Thị trường sụt giảm, môi giới bất động sản gặp khó

04/01/2023 15:49 GMT+7 | Tin tức 24h

Kể từ cuối quý II/2022 đến nay, thị trường bất động sản dần lao dốc và rơi vào trạng thái “ngủ đông” vì bị ảnh hưởng bởi những chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng nhiều lý do khác... Hệ quả của thực trạng trên là hàng loạt công ty, sàn môi giới phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, nhiều công ty còn hoạt động thì đang ở mức cầm cự, phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí, có doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm.

Theo ông Hà, khi thị trường gặp khó khăn thì đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là môi giới. Ước tính, số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm.

Do "nghẽn" vốn, tắc nguồn vốn trái phiếu cũng như vốn huy động từ khách hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản "đói vốn” phải tạm dừng triển khai dự án. Nhiều nơi thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cho biết, theo thống kê của VARS, trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác để kiếm sống.

Nhiều môi giới chia sẻ, trong 2 quý vừa qua, thị trường hầu như không có giao dịch thực nên họ phải chịu lỗ với các khoản chi phí quảng cáo đã đổ ra. Quá chán nản, nên nhiều người đã bỏ nghề, đội, nhóm tan rã.

Thị trường sụt giảm, môi giới bất động sản gặp khó - Ảnh 1.

Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, số đông môi giới bỏ cuộc thường là nhân sự mới, chưa gắn bó lâu với nghề nên không nắm bắt, dự đoán được biến cố, xu thế của thị trường. Bởi vậy, khi thị trường lao dốc thì họ chọn cách chuyển sang ngành khác để kiếm sống.

Tình hình thị trường thanh khoản kém là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên môi giới bất động sản phải nghỉ Tết sớm, thậm chí còn chưa có kế hoạch đi làm lại vào năm sau.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận xét, thị trường bất động sản hiện rất khó khăn khi sức mua và thanh khoản đều sụt giảm mạnh. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp địa ốc phải thu hẹp quy mô hoạt động, tạm ngưng hoạt động đầu tư, dừng triển khai dự án mới. Thậm chí, một số doanh nghiệp phải liên tục tinh giảm bộ máy, cắt giảm gần hết lực lượng lao động.

"Điều này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều nhân viên môi giới bất động sản, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên Đán 2023 sắp đến. Nhìn rộng ra, điều này còn tác động đến nhiều hộ gia đình của người lao động và các vấn đề an sinh xã hội" - ông Châu phân tích.

Trước Tết Nguyên Đán chừng 1 tháng, nhưng nhiều công ty môi giới bất động sản đã phát đi thông báo cho nhân viên nghỉ Tết sớm vì tình hình khó khăn. Điển hình như Công ty Bất động sản Đất Xanh Miền Bắc đã thông báo cho nhân viên nghỉ Tết sớm và thời gian nghỉ kéo dài gần 2 tháng, từ ngày 12/12/2022 đến ngày 5/2/2023. Đây cũng là tình trạng đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường.

Một môi giới tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ cuối quý III/2022 đến nay gần như không có giao dịch. Đơn vị của môi giới này gặp khó khăn về doanh thu do không bán được hàng trong nhiều tháng và buộc phải cho toàn bộ nhân sự nghỉ Tết sớm để có thời gian tìm công việc khác.

Do đó, môi giới này tạm thời chuyển sang làm công việc giao hàng để kiếm tiền chuẩn bị về quê ăn Tết. Công việc mới vừa vất vả lại không có nguồn thu nhập tốt nhưng vẫn phải chấp nhận làm để trang trải cuộc sống. Nếu qua Tết tình hình không cải thiện, anh sẽ chuyển hẳn sang làm công việc khác - môi giới này cho hay.

Cùng chung cảnh ngộ, môi giới Nguyễn Văn Đức tại Hà Nội phản ánh, khách hàng liên hệ xem nhà và giao dịch rất ít, kể từ quý IV/2022 đến nay. Thị trường ảm đạm, thanh khoản của tất cả phân khúc, đặc biệt là biệt thự, nhà phố gần như "đóng băng". Mặc dù dự báo thị trường cải thiện hơn trong những tháng cuối năm nhờ mùa cao điểm bán hàng nhưng thực tế thì đang diễn biến khó khăn hơn trước nhiều. Những năm trước, quý cuối năm người mua nhà vẫn rất tấp nập; thậm chí, có năm anh Đức kết thúc công việc tận 28 Tết.

Đứng trước những khó khăn hiện tại, ông Nguyễn Văn Đính đưa ra lời khuyên, những người làm nghề môi giới bất động sản còn yêu và muốn gắn bó với nghề nên chuyển sang bán những loại hình bất động sản có thanh khoản tốt như nhà đất ở các khu vực tập trung đông dân cư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tính thanh khoản của loại hình nào cũng đều sụt giảm và không còn cao như trước, bởi vì chỉ còn lại nhóm khách hàng có nhu cầu ở thực.

Bởi vậy, trong lúc này, những người làm nghề môi giới bất động sản nên tìm kiếm một công việc khác để mưu sinh, đồng thời tranh thủ khoảng thời gian khó khăn này để bổ sung thêm kiến thức và hoàn thiện những kỹ năng nghề nghiệp của mình.

Đối với sàn giao dịch, công ty môi giới bất động sản, ông Đính cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thay vì ồ ạt sa thải nhân viên, các sàn giao dịch nên tận dụng thời gian để tập trung đào tạo lại đội ngũ nhân sự. Đây sẽ là một sự chuẩn bị tốt để khi thị trường phục hồi, các công ty sẽ có một lực lượng nhân viên môi giới làm việc chuyên nghiệp, trách nghiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, các công ty môi giới bất động sản cần có chính sách linh hoạt cho những nhân viên gắn bó lâu năm. Cụ thể, trong khoảng thời gian này, họ có thể tranh thủ thời gian đi làm thêm công việc khác ở bên ngoài nhưng vẫn nhận được nguồn lương của doanh nghiệp.

Thu Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm