Thêm 8 con lợn rừng bỏ mạng tại hòn đá phong ấn cáo chín đuôi ở Nhật Bản, nhưng các nhà khoa học nói không bất ngờ

19/12/2022 15:07 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Hòn đá được dân gian truyền miệng là giam giữ linh hồn một con cáo tà ác này đã bị vỡ ra làm đôi vào đầu năm nay, mang tới nhiều tin đồn thất thiệt.

Thị trấn Nasu, tỉnh Tochigi, Nhật Bản có một số điểm tham quan tuyệt vời cho các du khách. Những dãy núi hùng vĩ. Những khu rừng tươi tốt. Và một hòn đá chết chóc.

Theo truyền thuyết dân gian, hòn đá này có tên là Sessho-seki, hóa thân của một con cáo chín đuôi trong lịch sử. Con cáo quyền năng đã biến thành một phụ nữ xinh đẹp tên là Tamamo-no-Mae, người đã âm mưu giết Hoàng đế Toba, người cai trị Nhật Bản từ năm 1107 đến năm 1123.

Sau khi bị phát hiện ra danh tính thực sự, con cáo đã bị đuổi giết và phải chạy trốn đến Nasu, nơi nó biến thành một hòn đá lớn. Người ta đồn rằng chất độc rò rỉ từ tảng đá sau đó đã giết chết cả người và động vật đi ngang qua, khiến nó được biết đến với cái tên “Hòn đá giết người”.

Thêm 8 con lợn rừng bỏ mạng tại hòn đá phong ấn cáo chín đuôi ở Nhật Bản, nhưng các nhà khoa học nói không bất ngờ - Ảnh 2.

Hòn đá chết chóc ở Nasu, Nhật Bản. Ảnh chụp trước khi nó bị vỡ làm nhiều mảnh.

Chính truyền thuyết này đã khiến ngọn núi nơi có hòn đá trở thành một địa danh hấp dẫn tại địa phương, đặc biệt là đối với những người hâm mộ truyện dân gian và phim hoạt hình có liên quan tới linh hồn cáo.

Tuy nhiên, vào ngày 7/3 đầu năm nay, không biết vì lý do gì, hòn đá đã vỡ làm đôi. Những dự đoán về một thế lực đen tối mới xuất hiện đã được đăng tải và lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Nhật Bản.

Nhưng trên thực tế, truyền thông địa phương cho biết các vết nứt đã xuất hiện trên tảng đá vài năm trước, có thể đã cho phép nước mưa thấm vào bên trong và làm suy yếu cấu trúc của nó.

Thêm 8 con lợn rừng bỏ mạng tại hòn đá phong ấn cáo chín đuôi ở Nhật Bản, nhưng các nhà khoa học nói không bất ngờ - Ảnh 3.

Hòn đá bị vỡ đôi, được cho là bởi thiên nhiên tàn phá.

Sau đó vào ngày 26/3, một thầy tu từ một ngôi đền có tiếng ở địa phương đã được triệu tập đến để thực hiện một nghi lễ đặc biệt, được gọi là “Lễ tưởng niệm viên đá chết chóc, Cửu vĩ hồ Nasu và Lễ cầu nguyện cho hòa bình”.

Buổi lễ diễn ra hoàn toàn bình thường, nhưng một vấn đề nảy sinh sau khi nghi lễ kết thúc. Người dân địa phương tại đây đã cho biết rằng họ nhìn thấy một làn sương mù bí ẩn phủ xuống khu vực xung quanh hòn đá, ngay sau khi nghi lễ thanh tẩy hoàn tất. Thông tin lại làm dậy sóng cư dân mạng, một số người ho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy linh hồn của con cáo đã rời khỏi nơi đây, một số người khác lại lo sợ rằng đây có thể là một điềm báo không tốt cho những cây chuyện diễn ra trong tương lai không xa.

Mọi chuyện tưởng đã chìm vào quên lãng sau 9 tháng yên bình. Nhưng theo báo cáo mới đây, hôm 7/12, xác của tám con lợn rừng được phát hiện ở trên núi Nasu. Và chúng chết gần hòn đá đã vỡ.

Đàn lợn rừng bị chết gần hòn đá chết chóc, xác chúng đã được các nhân viên tại đây thu dọn và tiêu hủy.

Với việc câu chuyện về hòn đá chết chóc một lần nữa xuất hiện trở lại, người dùng mạng xã hội Nhật Bản lại một lần nữa đưa ra các phán đoán và tranh cãi. Có người cho rằng nó đang thể hiện đúng khả năng vốn có, người lại cho rằng “Có thứ gì đó đã thức tỉnh.”

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, có một lời giải thích phù hợp hơn cho sự việc này. Hòn đá nằm ở quận Yumoto của thị trấn Nasu. Cái tên Yumoto có nghĩa là “nguồn nước nóng”, ám chỉ hoạt động địa nhiệt đã làm nóng các suối nước nóng của Nasu từ hàng thế kỷ nay. Tuy nhiên, đi cùng với hoạt động địa chất này là rất nhiều khí hydro sunfua và axit sunfuric thấm ra khỏi lòng đất, đặc biệt ở khu vực xung quanh hòn đá bị nguyền rủa.

Thêm 8 con lợn rừng bỏ mạng tại hòn đá phong ấn cáo chín đuôi ở Nhật Bản, nhưng các nhà khoa học nói không bất ngờ - Ảnh 5.

Dường như buổi lễ cầu an lành hồi tháng 3 đã không ứng nghiệm trên động vật hoang dã.

Một người trưởng thành có thể chất khỏe mạnh sẽ không bị ảnh hưởng bởi mức độ phơi nhiễm mà họ sẽ trải qua khi chỉ dừng lại ở dưới chân núi để chụp selfie với hòn đá. Nhưng theo Satohiko Zensoji, một thành viên của Văn phòng Công viên Quốc gia Nikko Nasu thuộc Bộ Môi trường, tin rằng động vật hoang dã sẽ tiếp xúc với nồng độ khí độc cao hơn (so với con người), do chúng ở gần mặt đất hơn.

Trước đây, đã có những báo cáo phát hiện xác của tanuki (lửng chó) và cáo (những con cáo thực sự, chỉ có một đuôi) được tìm thấy gần hòn đá tử thần. Nhưng đây là lần đầu tiên những con lợn lòi bị hạ gục bởi "thế lực tự nhiên".

Các xét nghiệm để xem liệu những con lợn rừng có bị nhiễm dịch tả lợn hay không đã cho kết quả âm tính. Điều này càng làm tăng thêm cơ sở cho lời giải thích rằng khí độc là nguyên nhân gây ra cái chết. Xác của những con vật sau đó đã được chuyển đi và thiêu hủy.

Tham khảo Shimbum, Soranews

Bảo Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm