Bão số 1 mạnh giật cấp 14, từ đêm nay miền Bắc mưa dông

02/07/2022 10:50 GMT+7 | Thời tiết

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 4 giờ ngày 2/7, vị trí tâm bão số 1 cách đảo Hải Nam, Trung Quốc khoảng 110km về phía Đông Đông Bắc, cách Quảng Ninh khoảng 430km về phía Đông Đông Nam.

Ứng phó bão số 1: Đêm 1/7, tổ chức bắn pháo hiệu để tàu, thuyền biết vào vị trí an toàn tránh trú

Ứng phó bão số 1: Đêm 1/7, tổ chức bắn pháo hiệu để tàu, thuyền biết vào vị trí an toàn tránh trú

Chiều 1/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão số 1 và mưa lớn sau bão. Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.

Từ 4 giờ ngày 2 đến 4 giờ ngày 3/7, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 4 giờ ngày 3/7,  vị trí tâm bão trên đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 170km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 107,0 đến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Bão số 1, Tin bão, Tin bão số 1, Tin bão mới nhất, Tin bão, Thời tiết ngày mai, cơn bão số 1, dự báo bão, tin bão khẩn cấp, dự báo thời tiết, thời tiết hà nội, bao so 1
Vị trí, hướng di chuyển của bão số 1 cập nhật sáng 2/7

Từ 4 giờ ngày 3 đến 4 giờ ngày 4/7, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24-36 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Cảnh báo, vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông ngày 2/7 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8 m, biển động dữ dội.
Khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 3-5 m, biển động rất mạnh. Cảnh báo nguy cơ sóng lớn kết hợp triều cường gây ngập úng ở vùng trũng, thấp ở khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

Trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-4 m, biển động mạnh.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trước tình hình gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên các vùng biển, các cơ quan chức năng cần thông báo cho các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến trên để chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống... 

Trong thời gian có bão, ngư dân và thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới, tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, ngư dân cần kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới. 

Ngư dân và các thuyền viên cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thuộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc - Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam - Tây Nam. 

Bên cạnh đó, ngư dân và các thuyền viên cần chú ý khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km (khoảng 200 hải lý). 

Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới, người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.

Ngoài ra, từ chiều tối và đêm 2/7, phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 70mm. Ngày 3-4/7, Bắc Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, riêng khu Đông Bắc 100-200mm, có nơi trên 250mm. Từ ngày 5-7/7, Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

Khu vực Hà Nội, từ đêm 2-4/7 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: cấp 1.

Dự báo thời tiết ngày và đêm 2/7:

Phía Tây Bắc Bộ ngày nắng, đêm có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió nhẹ. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C, có nơi dưới 23 độ C; cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.

Phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội ngày có mưa rào và dông vài nơi, chiều tối và đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất tại Đông Bắc Bộ 24-27 độ C, cao nhất  31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C. Nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nội  25-27 độ C, cao nhất 33-35 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Phía Bắc gió Tây Bắc đến Tây, phía Nam gió Tây đến Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất  25-28 độ C, cao nhất  31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng - Bình Thuận ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Tây đến Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C; cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 3. Nhiệt độ thấp nhất tại Tây Nguyên  20-23 độ C; cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C. Nhiệt độ thấp nhất tại Nam Bộ  24-27 độ C, cao nhất 31-34 độ C.

Quảng Ninh ngừng cấp phép tàu thủy ra khơi từ 10 giờ ngày 2/7

Để phòng, chống bão số 1, ngày 2/7, Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh thông báo tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện tàu thủy ra khơi; tạm dừng cấp phép cho các phương tiện tàu du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển. Thời hạn tạm ngừng bắt đầu từ 10 giờ ngày 2/7. Tuy nhiên, Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh có thể xem xét, cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và và kết thúc công việc này trước 17 giờ ngày 2/7.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh, trong những giờ tới, nhiều khả năng bão số 1 sẽ ảnh hưởng đến tỉnh, gây mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi là rất cao.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 1, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, khẩn trương triển khai các phương án, chủ động trước mọi tình huống có thể xảy ra… Hiện các địa phương, ngành đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phương án để ứng phó với cơn bão; trong đó ưu tiên bảo vệ vững chắc đê điều, hồ đập, đặc biệt là người dân và khách du lịch trên biển; phòng chống sạt lở, ngập úng…

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, trong 2 ngày 30/6 và 1/7 liên tục ra 2 công văn khẩn yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai công tác ứng phó với bão, đặc biệt là kiểm tra, rà soát các vị trí, khu vực có nguy cơ sạt lở đất khi mưa lớn để có biện pháp xử lý kịp thời. Tập đoàn có địa bàn hoạt động trải dài tai 4 địa phương là Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều. Một số vị trí trọng yếu như bãi thải, khai trường gần khu dân cư, kho chứa than được Tập đoàn ưu tiên bảo vệ cấp bách theo phương châm “3 trước” “4 tại chỗ”. Các đơn vị sản xuất than đang tập trung phương tiện, máy móc khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước, phòng ngừa nguy cơ ngập lụt mỏ và các khu vực kho bãi chứa than; kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện đối với các mỏ hầm lò.

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 6.250 tàu cá các loại. Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã phối hợp với UBND các địa phương ven biển nắm tình hình tàu thuyền (đặc biệt là tàu ở xa bờ), thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp sản xuất an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm.

Một số địa phương ven biển như Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên, Cô Tô… cũng đang tập trung theo dõi các công trình giao thông ven biển, bảo vệ an toàn cho người dân cũng như lồng bè, chòi canh. Các đơn vị vận hành, quản lý các công trình hồ đập tăng cường lực lượng kiểm tra tình hình các hồ chứa; duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn túc trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.

Nhóm P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm