Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Người thách thức thời gian

07/08/2016 06:50 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - 42 tuổi, quân hàm Đại tá, từng có những phát súng trên đỉnh thế giới, vậy mà lúc này, Hoàng Xuân Vinh vẫn cứ là... niềm hy vọng lớn nhất của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Rio 2016. "Cuộc chiến" của viên Đại tá bắn súng này với thời gian, xem ra vẫn còn chưa dừng lại!

Rẽ ngang để lên đỉnh

Không phải là sản phẩm thể thao thực sự, nhưng may mà bắn súng Việt Nam không mất đi một "báu vật trời cho", nhờ Hoàng Xuân Vinh nổi lên với tài "bắn súng, bóp cò" trong màu áo lính mà anh theo. Từ khẩu súng quân dụng, năm 25 tuổi, Vinh đến với sự nghiệp đỉnh cao khi được CLB bắn súng Quân đội xin về nhờ có thành tích tốt tại giải phong trào, để cũng trong năm đó, anh ngay lập tức có mặt trong ĐTQG, rồi 1 năm sau đã là tấm HCVcùng thành tích phá kỷ lục quốc gia súng ngắn hơi 10m nam.

Hoàng Xuân Vinh
- Ngày sinh: 6/10/1974 tại Sơn Tây, Hà Tây.
- Năm 1999: 25 tuổi bắn súng chuyên nghiệp
- Năm 2000: 26 tuổi có tấm HCV và phá KLQG để được gọi vào đội tuyển quốc gia
- Năm 2001: 27 tuổi giành tấm HCV SEA Games đầu tiên
- Năm 2006: 32 tuổi tham dự ASIAD và giành HCĐ đồng đội
- Năm 2012: 38 tuổi giành HCV châu Á và giành suất chính thức tham dự Olympic London 2012
- Năm 2014: 40 tuổi giành HCV Cúp thế giới và phá KLTG nội dung súng ngắn hơi nam.


Rẽ ngang và sớm thành danh, thực ra không phải là chuyện lạ trong làng thể thao lẫn làng súng. Nhưng cái đặc biệt của Hoàng Xuân Vinh là sức thăng tiến đến chóng mặt mà có lẽ chưa xạ thủ nào có được. Tính đến nay, qua 8 kỳ SEA Games đã tham dự (2001-2015), anh đều có HCV. Không dừng ở đó, Xuân Vinh còn vươn tới tầm châu lục ở nội dung sở trường 10m súng ngắn hơi bằng tấm HCV giải vô địch châu Á 2012 và ấn tượng nhất là chức vô địch cùng kỷ lục thế giới tại Cúp thế giới vào năm 2014 trên đất Mỹ.

202,8 điểm bài bắn chung kết ở giải đấu đó đã đưa Hoàng Xuân Vinh trở thành tay súng Việt Nam thứ 2 phá được kỷ lục thế giới sau cố xạ thủ Trần Oanh. Nhưng nên nhớ, xạ thủ Trần Oanh vào năm 1962, chỉ là "vượt qua kỷ lục thế giới" ở nội dung súng ngắn ổ quay tại giải quân đội các nước XHCN tổ chức ở Plezen (Tiệp Khắc cũ).

15 năm để bước lên đỉnh thế giới ở một môn thể thao mà điểm chín của một VĐV thường phải đến tuổi 40 trở ra, đã đủ nói lên thứ tài năng thuộc vào loại hàng hiếm của xạ thủ Đại tá Hoàng Xuân Vinh.

Những tích tắc của... thất bại!

Rẽ ngang và sớm đạt được đỉnh cao theo kiểu "vượt thời gian", nhưng Hoàng Xuân Vinh không chỉ nổi tiếng có vậy. Đáng ngạc nghiên nhất lại chính là những thất bại trong tích tắc của nam xạ thủ sinh năm 1974 này, khiến anh dù đã có trọn bộ huy chương ở mọi cấp độ, nhưng vẫn chưa bao giờ được xem là hoàn hảo.

Thất bại cay đắng nhất là tại ASIAD 16 tại Quảng Châu, Trung Quốc 2010, Xuân Vinh chính là kỳ vọng vàng của đoàn thể thao Việt Nam và tưởng chừng như anh đã nắm chắc chức vô địch cá nhân nội dung súng ngắn bắn nhanh khi hơn các đối thủ tới 4 điểm ở loạt bắn cuối cùng.

Thế nhưng, một phát bắn đi ra ngoài mà sau này chính dân trong nghề phải thừa nhận... kém cả nghiệp dư đã khiến anh tụt xuống hạng... 13 chung cuộc! Kỳ ASIAD đó, may mà đoàn thể thao Việt Nam "giải khát vàng" bằng chức vô địch của nữ võ sĩ Wushu Dương Thúy Vi, không có lẽ, Xuân Vinh đã trở thành... tội đồ!


Hoàng Xuân Vinh đeo mẫu đồng hồ thể thao cao cấp mới nhất của Festina trong thời gian tập luyện cho Olympic Rio 2016

Chưa hết, đến Olympic London 2012, với tư cách xạ thủ vượt qua vòng loại thế giới để giành suất tham dự chính thức và nếu nhìn vào thành tích, Xuân Vinh có cửa để giành huy chương, nhưng lại lần nữa, phong độ phập phù ở thời điểm quyết định khiến anh kém xạ thủ giành HCĐ đúng 0,1 điểm. Cũng cần phải nhắc lại rằng, kỳ Thế vận hội đó, Xuân Vinh vẫn cứ là niềm hy vọng huy chương lớn nhất của thể thao nước nhà.

Nhiều lý do được đưa ra lý giải. Từ sức ép quá lớn về mặt thành tích tại các sân chơi mà thể thao Việt Nam đặt vào như ASIAD, Olympic; rồi điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, hay ít được cọ xát, thi đấu quốc tế... nhưng không phủ nhận, tâm lý vẫn cứ là nhược điểm của xạ thủ Quân đội này. Tại những giải đấu không chịu áp lực, anh có thể bùng nổ và ngược lại.

Cửa nào ở Rio?

Không tính Olympic Moskva 1980 đi bằng sự trợ giúp của Liên Xô cũ, tại Olympic Rio vào tháng 8 tới tại Brazil, thể thao Việt Nam lập kỷ lục với số lượng VĐV đông nhất - 23 người dự tranh 10 môn, trong đó hầu hết là các suất đi bằng "cửa chính" tức là vượt qua vòng đấu loại.

Đông là vậy, nhưng kỳ vọng thì đếm chưa đầy 1 bàn tay bởi lẽ còn một khoảng cách quá xa về chuyên môn. Không khó để nhận ra 3 niềm hy vọng lớn đó là: Thạch Kim Tuấn (cử tạ hạng 56kg nam); Hoàng Xuân Vinh (súng ngắn nam) và Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ nữ) - những cái tên đã vươn tới tầm thế giới.

Với Xuân Vinh kỳ vọng lớn nhất được đặt vào nội dung súng ngắn hơi nam khi theo bảng xếp hạng mới nhất của Liên đoàn bắn súng thế giới ISSF, xạ thủ Việt Nam xếp thứ 6 sau các tay súng của Brazil, Ukraine, Ấn Độ, Hàn Quốc và Tây Ban Nha. Thành tích của Xuân Vinh nếu nhìn từ kỷ lục quốc gia mà anh đang nắm giữ hoàn toàn có cửa để chạm tới 1 vị trí trong Top 3. Nhưng cách cửa đó chỉ được mở khi Xuân Vinh là chính mình, hoặc vượt lên chính mình mà thôi.

Hoàng Hà

Có thể bạn chưa biết?
* Dù đang là xạ thủ số 1 quốc gia, nhưng không nhiều người biết Xuân Vinh bị cận nặng và thêm bệnh suy tim.
* Thần tượng của Xuân Vinh không ai khác chính là cố xạ thủ Trần Oanh. * Câu nói được lên wikipedia: "Huy chương cũng là cách có thêm đồng tiền trang trải cuộc sống. Song, bản lĩnh chỉ đến khi người ta được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt thực sự. Đó là những cuộc đấu sức, đấu trí, là trách nhiệm với quốc gia, với chính bản thân mình"
* Từng phải mượn súng để thi đấu nhưng vẫn giành HCB Cúp thế giới tại Đức năm 2012
* Số đạn bắn tập hay số cuộc đấu cọ xát quốc tế của xạ thủ số 1 Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với các đấu thủ hàng đầu thế giới.
* Trước khi tập phải hô thật to “Tôi là vận động viên giành huy chương Olympic”, nhằm giải tỏa áp lực tâm lý.
* Lấy vợ từ năm 2000 và hiện có 1 con trai, 1 con gái, nhưng Xuân Vinh tập trung ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội nhiều hơn ở nhà.
* Cùng với người đồng đội dự Olympic là Trần Quốc Cường, Xuân Vinh phải thực hiện chế độ "2 không": Không tivi, không giải trí, để tập trung cao độ cho Rio 2016.




  


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm