U22 Trung Quốc 0-2 U22 Việt Nam: Đến Hiddink cũng khó đưa Trung Quốc đến Olympic

09/09/2019 07:11 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) – U22 Trung Quốc 0-2 U22 Việt Nam. Trận thua vỡ mặt ở Vũ Hán khiến nhiều người Trung Quốc bàng hoàng trước thực tế phũ phàng: họ đã thụt lùi quá nhanh, và Olympic Tokyo 2020 rất có thể chỉ là giấc mơ, dù ngồi trên băng ghế huấn luyện là Guus Hiddink.

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay: Trực tiếp U22 Việt Nam đấu với U22 Trung Quốc. Lịch bóng đá ngày 8/9

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay: Trực tiếp U22 Việt Nam đấu với U22 Trung Quốc. Lịch bóng đá ngày 8/9

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Trực tiếp U22 Việt Nam vs U22 Trung Quốc, U22 Trung Quốc vs U22 Việt Nam. Trực tiếp vòng loại EURO 2020. Trực tiếp giao hữu ĐTQG. Lịch bóng đá ngày 7/9, rạng sáng 8/9.

Kết quả bóng đá giao hữu quốc tế:

* U22 Việt Nam 2-0 U22 Trung Quốc

Xem lại trận đấu tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=H8iyoKl9HuQ

* Xem video clip bàn thắng U22 Việt Nam 2-0 U22 Trung Quốc TẠI ĐÂY

 

Ở Vũ Hán tối nay, U22 Trung Quốc đã hiện nguyên hình là những đứa trẻ ngờ nghệch và kém cỏi khi họ bất lực hoàn toàn trước U22 Việt Nam vốn không có được lực lượng mạnh nhất. Đội khách ghi hai bàn thắng theo cùng một kịch bản: Hồ Tấn Tài đi bóng bên cánh phải trong sự đeo bám hời hợt của hậu vệ đối phương, và Tiến Linh di chuyển hợp lý phía trong và dứt điểm 1 chạm thành bàn.

Một năm cùng Hiddink

Tháng Chín năm ngoái, ngay trước khi chính thức ký hợp đồng với CFA, HLV Guus Hiddink đã tới xem giải tứ hùng U21 quốc tế tại Vân Nam. Sau khi chứng kiến U21 Trung Quốc thắng sát nút Myanmar 1-0 và cầm hòa U21 Tajikistan, U21 Uzbekistan cùng với tỷ số 1-1, nhà cầm quân người Hà Lan nói với một nhóm phóng viên châu Âu trên sân rằng, chỉ có 6 người trong đội hình này đạt yêu cầu của ông.

Một năm qua, U21 Trung Quốc (giờ là U22) đã tiến bộ như thế nào dưới thời Hiddink? Xét về mặt kết quả, những gì các học trò trẻ của ông Hiddink đạt được không đến nỗi quá tệ, song nó lại không đủ để chứng tỏ họ đã trở lại là một thế lực của châu Á.

Tháng 10/2018, Hiddink đưa U21 Trung Quốc sang Hà Lan tập huấn, và đội bóng này đã ngợp thực sự khi thảm bại 1-5 trước Vitesse, đội bóng hạng trung cỡ SC Heerenveen của Đoàn Văn Hậu. Một tháng sau, đội bóng này đá tiếp giải giao hữu ở Ôn Châu và đạt kết quả khá tốt khi thắng U21 Thái Lan 1-0 và cầm hòa U21 Iceland (1-1), U21 Mexico (1-1). Dù chỉ là một giải đấu giao hữu, song với những thành tích ấy, người Trung Quốc lại lạc quan nghĩ về sự hồi sinh. Trong chuyến du đấu Thái Lan sau đó, U21 Trung Quốc cũng toàn thắng trước Army United (2-0) và Port FC (3-0).

Chú thích ảnh
U22 Trung Quốc suýt thua U22 Malaysia

Nhưng còn quá sớm để khẳng định rằng Trung Quốc đã tìm lại sức mạnh của mình. Màn trình diễn của họ ở vòng loại U23 châu Á là một minh chứng. Dù dễ dàng đại thắng U22 Lào (5-0) và U22 Philippines (8-0), nhưng đến khi gặp U22 Malaysia, đội bóng đã chơi rất tiến bộ trong một hai năm gần đây, các cầu thủ Trung Quốc tỏ ra lúng túng. Họ liên tục bị dẫn trước, và chỉ kiếm được 1 điểm nhờ bàn gỡ 2-2 ở những phút cuối cùng. “Không phải đối thủ mạnh, mà chúng ta yếu. U19 Trung Quốc từng thắng đậm U19 Malaysia 6-0 ở giải U19 châu Á. 4 năm sau, chúng ta ở cùng trình độ với họ”, tờ SINA nhận xét cay đắng sau trận.

Trước khi giao hữu với U22 Việt Nam, U22 Trung Quốc dự giải Toulon với thành tích 1 thắng (4-1 trước U22 Bahrain), 2 thua (1-4 trước U22 Ireland và 0-1 trước U23 Mexico). Mới nhất, ở trận đấu với đối thủ không quá mạnh là U22 Triều Tiên, họ cũng chỉ giành được kết quả 1-1.

Không bột, sao gột lên hồ?

Để mang đến thành công cho một đội bóng, HLV giỏi thôi là chưa đủ. Tài năng và kinh nghiệm của Guus Hiddink thì không ai nghi ngờ, nhưng vấn đề là nếu không có cầu thủ chất lượng thì ông cũng bó tay.

Zhang Yuning đang được xem là tài năng trẻ đáng chú ý nhất của bóng đá Trung Quốc. Chân sút 22 tuổi này trưởng thành từ đội trẻ Hàng Châu Greentown, và đang chơi khá tốt ở giải nhà nghề Trung Quốc mùa này trong màu áo Bắc Kinh Quốc An mùa này (5 bàn/18 trận), và từng kinh qua 4 CLB ở châu Âu. Nhưng thực tế, đó chỉ là những màn học việc không hơn không kém. Sau khi không trụ được ở Vitesse, Zhang bị đẩy xuống đội trẻ Jong Vitesse ở giải bán chuyên, nhưng cũng không để lại ấn tượng gì với vỏn vẹn 1 bàn sau 9 trận. Sau đó, Zhang được West Brom mua nhưng cho mượn ngay lập tức đến Werder Bremen và ADO Den Haag, nhưng tiếp tục mòn đũng quần trên băng ghế dự bị và đành phải hồi hương để cứu vãn sự nghiệp.

Chú thích ảnh
Guus Hiddink đã không thắng được người trợ lý cũ Park Hang Seo

Lin Liangming là một trường hợp tương tự. 4 năm trước, anh trở thành cầu thủ châu Á đầu tiên được Real Madrid chiêu mộ với bản hợp đồng 5 năm và mức giá 200 nghìn euro. Nhưng sau 7 trận khoác áo Real Madrid B mà không để lại ấn tượng gì, Lin bị mang cho Almeria B mượn. Hè năm nay, anh bị bán đứt cho đội hạng ba Bồ Đào Nha Gondomar, rồi lại bị đẩy cho Maritimor mượn.

Trận thua bạc nhược trước U22 Việt Nam ngày hôm qua tiếp tục chứng minh thực trạng đáng buồn của bóng đá Trung Quốc. Các cầu thủ của họ tuy có thể hình tốt, nhưng lại chơi khá ngờ ngệch, thiếu quyết liệt cũng như sự khôn ngoan. Việc cả hai bàn thua đều đến theo cùng một kịch bản khi Hồ Tấn Tài đi bóng quá dễ dàng như cánh phải và tạt vào trong cho Tiến Linh không bị kèm quá chặt dứt điểm ghi bàn. Còn ở phần sân bên kia, hai thủ thành Tiến Dũng và Văn Toản hầu như không phải làm việc gì.

Đầu năm ngoái, cựu đội trưởng đội tuyển Trung Quốc Phan Chí Nghị từng than thở: “Cứ đá như thế này, chúng ta sẽ thua Việt Nam trong tương lai”. Sau khi U19 Trung Quốc thua U19 Việt Nam trước thềm VCK U19 châu Á, một độc giả trên SINA quả quyết: “Ý kiến của Phan tiên sinh đang ngày một được chứng minh”. Bây giờ, thất bại tại Vũ Hán càng khẳng định thực trạng đáng buồn ấy.

Con đường đến Tokyo của Hiddink và các học trò chắc chắn rất gập ghềnh.

Trung Quốc vẫn không có văn hóa bóng đá

Hiddink phải chịu trách nhiệm cho trận thua vừa rồi, nhưng phải thừa nhận rằng ông đã bất lực trong việc thay đổi tư duy của những cầu thủ đã qua tuổi 20. Trung Quốc là cường quốc hàng đầu ở các môn thể thao các nhân, nhưng chỉ là kẻ học việc ở các môn thể thao tập thể. Đó là sự thực đáng buồn.

Việc gieo mầm các tài năng cũng là một trở ngại khó khăn bởi Trung Quốc không có văn hóa bóng đá, và các bậc phụ huynh cũng chẳng thiết tha cho con em mình theo học, bất chấp chủ tịch Tập Cận Bình hết sức quan tâm đến bóng đá học đường, và sẵn sàng đầu tư tiền tấn cho các dự án bóng đá trẻ.

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm