Tiễn biệt nhạc sĩ Hoàng Vân: 'Nhạc sĩ ấy ai gặp đều không thể quên'

05/02/2018 07:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - LTS - Được tin tác giả Hò kéo pháo qua đời tại nhà riêng vào sáng 4/2, nhà báo Nguyễn Phú Cương đã gửi tới Thể thao & Văn hóa những chia sẻ của mình về nhạc sĩ này. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Năm 16 tuổi, Hoàng Vân gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội. Sau đêm 19/12/1946, ông theo Trung đoàn 165 làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Thân phụ ông nhắn gọi ông “Về ngay để sang học ở Paris” nhưng ông không về, và đi suốt những dặm đường trường chinh cùng đồng đội.

Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng Hòa Bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc.

Từ “tiếng gà” năm 1954 đến “tiếng gà” năm 1968

Năm 1954, ông công tác ở Đội Tuyên truyền vũ trang, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn, và phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312. Khi sáng tác ca khúc Hò kéo pháo, tên tuổi của Hoàng Vân được cả chiến dịch Trần Đình biết tới. Hồi ấy, những người lính ra chiến trận đều ngân vang khúc hát Hò kéo pháo của ông. Bài hát đã cổ vũ lòng người vượt qua những gian khó để có “Chiến thắng trận Điện Biên chấn động địa cầu”.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Hoàng Vân. Ảnh Nguyễn Đình Toán

Ngay sau khi chiến thắng Điện Biên ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc đó Đại tướng mới biết anh trai Hoàng Vân cùng dạy Trường Tư thục Thăng Long năm nào). Hoàng Vân nhận được lệnh từ Điện Biên sang học ở Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh Trung Quốc. Bản Thơ giao hưởng số 1 Thành đồng Tổ quốc (1960) là bài thi tốt nghiệp của ông. Tốt nghiệp khoa sáng tác ông được nhà trường giữ lại một năm để học thêm chỉ huy dàn nhạc”.

Về nước, ông được phân công về Đài tiếng nói Việt Nam với vai trò phối âm cho các sáng tác (hồi đó hiếm người viết được hòa âm phối khí cho dàn nhạc), kiêm luôn Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam và giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam. Nhiều trụ cột của nền âm nhạc Việt Nam là học trò của ông.

Nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong số các nhạc sĩ thành công nhiều thể loại sáng tác; từ khí nhạc đến ca khúc cho người lớn, ca khúc thiếu nhi, ca khúc cho các ngành, ca khúc cho phim… Ông là tác giả ca khúc trong các phim đã ghi dấu ấn trong nền điện ảnh như: Nổi gió, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu...

Hoàng Vân rất thích tiếng gà gáy. Ông bảo là: Sách cổ “Kê Minh” tiếng gà gáy được các vị túc nho rất thích, nó là tiếng báo một ngày mới bắt đầu, tiếng gà đầy thúc giã. Trong mặt trận Điện Biên Phủ núi rừng hoang sơ, tiếng gà rừng vang xa lắm, cả một đoàn quân đang căng sức ra kéo pháo vào trận địa nghe tiếng gà gáy như một hiệu lệnh của hy vọng, nên nghe tiếng gà rừng đó mà có câu “Gà rừng gáy trên nương rồi…”

Trong cuộc Tổng tấn công Mùa xuân 1968 , ông trực ban ở Đài TNVN. Lần ấy, sáng tinh sương ông nghe đâu đây trong thành phố vọng lên tiếng gà khiến ông bất ngờ quá. Thế là có ngay một Chào anh Giải phóng quân, Chào mùa xuân đại thắng với giọng ca cao vút của ca sĩ Bích Liên vang lên trên sóng - một “Tiếng gà đang gáy sáng”… như một tiếng kèn thúc giục.

Cả hai tác phẩm ở thời điểm quyết định của đất nước ấy đều được “treo” vào tiếng gà gáy và mãi truyền cảm hứng cho người nghe.

Chú thích ảnh
Cố nhạc sĩ và các cháu thiếu nhi trong một đêm nhạc. Ảnh Nguyễn Đình Toán

Những giai điệu đầy ngẫu hứng

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai một học trò của ông kể: “Ông luôn dặn tôi “nghệ sĩ phải luôn sáng tạo, không được bao giờ lặp lại, càng không coppy của người khác”. Ông viết về công nhân ra công nhân, nông dân ra nông dân, miền núi ra miền núi”.

Nhạc sĩ Văn Dung nhớ lại: cách đây gần 50 năm đoàn nhạc sĩ về Thái Bình thực tế sáng tác. Ai cũng hăm hở tỏa về các đội sản xuất người gánh phân, người nhổ mạ. Hoàng Vân thấy cứ đi vào các cụ già trò chuyện, lại tha thẩn vào mấy ngôi đình, ngôi chùa. Tối tối lại thấy ông ngồi bên ngọn đèn ghi chép và đọc sách về Thái Bình. Sắp đến ngày “nộp sáng tác”, các nhạc sĩ có tác phẩm rồi, thậm chí có vị còn hai ba bài đã dạy thanh thiếu nhi trong Hợp tác xã hát rộn ràng mà chưa thấy ông “động thủ” gì. Đến hôm tập trung ở huyện các nhạc sĩ đều trình bày tác phẩm. Hoàng Vân lúc đó nhìn lên quyển lịch treo tường có hình hai nữ anh hùng Tạ Thị Kiều và Nguyễn Thị Chiên tay trong tay, ông lật mặt sau vỏ bao thuốc lá chép luôn giai điệu và lời hát và cầm guitar hát luôn “Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình / Hai chị em trên hai trận tuyến/ Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang…” Bài hát được hoan nghênh nhiệt liệt, đến tận bây giờ nghe lại vẫn còn xúc động”.

“Người tiếp tục Hoàng Vân là Trần Tiến”

Sau lần bị tai nạn giao thông nhạc sĩ Hoàng Vân phải nằm điều trị một thời gian dài rồi ông về công tác Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Năm 1987, nhạc sĩ Trần Tiến lập ban nhạc rock Đen-Trắng và lưu diễn dọc đất nước. Các bài hát của ông trong thời kỳ này có nội dung cổ vũ cho Đổi mới. Nhưng, một số sáng tác như Ý nghĩ trong phòng hải quan, Đồng hồ, Trần trụi 87… từng khiến Trần Tiến gặp nhiều phiền phức ở Thành phố Hồ Chí Minh khi trình diễn. Ngành quản lý hỏi Hội Nhạc sĩ. Hoàng Vân nghĩ “âm nhạc là cứ phải nghe mới hiểu hết được - chứ không thể quy kết lung tung”. Thế là một chương trình về những ca khúc “có vấn đề” của Trần Tiến được dàn dựng. Các vị lãnh đạo ngành văn hóa nghe xong đều đồng ý: Trần Tiến không kích động bạo loạn, Trần Tiến kích động lòng yêu nước, hưởng ứng Đổi mới bằng âm nhạc.

Về sau này mỗi lần có dịp ra Hà Nội, NS Trần Tiến đều ra thăm thầy. Ông âu yếm kể về học trò “Dáng cao cao tóc tai lòa xòa, quần bò với cây đàn guitar đeo sau lưng và bưng một két bia, đôi giày đầy bụi đường bước lên cầu thang gỗ ở ngôi nhà phố Hàng Thùng. Thầy trò hỏi chuyện hàn huyên rồi thế nào tôi cũng hỏi “Có gì mới không?”. Chàng lãng tử chỉ cần nghe thấy thế là dốc gan ruột với thầy bằng những sáng tác mới, đầy nhiệt huyết. Là người thầy, ai chẳng mừng khi có những người học trò đầy sáng tạo đầy tâm huyết và tài năng như Trần Tiến.”

Người viết bài này cũng được chứng kiến buổi NS Trần Tiến đến nhà NS Hoàng Vân, các nhà bán hàng gần cạnh nhà lặng lẽ đóng cửa treo bảng “Nghỉ không bán hàng” để kéo ngồi cầu thang, vì thế nào cũng được thưởng thức một live show đầy ngẫu hứng của Trần Tiến.

Bây giờ, về cõi vĩnh hằng, hẳn nhạc sĩ Hoàng Vân có thể yên lòng vì những gì mình để lại trong âm nhạc.

Nghe tin nhạc sĩ Hoàng Vân từ trần, cách Việt Nam nửa vòng trái đất, ca sĩ Ái Vân đã viết những dòng thật cảm động: Vĩnh biệt chú, người nhạc sĩ tài hoa và hào hoa, niềm hãnh diện của người Hà Nội. Cháu có may mắn được hát Bài ca xây dựng, một sáng tác của chú, cùng Mặt trời chưa bao giờ mọc như vậy, cháu đã đoạt Grand Prix tại Dresden 1981. Xin cảm ơn chú. Hãy yên nghỉ nhé chú - Nhạc sĩ Hoàng Vân!
Nhạc sĩ Hoàng Vân (tên thật Lê Văn Ngọ) sinh ngày 24/7/1930 tại Hà Nội. Với những đóng góp quan trọng cho âm nhạc Việt Nam, ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật vào năm 2000.
Nhạc sĩ Hoàng Vân: 'Chiến mã lực lưỡng' của nền âm nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Hoàng Vân: 'Chiến mã lực lưỡng' của nền âm nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Hoàng Vân vừa từ giã cõi đời, song gia tài đồ sộ ông để lại cho nền nhạc Việt với rất nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng sẽ còn mãi với thời gian.

Nguyễn Phú Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm