Truyền thông với Thể thao Việt Nam: Phóng viên ta đi Tây...

07/02/2016 06:33 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc hội nhập của Thể thao Việt Nam được tính chính thức từ SEA Games 15 tại Malaysia vào năm 1989 và khi đó, dù chưa thực sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, loại hình, nhưng báo chí thể thao cũng đã sớm có những bước đồng hành.

Chuyện phóng viên thể thao ta đi “Tây” (dù chỉ là trong khu vực) cũng bắt nguồn từ đó và mặc cho đủ thứ chuyện kiểu “hỉ, nộ, ái, ố”, thì cũng không thể phủ nhận, chính những chuyến đồng hành tại các sân chơi quốc tế đã giúp cả Thể thao Việt Nam lẫn báo chí thể thao trong nước cùng phát triển.

Có một thời... khổ mà sướng

Ở lần trở lại với SEA Games năm 1989, nếu như đoàn TTVN có gần 100 thành viên thì báo chí thể thao lúc ấy chỉ có 3 phóng viên đi theo đoàn. Hai năm sau, tại SEA Games 16 ở Philippines, cuộc đồng hành của báo chí với thể thao rầm rộ hơn với những phóng viên của Thể thao & Văn hóa TTXVN, Tuổi trẻ, Lao động và Thể thao TP.HCM. Bên cạnh đó còn có 1 vài nhà báo của cơ quan báo chí thể thao chuyên ngành được hưởng các suất ưu ái đi trong thành phần của đoàn Thể thao Việt Nam.


Phóng viên Việt Nam luôn cố gắng kể được nhiều câu chuyện ở mỗi kỳ Đại hội thể thao Ảnh: Bạch Dương

Đấy cũng là giai đoạn mà tác nghiệp báo chí rất thô sơ nên vất vả. Tin bài đều viết tay là chính! Hành trang của cánh nhà báo đi SEA Games, Tiger Cup thuở ấy, không thể thiếu những tập giấy A4 trắng, một mớ bút "đảm bảo có mực" để mỗi lần đi tác  nghiệp về đến trung tâm báo chí là cắm đầu ngồi viết, viết một cách thật nắn nót, ngắn gọn, đầy đủ rồi fax về tòa soạn. Đó là viết, còn với phóng viên ảnh ngoài chuyện máy móc, thiết bị, chụp ra được cái ảnh muốn gửi được về là cả bài toán nhờ vả, gửi gắm...

Một thời "đi Tây" mà ăn uống bờ bụi (và cũng nhờ thế mà tiết kiệm được chút tiền), làm việc hầu hết chỉ có đôi chân để chạy đến các điểm thi đấu, đôi tay để viết mỗi ngày hàng chục trang giấy mỗi ngày và cái đầu làm "bộ nhớ".

Phải tới những năm 1995-1997, một số đơn vị báo chí bắt đầu trang bị máy tính xách tay, gửi bài, ảnh qua email và phóng viên bắt đầu biết khai thác thông tin từ internet từ trung tâm báo chí, nhưng thực tế việc viết tay, fax bài về còn kéo dài đến tận năm 1999.

Sau này với sự bùng nổ của công nghệ, việc đi "Tây" làm báo thể thao sướng hơn nhiều, thông tin cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn. Nhưng chắc chắn, cái thời khổ cực kia có những niềm vui riêng, khi mang về nguồn thông tin dù ít ỏi nhưng quý báu cho người hâm mộ, còn bản thân các nhà báo cũng được tự rèn luyện bằng chính năng lực của mình.

Đồng nghiệp mất cắp, lạc đường, bị trấn lột cũng... lên báo

Ở cái thời gian khó ấy, đương nhiên cũng có vô khối những chuyện để cánh phóng viên với nhau... cười ra nước mắt.

Đầu thập niên 90, ít người còn nhớ, cứ được xuất ngoại là có tiêu chuẩn mua được xe máy, thứ tài sản đáng ước ao. Có phóng viên thể thao lúc ấy mà bây giờ là Tổng biên tập 1 tờ báo từng mua được chiếc xe Win đỏ với số tiền gần 1.000 USD. Ông sử dụng nó mãi rồi mới bỏ cách nay vài năm.


Đến 2005 thì báo chí hùng hậu theo đội tuyển của ông Riedl sang Philippines Ảnh: Bạch Dương

Nhưng sau này, "đi Tây" chỉ còn là cố lo cho có thẻ tác nghiệp, xin được visa, rồi nhảy lên máy bay mà nỗi lo về nơi ăn, chốn ở, đi lại vẫn còn nguyên vì bao giờ cũng thế, ngân sách rất hạn chế.

Sang đến nước ngoài, cứ lo được chỗ ở là coi như thành công, còn chuyện ăn uống, di chuyển đành theo kiểu "bụi" với chiếc ba lô trên lưng. Đi SEA Games, Tiger Cup... nhìn thấy báo nào cử người đi đông, ăn uống đầy đủ mà thấy thèm kiểu tị nạnh, chứ chưa hẳn chuyện viết hay, viết dở.

Ánh Viên lần thứ ba liên tiếp là VĐV tiêu biểu của Thể thao Việt Nam

Ánh Viên lần thứ ba liên tiếp là VĐV tiêu biểu của Thể thao Việt Nam

Với 1031 điểm, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên dẫn đầu trong TOP 10 cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu VĐV, HLV tiêu biểu năm 2015 và lần thứ ba liên tiếp được tặng giải thưởng này.


Tiếng là đi nước ngoài, nhưng lo nhất là chuyện bảo quản giấy tờ, tài sản, tiền bạc. Năm 1997 tại SEA Games 19 ở Indonesia từng được xem là đỉnh điểm, khi ấy, có không ít phóng viên đi vào sân Senayan bị móc túi mất sạch khiến anh em đồng nghiệp phải gom góp chút tiền để về.

Ngoại ngữ dĩ nhiên là cần, nhưng thời ấy, các phóng viên chỉ cần đủ vốn liếng, đi qua cửa hải quan sân bay, dùng ngôn ngữ bằng tay với tài xế taxi bản địa thế là đủ. Rồi có được thông tin gửi về cũng là chuyện khó, nên cũng thiếu cảnh dở khóc, dở cười. Cũng tại SEA Games 19, cả nhóm phóng viên trong nước từng bị chính 1 đồng nghiệp mình "bỏ bom" khi cung cấp thông tin không chính xác về kết quả thi đấu của đội tuyển bóng bàn nữ, để rồi hôm sau "ngậm ngùi" đính chính.

Tất nhiên, đi làm thì chuyện "hồn ai, nấy giữ" là chuyện dể hiểu, nhưng thời kỳ đầu, chính báo giới trong nước cũng ngại nhau không phải vì chuyện chuyên môn mà là chuyện "bêu nhau" trên mặt báo nhà qua những mẩu thông tin bên lề. Điển hình nhất là năm 1995, khi có 1 phóng viên đi Thái Lan dự SEA Games 18, đi đêm bị trấn lột bởi pê-đê (người chuyển giới), thì thông tin này xuất hiện ngay trên 1 loạt báo ở nhà.

1001 chuyện đã cũ, nhưng âu cũng là một thời để nhớ và cũng là cái thời khó quên bởi chính nhờ nó, báo chí thể thao sau này thực sự phát triển.

Tác nghiệp

Phóng viên Việt Nam

Phóng viên các nước

Di chuyển

 

Taxi, giao thông công cộng, đi bộ...

Từ 3-5 địa điểm thi đấu mỗi ngày.

Thuê xe và lái xe riêng.

2-3 địa điểm thi đấu mỗi ngày.

Khách sạn

Hotel bình dân

Hotel 5 sao

Phương tiện

Dùng ké wifi tại địa điểm thi đấu. Gửi phóng sự truyền hình 2 phút đôi khi mất 1 tiếng.

Chọn vị trí đặt máy nhờ may mắn.

Thuê hẳn đường truyền riêng. Trực tiếp qua vệ tinh.

Mua sẵn vị trí đặt máy.

Ngôn ngữ

Tự xoay xở ở nơi người dân không nói tiếng Anh.

Thuê người bản địa làm phiên dịch.

Khối lượng công việc

Tính theo trang

Tính theo bài

Nguy cơ

Hay bị lạc đường. Thi thoảng được taxi đưa đi thăm thành phố bất đắc dĩ.

Luôn có mặt sớm ở các cuộc họp báo.

Dinh dưỡng

Rất nhiều mì gói.

Rất nhiều địa chỉ nhà hàng.

Tác nghiệp

Vừa chụp ảnh, vừa viết, biên tập, thậm chí quay phim, lên hình.

Có kỹ thuật đi cùng hỗ trợ. Mỗi người chuyên trách một loại hình thông tin.

Kỹ thuật tác nghiệp

Phải có quan hệ riêng với các thành viên trong đoàn thể thao, đội tuyển.

Chỉ cần chờ email thông báo về lịch các cuộc họp báo.

Cảm xúc

Hay khóc theo các VĐV hoặc khi được nghe quốc ca.

Coi thắng thua của các VĐV là công việc thường tình.

 

Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm