Thước đo tại ASIAD

08/03/2018 07:05 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao Việt Nam bắt đầu hành trình 2018 với kỳ tích là ngôi á quân của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á. Dù vậy, sự khởi đầu thuận lợi này không đồng nghĩa với việc những khó khăn cho Thể thao Việt Nam vơi bớt phần nào trước mục tiêu vươn mình tại Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 18.

Thành bại luận anh hùng

Sau 2 kỳ SEA Games và một kỳ Thế vận hội với những thành công vượt ngưỡng của các môn thể thao Olympic, có thể khẳng định, chưa bao giờ Thể thao Việt Nam lại đứng trước cơ hội vươn lên và khát khao chinh phục ASIAD rất lớn như thời điểm hiện tại. Bởi sau thành tích rất đáng thất vọng tại 2 kỳ đại hội thể thao châu lục gần đây nhất khi chỉ có được 1 tấm HCV, nhiều bài học xương máu trong công tác đầu tư đã được ngành thể thao rút ra và có những điều chỉnh đã bước đầu đem lại hiệu quả.

Thể thao Việt Nam giờ đây đã vững vàng hơn trước những thử thách trên đấu trường quốc tế từ khu vực, châu lục cho đến thế giới nhờ xây dựng được một lực lượng VĐV tương đối hùng hậu (khoảng 70 tuyển thủ ở 20 môn thể thao), có trọng tâm trọng điểm trong hệ thống thi đấu các môn thể thao trong chương trình thi đấu ASIAD và Olympic. Điều này không chỉ đem đến thêm nhiều hi vọng tranh chấp huy chương mà còn giúp cho đoàn thể thao không rơi vào tình trạng “được chăng hay chớ” trước nhiệm vụ giành huy chương ở các sân chơi lớn.

Dù vậy, đằng sau những bước chuyển mình tại SEA Games 28, SEA Games 29 và xen giữa là một kỳ Thế vận hội thành công, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra tại ASIAD - sân chơi vị trí cao nhất của đoàn thể thao Việt Nam chỉ là vị trí thứ 15 trên bảng tổng sắp huy chương kể từ ngày hội nhập trở lại với đấu trường quốc tế. Thể thao Việt Nam không chỉ phải đáp ứng sự đòi hỏi về thành tích tại Indonesia trong tháng 8 tới để khẳng định cho sức vươn của nền thể thao, mà còn chứng minh sự đúng đắn trong việc chuyển hướng đầu tư từ “dàn trải, cào bằng” sang “trọng tâm, trọng điểm”.

Toàn lực cho mục tiêu 3 HCV ASIAD

Mục tiêu phải giành 3 HCV tại ASIAD 18 đã được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trực tiếp giao cho đoàn thể thao Việt Nam ngay từ cuối năm 2017 và trong suốt thời gian vừa qua, ngành thể thao đã tập trung phần lớn nguồn lực cho công tác chuẩn bị của các tuyển thủ. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà ngành thể thao đã xác định phải hoàn thành trong năm 2018.

Tạm biệt Thường Châu, giờ là V-League

Tạm biệt Thường Châu, giờ là V-League

Những người hùng từng sát cánh bên nhau để làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam ở VCK U23 châu Á năm 2018 bây giờ sẽ trở thành đối thủ của nhau ở sân chơi V-League.

Chỉ tính riêng nguồn kinh phí đầu tư cho lực lượng VĐV (64 người), HLV được đầu tư trọng điểm theo quyết định được phê duyệt vào cuối năm 2017, ngành thể thao chi ra số tiền khoảng 20 tỷ đồng cho chế độ ăn 400 nghìn đồng/người/ngày và tiền công tập luyện 400 nghìn đồng/người/ngày. Nếu tính thêm cả chi phí cho hơn 30 chuyến tập huấn (trong số 46 chuyến tập huấn nước ngoài trong cả năm 2018 của thể thao Việt Nam) của 19 đội tuyển thể thao quốc gia từ nay tới ASIAD có thể nhận thấy, ngành thể thao đang tập trung cơ bản nguồn kinh phí để phục vụ cho việc hiện thực hóa giành 3 HCV tại sân chơi này.

Hơn lúc nào hết, ít nhất thể thao Việt Nam cần cho thấy khả năng đột phá về thành tích so với 2 kỳ đại hội gần đây nhất, chứ chưa nói đến chuyện tái lập thành tích giành 4 HCV ở sân chơi này trước đây trong bối cảnh nền thể thao đang có những dấu hiệu phát triển hết sức tích cực.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm