Tìm đâu cầu thủ 'cả đời trong trắng'?

09/03/2017 18:04 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cựu danh thủ người Anh - Gary Lineker, tiền đạo từng đoạt "Chiếc giầy vàng" World Cup 1986 (giải đấu có sự góp mặt của "cậu bé vàng" Diego Maradona, người giúp Argentina lên ngôi vô địch), từng ghi hat-trick trong vỏn vẹn 47 phút trận El Calssico giữa Barca và Real (Lineker là người của Barca), có 48 bàn thắng khác trong 80 lần ra sân trong màu áo ĐT Anh..., được xem là cầu thủ duy nhất, cả sự nghiệp chưa từng phải nhận thẻ phạt từ các trọng tài...

Trong một cuộc thăm dò ý kiến độc giả và người hâm mộ, Gary Lineker xếp thứ 2 sau hậu bối David Beckham, về sự yêu mến. Báo chí Anh, từ những tờ khổ nhỏ đến khổ lớn, đều viết về Gary với sự nghiệp lẫy lừng mà trong trắng như bông bưởi. Ngoại lệ, có một bận khi thi đấu cho Barca, danh thủ sinh ra ở Leicester, Anh quốc này từng mém chút phải nhận thẻ vàng, chỉ vì... cười quá nhiều. Nụ cười của Gary đốn hạ cả các cô gái lẫn... trọng tài.

Gary Lineker đã giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế (trong màu áo ĐT Anh sau World Cup 90), ở tuổi đẹp nhất sự nghiệp: 29 tuổi, trước khi chơi thêm 2 năm nữa cho Tottenham Hotspur và giành thêm các danh hiệu. Sau chia tay sân cỏ, Gary trở thành một BLV bóng đá rất nổi tiếng, để truyền đi các thông điệp về thứ bóng đá fair play, ghét bạo lực và các pha tranh chấp - tiểu xảo, về hình mẫu một tiền đạo có khả năng đánh hơi bàn thắng thượng thặng.

Ở Việt Nam, không ít người từng được nghe những buổi bình luận của Gary Lineker, những nhận định hoặc đọc ít nhất một bài báo về ông. "Phải đến lần thứ 20 chạm bóng, tôi mới ghi nổi bàn thắng đầu tiên. Song nhiều người vẫn bảo tôi ăn may, không biết đá bóng, mà chẳng bận nghĩ rằng tôi đã ở đó - chỗ mà tôi chạm bóng thành bàn, đủ 19 lần rồi", câu nói hóm hỉnh rất nổi tiếng, nhưng đủ thâm thuý của Lineker về sự khổ luyện chuyên nghiệp của một tiền đạo.

Bóng đá Việt Nam không thể tìm ra mẫu cầu thủ "cả đời trong trắng", nhưng không phải không có những tấm gương. Trước, Bắc có Trần Văn Khánh, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Trọng Giáp (Thể Công), Lê Thuỵ Hải (Tổng cục Đường sắt), Nam là mẫu trung vệ điển hình về lối chơi hào hoa - huyền thoại Phạm Huỳnh Tam Lang (Cảng Sài Gòn). Chính cố danh thủ này đã dầy công gầy dựng lối chơi đẹp mắt, không đá xấu cho Cảng sau Giải phóng.

Công Phượng 'xát muối' vào ngày ra mắt đàn anh Minh Phương

Công Phượng 'xát muối' vào ngày ra mắt đàn anh Minh Phương

Tiền đạo xứ Nghệ tiếp tục duy trì phong độ cao khiến CĐV ngất ngây và biến ngày ra mắt của đàn anh Nguyễn Minh Phương ở Long An trở thành ký ức buồn.

Trước khi những Công Phượng và đồng đội ở HAGL trình làng một lối chơi đẹp mắt, hạn chế tối đa tiểu xảo và các tranh cãi không cần thiết, ngay tại Nghệ An, một đội bóng nổi tiếng lối chơi "chém đinh chặt sắt" đã có Phan Như Thuật, Nguyễn Minh Đức và cả Lê Công Vinh, vốn rất hiếm khi phải ăn thẻ. Trong Nam, những Quang Thanh, Minh Phương và tập thể đội Long An (ĐT Long An trước đây), cũng được cho là lành tính.

Lại có chút liên hệ. Nếu cựu cầu thủ người Bỉ Jean-Marc Bosman từng hy sinh cả sự nghiệp để đấu tranh, khiến bóng đá thế giới phải thừa nhận và cho ra đời Luật Bosman (chuyển nhượng tự do sau kết thúc hợp đồng), thì Quế Ngọc Hải của Việt Nam chính là "thiên sứ" hy vọng kết thúc kỷ nguyên thứ bóng đá xấu xí, nhuốm màu bạo lực, sau pha takle kết liễu sự nghiệp của Anh Khoa (SHB Đà Nẵng). Tất nhiên, Quế Hải đã phải chịu búa rìu dư luận và trải qua những ngày tháng dằn vặt.

Suy cho cùng, cái gì cũng có giá của nó. Và ở bất cứ đâu trên thế giới túc cầu, cái đẹp luôn được tôn vinh, điều tồi tệ cần phải dẹp bỏ, để chính nghĩa lên ngôi.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm