Tiếng Việt trong cuộc tiếp biến 3 thế kỷ

20/02/2023 19:00 GMT+7 | Văn hoá

Qua cuốn Từ điển các từ gốc Âu Mỹ trong tiếng Việt (NXB Dân trí), PGS Bùi Khắc Việt và PGS Vương Lộc đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về sự tiếp xúc, giao thoa và tiếp biến ngôn ngữ giữa Việt Nam và các quốc gia châu Âu, châu Mỹ trong 3 thế kỷ.

Ngày 18/2 tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học đã long trọng tổ chức lễ ra mắt công trình này.

Tiếng Việt không ngoi lệ

Phát biểu tại lễ ra mắt, GS-TS Đinh Văn Đức (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học) chia sẻ: "Việc tiếp xúc ngôn ngữ là quy luật phổ biến trên thế giới. Trong tiếng Việt có 3 sự tiếp xúc lớn, đó là tiếp xúc với tiếng Hán, với ngôn ngữ các quốc gia Âu Mỹ và với ngôn ngữ các nước Đông Nam Á. Ba cuộc tiếp xúc đó mang lại cho kho từ vựng tiếng Việt sự phong phú về số lượng, đồng thời, nâng cao năng lực giao tiếp tốt hơn rất nhiều. Trong đó, từ thế kỷ XIX đến nay, các từ ngữ hình thành từ cuộc tiếp xúc với các ngôn ngữ có nguồn gốc Âu Mỹ ngày càng tăng và có cương vị trên diễn đàn từ vựng tiếng Việt".

"Đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, khi mà công nghệ thông tin phát triển, việc giao lưu giữa các quốc gia thuận lợi hơn, các từ vựng tiếng Anh lần lượt du nhập vào Việt Nam và dần được nội địa hóa để trở thành từ tiếng Việt".

Tiếng Việt trong cuộc tiếp biến 3 thế kỷ - Ảnh 1.

Lễ ra mắt công trình hôm 18/2 tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư

Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Văn Tình (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học) cho biết, từ rất sớm, trong ngôn ngữ của các quốc gia đã hình thành sự giao thoa và tiếp biến. Ngay cả trong tiếng Anh - ngôn ngữ hiện nay đang rất phổ biến trên thế giới - cũng có sự tiếp thu từ những từ ngữ có nguồn gốc Hy Lạp, Latin… thậm chí là vay mượn cả tiếng Pháp và một số tiếng khác".

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu hướng hội nhập trong ngôn ngữ càng thể hiện một cách rõ ràng và mạnh mẽ, không có ngôn ngữ nào đứng ngoài sự giao lưu với các ngôn ngữ khác, tiếng Việt của chúng ta cũng không phải ngoại lệ. Trong cuộc giao lưu đó, một số ngôn ngữ đang thịnh hành, được coi là "ngôn ngữ mạnh", trong đó có tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc… có sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên các ngôn ngữ ở những quốc gia khác.

Những ngôn ngữ thịnh hành ấy ảnh hưởng nhiều đến tiếng Việt qua giao lưu văn hóa, qua sách báo, văn bản thường nhật. Vì thế, trong kho tàng tiếng Việt, hình thành sự tiếp biến từ vựng nước ngoài và xuất hiện hiện tượng Việt hóa cách đọc và cách viết, như "acide" trong tiếng Pháp, "acid" trong tiếng Anh được sử dụng là "a-xít" trong tiếng Việt. 

Tiếng Việt trong cuộc tiếp biến 3 thế kỷ - Ảnh 2.

Cuốn “Từ điển các từ gốc Âu Mỹ trong tiếng Việt” vừa phát hành

Bức tranh tiếng Việt trong bối cảnh giao lưu

Nắm bắt được xu hướng hội nhập này, đã có nhiều học giả bắt tay vào sưu tầm, nghiên cứu các từ tiếng Việt có nguồn gốc từ phương Tây. Trong đó, phải kế đến những đóng góp to lớn của hai nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm trong giới Việt ngữ học là PGS Vương Lộc và PGS Bùi Khắc Việt.

"Từ những năm 2000, khi thực hiện công trình nghiên cứu này, cả hai nhà nghiên cứu này đều đã khảo sát các đầu sách, các tác phẩm văn học, các bài báo, thống kê để xem hiện trạng tiếng Việt đã tiếp nhận một số ngôn ngữ nước ngoài như thế nào, chứ không phải dựa trên ý chí của một nhà làm từ điển nào cả" - ông Phạm Văn Tình cho biết.

Từ thế kỷ XIX, sự hiện diện của người Pháp trên đất nước ta ngày một sâu sắc và rõ nét, cũng là lúc trên nền tảng văn hóa phương Đông, đã có sự kết nối, dung hợp yếu tố văn hóa phương Tây, làm cho vốn văn hóa bản địa ấy càng thêm phong phú hơn. Yếu tố văn hóa phương Tây không chỉ hiện diện trên kiến trúc, trang phục, quy hoạch đô thị… mà ngay cả trong giao tiếp hàng ngày cũng có thể thấy dáng dấp của các từ ngữ tiếng Pháp như "a-lê-hấp", "a-lô"…  được Việt hóa từ những từ gốc "allez, hop!" (đi mau lên), "allo"…

Tiếng Việt trong cuộc tiếp biến 3 thế kỷ - Ảnh 3.

Vì thế, cuốn từ điển không chỉ giúp độc giả minh định rõ những từ ngữ có nguồn gốc phương Tây đã và đang được sử dụng, mà qua đó, còn vẽ nên bức tranh toàn cảnh về tiến trình giao thoa văn hóa và tiếp biến ngôn ngữ giữa Việt Nam và các quốc gia phương Tây từ thế kỷ XIX, XX cho đến đầu thế kỷ XXI. Trải dài trên nhiều lĩnh vực về khoa học như y học, dược học, sinh học, sang đến kinh tế, chính trị… và cả các vấn đề xoay quanh đời sống thường nhật như âm nhạc, thời trang…

Nối tiếp sang những năm tiếp theo của thế kỷ XXI, các từ mới xuất hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông với tốc độ ngày càng nhanh, số lượng ngày càng nhiều, nhất là ở đối tượng người trẻ sử dụng mạng xã hội. Vậy trong thời gian tới, liệu rằng bức tranh toàn cảnh ấy có còn nguyên giá trị, liệu rằng cuốn từ điển được xuất bản vào thời điểm hiện tại có bị "lỗi mode" hay không?

Giải đáp thắc mắc này, ông Tình tiếp tục nhận định: "Với số lượng từ mới trong bản di cảo của 2 ông, tất nhiên trong thời gian tới sẽ cần bổ sung thêm, nhưng về cơ bản, vốn từ đó vẫn mãi còn nguyên giá trị. Nó đã được biên soạn theo đúng tinh thần từ điển học".

Song cần phải hiểu rõ, không phải cứ từ mới nào xuất hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông là được "nhập tịch" vào tiếng Việt. Bởi để có thể "nhập tịch" thì cần có thời gian và không gian, cụ thể, thời gian tương đối dài và phạm vi sử dụng rộng rãi, được thể hiện "tường minh" trên sách báo. Khi ấy mới đủ điều kiện để xem xét "nhập tịch" vào kho từ vựng tiếng Việt.

Ông Tình khẳng định: "Hiện nay, rất nhiều người đang sử dụng một số từ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc theo trào lưu, đặc biệt trên không gian mạng, nhưng đến một thời gian nào đó, khi trào lưu không còn được thịnh hành, những từ ngữ ấy sẽ không được sử dụng phổ biến và không được xem là từ như các từ tiếng Việt bình thường khác".

Chính công trình sưu tầm, nghiên cứu này của 2 nhà Việt ngữ quá cố sẽ là tấm gương, bài học để những nhà làm từ điển đối chiếu, tham khảo trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu các từ mới trong tiếng Việt, đặc biệt là các từ có nguồn gốc Âu Mỹ và là nền tảng cho sự tiếp nối của những cuốn từ điển sau ra đời.

Hành trình 20 năm

Công trình này khởi thảo từ năm 2003. Năm 2006, ông Bùi Khắc Việt không may bị bệnh qua đời. Bản thảo được giao lại cho ông Vương Lộc tiếp tục thực hiện. Đến tháng 2/2022, sau khi ông Lộc tạ thế, gia đình hai bên có nguyện vọng công bố. Sau quá trình thẩm định, tháng 2/2023, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học chính thức giới thiệu từ điển tới độc giả.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm