te Perdes Pas Dans Le Quatier), được xuất bản vào đầu mùa sách năm 2014.


Các bản dịch của Modiano tại Việt Nam trước đây. Ảnh: Nhị Linh

2. Patrick Modiano một mình chiếm một vị trí riêng biệt trên văn đàn. Giới phê bình Pháp coi ông trước hết như là người lật nhào các quy tắc của tiểu thuyết tiên phong mới. Điều làm cho Modiano trở thành gương mặt độc đáo, duy nhất trong loại của mình, là nỗi băn khoăn day dứt vè bản thể và hiện hữu của mình. Modiano coi bản thân mình cũng như cả thế hệ ông là những người không có thời gian. Suy nghĩ định vị cho mình trong lịch sử, tìm hiểu quá khứ của mình trong quá khứ lịch sử và dưới ánh sáng ấy, hình dung rõ hơn những đường nét của tương lai - đó là quan tâm chủ yếu của ông, thể hiện qua các tác phẩm.

Sự sụp đổ của những ảo tưởng tháng 5/1968 lại càng khiến cho sự tự vấn rất “Hamlet” ấy thêm nhức nhối trong Modiano. Ông cho rằng một khi qua được cuộc sát hạch ngược trở về mê cung quá khứ thì sẽ có thể trả lời câu hỏi mình là gì hiện nay. Dường như ông muốn thử thách bản thân bằng cách đặt mình trong hoàn cảnh gay go của những năm chiến tranh, tự kiểm nghiệm xem mình có thể ứng xử như thế nào và làm gì trong những điều kiện ấy. Ưu tâm đến độ quằn quại của Modiano đối với quá khứ, đặc biệt là thời kỳ chiếm đóng, là một phẩm chất cực kỳ hiện đại của văn học Pháp hiện nay. Một số lớn tác phẩm của ông được đặt trong khung cảnh của thời kỳ nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng (1940-1944), nghĩa là trước khi có ông (ba tác phẩm đầu tay: Quảng trường Ngôi Sao, Tuần tra đêmNhững đại lộ ngoại vi được gọi là “Bộ ba về thời kỳ chiếm đóng”).

Ý đồ xác định vị trí của mình trong lịch sử, ở các tiểu thuyết của Modiano, vượt lên thành một vấn đề có tầm rộng lớn hơn: con người có quan hệ như thế nào với sự vận-động-tàn-phá-tất-thảy của thời gian? Câu trả lời cho vấn đề có vẻ siêu hình ấy cần phải xác định minh bạch vị trí của mình trong sự vận động ấy - không những anh là anh như hiện nay, mà còn có thể như là những gì có trước anh nữa. “Con người bao giờ cũng tò mò muốn biết cội nguồn của mình” - Modiano thổ lộ. Việc đi tìm những “cội nguồn” ấy trở thành nét chủ đạo của các nhân vật trong mọi tác phẩm của ông.

Những đại lộ ngoại vi, đó là những tìm kiếm đau khổ của nhân vật chính dò theo dấu vết của cha mình - không chỉ theo nghĩa đen, mà còn là (và thậm chí là chủ yếu) theo nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ: tìm sự gần gũi bên trong với con người ấy, đúng hơn, với quá khứ ấy.

Vẫn nỗi đau quằn quại trong tìm kiếm một cái gì đã mất là chủ đề của cuốn Cô bé nữ trang xuất bản năm 2001. Cô gái 19 tuổi Therese tình cờ gặp ở một ga xe điện ngầm một phụ nữ giống hệt người mẹ đã chết nhiều năm trước ở Maroc, theo như thông báo chính thức. Sau nhiều cố gắng vô vọng dò theo “người mẹ” ấy, và sau một toan tính tự sát không thành, Therese trở lại với cuộc sông không màu sắc của một Paris ghẻ lạnh.

Phố những cửa hiệu u tối, giải thưởng Goncourt năm 1978, một trong những tác phẩm chủ yếu của Modiano, là nỗi khắc khoải triền miên về nguy cơ đánh mất nhân thân và bản cách. Điều gì đã thúc đẩy anh chàng Guy Roland, nhân viên của một hãng thám tử tư, lao theo dấu vết của một người không quen biết đã mất tích từ lâu? Đó là nhu cầu da diết tìm lại được mình qua dấu vết nhòa nhạt của con người vốn xưa kia có thể là anh ta… Như trong một vòng đu quay, những mẩu ký ức loang loáng, chập chờn, rời rạc không ngừng xoáy trộn với những câu hỏi đau đớn: “Tôi là ai?... có đúng đó là đời tôi không? Hay là đời một người khác mà tôi đã lẻn vào?“.

Hình như đây không chỉ là một bi kịch cá nhân, mà còn là bi kịch của cả nhiều cộng đồng. Chúng ta đã chẳng chứng kiến những quá trình đau đớn tìm lại danh tính và bản sắc bị thất lạc của nhiều dân tộc những năm hỗn mang của đoạn cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 này sao?

Modiano có tài “phù phép” với thời gian, xóa nhòa được ranh giới giữa các lớp thời gian khác nhau khiến cho những sự vật hiện ra như không thể tin được dưới một ánh sáng lung linh kỳ ảo. Với Phố những cửa hiệu u tối, ông đã khẳng định vị trí đặc biệt của mình trong văn học Pháp nửa sau thế kỷ 20. Tất cả các tiểu thuyết của ông đều được xếp vào danh sách các tác phẩm hay nhất hằng năm ở Pháp. Và có lẽ giá trị lớn nhất của Modiano là nỗ lực không mệt mỏi khôi phục một ý thức nhân bản - quan tâm tìm về và bám chắc không rời xa cội nguồn nếu muốn khỏi bị tha hóa.

Năm 2014, Modiano mới “tái xuất” ở Việt Nam với một bản dịch nữa của Trần Bạch Lan, cuốn Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (Dans Le Cafe De La Jeunesse Perdue). Bản gốc tiếng Pháp ra năm 2007.

Dương Tường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm