Tiến trình hòa bình Trung Đông thêm khó khăn khi xung đột tái diễn ở Gaza

08/08/2022 12:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Giao tranh giữa quân đội Israel và Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) ở Dải Gaza kể từ ngày 5/8 đã diễn ra với độ khốc liệt gia tăng. Israel tiến hành hàng loạt cuộc không kích, trong khi nhóm Thánh chiến Hồi giáo Jihad tại Dải Gaza đã phóng hơn 500 rocket sang lãnh thổ Israel. Căng thẳng khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải lên kế hoạch họp khẩn, còn thế giới liên tục đưa ra những lời kêu gọi các bên kiềm chế.

Đa số trẻ em tại Dải Gaza mắc chứng lo âu, sợ hãi và trầm cảm

Đa số trẻ em tại Dải Gaza mắc chứng lo âu, sợ hãi và trầm cảm

Save the Children - tổ chức phi chính phủ về trẻ em ngày 15/6 công bố báo cáo mới nhất phản ánh thực trạng có nhiều trẻ em ở Dải Gaza chịu khổ đau sau 15 năm Israel áp đặt lệnh phong tỏa tại các vùng đất chiếm đóng.

Giao tranh dữ dội    

Kể từ ngày 5/8, Dải Gaza lại chìm trong khói lửa do Israel phát động chiến dịch không kích mang tên "Hừng Đông" nhằm vào dải đất này. Còn nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) cũng ngay lập tức đáp trả các hành động này của Israel.   

Liên tiếp trong những ngày qua, lực lượng Israel đã tăng cường không kích vào những địa điểm trên Dải Gaza được cho là của PIJ vốn bị một số nước phương Tây liệt vào danh sách khủng bố. Đến ngày 7/8, quân đội Israel thông báo toàn bộ hệ thống lãnh đạo cấp cao của nhánh quân sự của Phong trào Hồi giáo Jihad đã bị "vô hiệu hóa" trong khi Thủ tướng Israel Yair Lapid cho biết chiến dịch sẽ tiếp diễn chừng nào vẫn còn cần thiết. 

Chú thích ảnh
Khói lửa bốc lên tại hiện trường vụ không kích của Israel xuống Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza ngày 24/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Lực lượng Phòng không Israel (IDF), ít nhất 350 quả rocket đã được bắn về phía Israel kể từ ngày 5/8. Khoảng 95% trong số này đã bị chặn bởi hệ thống phòng không của Israel. Phía Israel không ghi nhận thương vong hay thiệt hại đáng kể do các vụ tấn công.    

Phía Israel cho rằng cần phải triển khai chiến dịch nhằm vào PIJ do phong trào này đang lên kế hoạch tấn công Israel. Trước đó trong tuyên bố ngày 6/8, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz khẳng định sẽ duy trì và tăng cường các chiến dịch quân sự.    

Trong khi đó, PIJ cũng đã phóng hơn 500 quả rocket và đạn cối về phía Israel để trả đũa.    

Sau vài ngày giao tranh, giới chức y tế Gaza cho biết tính đến ngày 7/8, xung đột đã khiến 41 người Palesitne thiệt mạng, trong đó có 11 trẻ em và 4 phụ nữ, trong khi 311 người khác bị thương, nhiều nhà cửa bị phá hủy. Đây được xem là đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ xung đột kéo dài 11 ngày hồi tháng 5/2021, làm ít nhất 250 người ở Gaza và 13 người ở Israel thiệt mạng.    

Tình hình chiến sự tiếp tục leo thang sau khi nhóm Thánh chiến Hồi giáo tại Gaza xác nhận các chỉ huy cấp cao trong đó có Khaled Mansour đã thiệt mạng trong chiến dịch không kích của Israel ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza, đồng thời nhóm Jihad thề sẽ bắn phá các khu định cư người Do Thái để trả thù. Bộ Quốc phòng Israel đáp trả rằng “tiếng súng sẽ được đáp trả bằng tiếng súng; sự im lặng, hòa bình sẽ được đáp lại bằng hòa bình”.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Israel cảnh báo chiến dịch không kích và nã pháo vào nhóm Jihad có thể sẽ kéo dài 1 tuần.    

Cùng với con số thương vong, nguy cơ về một thảm họa nhân đạo và y tế cũng đang dần hiện hữu rõ nét. Tuy Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza không tham gia xung đột lần này song trang mạng Walla (Israel) dẫn một số nguồn tin từ nước này cho biết phía Israel lo ngại tình hình nhân đạo trên Dải Gaza xấu đi sẽ khiến Phong trào Hồi giáo Hamas có thể lại tham gia vào xung đột lần này.    

Tình hình nhân đạo trở nên trầm trọng hơn khi nhà máy điện duy nhất ở Dải Gaza đã phải ngừng hoạt động vào ngày 6/8 do thiếu nhiên liệu, sau khi Israel phong tỏa cửa khẩu nối với vùng lãnh thổ Palestine trong suốt những ngày qua. Bộ Y tế Palestine cảnh báo, các dịch vụ y tế có thể bị gián đoạn trong vòng 72 giờ sau đó do điện bị cắt.

Ngoài ra, việc mất điện sẽ làm ngừng hoạt động của các nhà máy khử muối, máy bơm nước thải và cung cấp nước cho các hộ gia đình, có thể gây ra thảm họa nghiêm trọng về y tế và nhân đạo.

Thế giới kêu gọi các bên ngừng bắn    

Trước các vụ giao tranh ở Dải Gaza những ngày qua, Ai Cập là nước tích cực thực hiện các nỗ lực trung gian hòa giải để chấm dứt bạo lực. Một nguồn tin an ninh Ai Cập ngày 7/8 cho biết Israel đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo trên Dải Gaza, có hiệu lực từ 22h giờ địa phương (2h sáng ngày 8/8 theo giờ Việt Nam), cho dù PIJ từ chối tham gia thỏa thuận này.

Nhưng cuối cùng thì Lệnh ngừng bắn giữa Israel và PIJ đã có hiệu lực vào lúc 23h30 phút 7/8 theo giờ địa phương (3h30 ngày 8/8 giờ Việt Nam). Mặc dù vậy, Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) ngày 8/8 tuyên bố sẽ từ bỏ thỏa thuận ngừng bắn và nối lại các cuộc tấn công từ Dải Gaza "không một chút do dự" nếu giới chức Israel vi phạm những điều khoản vừa có hiệu lực.    

Chú thích ảnh
Người dân dọn dẹp đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza ngày 5-6-2021. Ảnh: AFP

Trước những vụ giao tranh giữa quân đội Israel và nhóm Thánh chiến Hồi giáo tại Gaza, thế giới đã liên tiếp đưa ra quan điểm quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế.    

Điều phối viên về nhân quyền của Liên hợp quốc phụ trách các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bà Lynn Hastings, ngày 6/8 cho biết hết sức quan ngại về sự leo thang bạo lực nghiêm trọng tại và xung quanh dải Gaza, đồng thời bà Hastings  kêu gọi Israel ngay lập tức cho phép Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo vận chuyển nhiên liệu, lương thực, vật tư y tế và đưa nhân viên nhân đạo vào Gaza.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby đã hối thúc các bên tránh leo thang căng thẳng, dù Bộ Ngoại giao nước này ủng hộ quyền “tự vệ” của Israel.    

Ngược lại, tướng lĩnh Iran khẳng định, nhóm Thánh chiến Hồi giáo tại Gaza sẽ không “phải đứng một mình trong cuộc chiến chống lại người Do Thái và Israel sẽ phải trả “một cái giá rất đắt”.    

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các bên kiềm chế tối đa trong làn sóng leo thang bạo lực tồi tệ nhất ở dải Gaza của Palestine kể từ sau cuộc giao tranh năm ngoái. Pháp cảnh báo dân thường sẽ là nạn nhân đầu tiên của xu hướng leo thang căng thẳng mới, đồng thời hối thúc các bên kiềm chế. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng đã kêu gọi nhanh chóng chấm dứt bạo lực tại Dải Gaza. Ngoại trưởng Ireland, ông Simon Coveney, cũng đưa ra thông điệp tương tự.   

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã phản đối chiến dịch “Hừng Đông” của Israel chống lại nhóm Jihad. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế và tất cả các bên có ảnh hưởng can thiệp để đạt được một lệnh ngừng bắn, cảnh báo rằng việc tiếp tục các hoạt động quân sự có thể dẫn đến leo thang mà không bên nào có thể lường trước được hậu quả nghiêm trọng.    

Các nước Arab như Yemen, Algeria, Saudi Arabia, Iraq, Jordan, Kuwait và Tunisia cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để ngăn chặn chiến dịch của Israel. Cùng chung quan điểm này, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh Nayef al-Hajraf đã nêu bật vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc hành động khẩn cấp nhằm bảo vệ dân thường.    

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Trung Quốc, Pháp, Na Uy và Ireland cũng đã đề nghị tổ chức một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về tình hình bạo lực hiện nay ở Dải Gaza và tìm cách đạt được hòa bình.  Theo dự kiến, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức một cuộc họp kín vào ngày 8/8.    

Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat ngày 7/8 đã lên tiếng phản đối các cuộc không kích của Israel nhằm vào Dải Gaza trong bối cảnh xung đột bạo lực leo thang tại khu vực đầy bất ổn này khiến 31 người thiệt mạng. AU tái khẳng định ủng hộ mong muốn chính đáng của người dân Palestine về việc thành lập một nhà nước độc lập và có chủ quyền, với Đông Jerusalem là thủ đô.   

Nga cũng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ra tuyên bố cho biết: "Moskva rất lo ngại trước các sự kiện đang diễn ra (tại Gaza) và kêu gọi tất cả các bên thể hiện sự kiềm chế tối đa"…

Tiến trình hòa bình Trung Đông thêm khó khăn    

Ngược dòng lịch sử, dải Gaza vốn là một dải đất hẹp ở ven biển dọc theo Địa Trung Hải, có biên giới trên bộ với Ai Cập ở phía Tây Nam và Israel ở phía Bắc và phía Đông, và về mặt pháp lý không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên của nó được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Trước năm 1967, Gaza do Ai Cập nắm giữ. Nhưng sau cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967, vùng đất này thuộc về tay Israel và Gaza nằm dưới quyền kiểm soát của Israel kể từ khi đó.     

Ở Dải Gaza, kinh tế không thể phát triển vì bị Israel bao vây ba mặt cả trên bộ lẫn trên biển, biên giới với Ai Cập cũng bị rào kín. Toàn bộ năng lượng phải nhập từ đường ống đi qua Israel, 80% dân sống bằng lương thực quốc tế viện trợ, cũng đi qua Israel. Bởi vậy mỗi lần Israel phong tỏa Gaza thì người dân vùng này sống trong bóng tối, không có lương thực, thuốc men...    

Trong lịch sử, dải Gaza là vùng đất thiêng liêng đối với cả người Palestine và người Israel, do đó nó luôn là một trong những căn nguyên chính gây ra các cuộc khủng hoảng giữa Israel và Palestine.        

Muốn dứt khoát khẳng định chủ quyền, từ đầu những năm 1970, Israel đã dùng chính sách xây các khu nhà định cư, cho phép người Do Thái đến làm ăn, sinh sống dưới sự bảo vệ của quân đội Israel. Trong khi đó, người Palestine cũng kéo đến Gaza để định cư. Và hậu quả là những cuộc đụng độ giữa người Do Thái và người Palestine đã thường xuyên diễn ra, cướp đi bao nhiêu mạng sống của những người dân vô tội của cả hai bên.    

Chú thích ảnh
Xung đột Palestine - Israel liên tục leo thang những ngày gần đây khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Cuối năm 2005, Israel tuyên bố hoàn thành việc di dời khu định cư Do Thái khỏi Dải Gaza, theo tinh thần của Hiệp định Oslo năm 1993. Theo hiệp định, phía Palestine đồng ý công nhận Israel, đổi lại, phía nhà nước Do Thái phải bắt đầu tiến hành rút quân khỏi các khu vực chiếm đóng ở Bờ Tây và Dải Gaza trong vòng 5 năm để tạo điều kiện cho việc thành lập nhà nước Palestine độc lập. Vào thời điểm đó, Hiệp định này được coi là một bước đột phá tích cực trong tiến trình hòa bình Trung Đông.    

Sau đó, Dải Gaza thuộc quyền tài phán của chính quyền Palestine và họ cũng kiểm soát biên giới của Dải Gaza với Ai Cập, còn Israel vẫn giữ quyền kiểm soát không phận và đường bờ biển. Tuy nhiên, tháng 6/2006, khi Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas (giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine hồi tháng 1/2006) đã nắm trọn quyền kiểm soát Dải Gaza.

Và kể từ lúc này, Israel lại bắt đầu gia tăng sức ép bao vây kinh tế, hạn chế tiếp lương thực, thuốc men; đồng thời tăng cường hành động bạo lực nhằm vào thường dân Palestine ở Dải Gaza với ý định đánh bật Hamas ra khỏi đây. Nhưng việc dùng bạo lực đó dường như đã phản tác dụng.    

Kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza năm 2006, thứ ngôn ngữ mà Israel và Hamas sử dụng không phải là trên bàn đàm phán mà thực tế là các cuộc “trao đi đổi lại” bằng rocket và súng đạn. Ngoài ra, Israel còn dùng gọng kìm kinh tế để cô lập Hamas. Và cuối cùng, hứng chịu hậu quả chính là những thường dân vô tội ở Dải Gaza.    

Gần đây nhất, tháng 5/2021, cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas của Palestine ở Dải Gaza trong vòng 11 ngày đã khiến đôi bên đều thiệt hại. Theo thống kê, Hamas và các nhóm vũ trang ở Gaza đã phóng khoảng 4.000 quả rocket về phía Israel, khiến 13 người ở Israel thiệt mạng.

Nhưng hậu quả về phía Palestine còn tàn khốc hơn nhiều: Các loạt đòn không kích từ Israel đã khiến hơn 250 người Palestine tử vong, trong đó có 65 trẻ em; nhiều tòa nhà đã biến thành đống đổ nát, khoảng 120.000 người đã phải sơ tán. Sau 11 ngày giao tranh khốc liệt, lệnh ngừng bắn giữa Israel-Palestine đã có hiệu lực vào ngày 21/5/2021. Tuy nhiên từ đó đến nay, giao tranh giữa hai bên vẫn tái diễn.    

Thực tế đã cho thấy, cuộc xung đột Israel-Palestine vốn được coi là cuộc xung đột phức tạp và khó giải quyết nhất thế giới. Lý giải cho câu hỏi vì sao cuộc xung đột Israel-Palestine khó giải quyết dù nhiều năm qua cộng đồng quốc tế đã thúc đẩy nhiều nỗ lực chung nhằm tìm hướng giải quyết, giới phân tích đưa ra 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, xung đột bắt nguồn từ những mâu thuẫn chồng chất và dai dẳng từ xa xưa trong lịch sử liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, văn hóa… Thứ hai, bản thân mâu thuẫn nội bộ của cả Israel lẫn Palestine luôn là rào cản đối với khả năng giải quyết xung đột. Thứ ba, toan tính của các nước khu vực và các nước có lợi ích liên quan là yếu tố chi phối và tác động lớn.      

Nhưng lịch sử cũng cho thấy, bạo lực không bao giờ là giải pháp cho các mâu thuẫn liên quan tới tôn giáo, lãnh thổ, chính trị và nhất là sự ngự trị của chủ nghĩa dân tộc ở vùng thánh địa. Vòng luẩn quẩn của bạo lực chỉ càng chất cao thêm ngọn lửa hận thù giữa hai bên, các mâu thuẫn càng lâm vào bế tắc, đóng lại cánh cửa đàm phán hòa bình và là “ngòi nổ” âm ỉ đe dọa hòa bình khu vực. 

Bởi vậy, hòa bình Trung Đông chỉ có thể có được thông qua đối thoại trên cơ sở giải pháp “hai nhà nước”, trong đó Nhà nước Palestine độc lập chung sống trong hòa bình và an ninh với Israel, với đường biên giới trước năm 1967.                                               

Phước An (tổng hợp)/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm