Thể thao cá nhân là phù hợp cho người Việt?

17/07/2015 13:52 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Khách mời của ông chủ quán cà phê tuần này là một nhà báo thể thao, bàn về chuyện với thể thao Việt Nam thì môn thể thao tập thể và cá nhân, cái nào dễ thành công hơn.

+ Ông chủ quán: Chúng ta vừa đón nhận một vận động viên thể thao nữa đã vươn tới tầm thế giới. Là Lý Hoàng Nam với chức vô địch đơn nam trẻ Wimbledon 2015. Trước đó, chúng ta có Ánh Viên, một tài năng bơi lội được đánh giá là nằm trong số những kình ngư xuất sắc nhất lịch sử bơi Đông Nam Á, và có thể vươn tới tầm thế giới trong tương lai gần.

Rồi chúng ta cũng có Tiến Minh ở môn cầu lông từng nằm trong Top 5 thế giới. Rồi một vài đại kiện tướng cờ vua mà nổi bật là Quang Liêm. Nhưng chúng ta chưa từng có một đội tuyển nào vươn tới tầm châu lục, chứ chưa nói tới thế giới. Bóng đá hầu hết là thất bại. Chúng ta có hai đội tuyển tưởng chừng như được xuất hiện ở giải đấu tầm cỡ thế giới là U19 và tuyển quốc gia nữ nhưng rồi cuối cùng cả hai đều ở nhà theo dõi qua ti-vi.

Bóng chuyền thì nữ Việt Nam đã thua Thái Lan 8 trận liên tiếp. Bóng chuyền nam cũng 4 lần vào chung kết mà chưa một lần vô địch SEA Games. Tôi có một kết luận là chỉ ở các môn cá nhân thì Việt Nam mới có cơ may để vươn lên tầm thế giới.

- Nhà báo thể thao: Thống kê của anh khiến tôi không cãi được.


Ngoài đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương, Lý Hoàng Nam còn được đưa vào chương trình trọng điểm của Thể thao Việt Nam

+ Nhưng tôi muốn nghe anh lý giải.

- Trước tiên đó là vấn đề nền tảng. Để có được một Ánh Viên hay một Lý Hoàng Nam thì dễ hơn việc có cả một tập thể. Quốc gia nào cũng có thể có một vài VĐV đạt tới đẳng cấp thế giới ở ngay cả những môn thể thao không có truyền thống, vì một tài năng bẩm sinh có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Nó mang tính cơ may nhiều hơn.

Rồi đào tạo VĐV tiềm năng đó thành tài năng thì đầu tư cho một cá nhân cũng ít tốn kém hơn và dễ dàng hơn vì có thể đưa ra nước ngoài tập huấn hoặc họ tự đi theo những quy trình tập luyện, cọ xát,  chế độ dinh dưỡng của thế giới.

+ Và nó không phải là vấn đề của riêng thể thao, nếu như chúng ta muốn đi tới căn nguyên của vấn đề?

- Tôi liên tưởng tới việc chúng ta có một số giáo sư danh tiếng tầm cỡ thế giới, đạt giải thưởng cao quý của toán học như Ngô Bảo Châu, nhưng không phải vì nền giáo dục của chúng ta đã ưu việt. Là chúng ta có nghệ sĩ Piano có tên tuổi cỡ thế giới như Đặng Thái Sơn nhưng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam thì thiếu những cuộc công diễn lớn và chưa tạo ra tiếng vang thực sự ra ngoài châu lục.  

+ Anh có nghĩ là có vấn đề về tính cách, đặc trưng của người Việt ở đây không?

- Với các lĩnh vực khác thì tôi không biết. Nhưng với thể thao thì có. Môn thể thao đồng đội cần kỹ năng, tinh thần tập thể, vì cái chung không chỉ của các VĐV, trong khi đây là hạn chế của thể thao Việt Nam. Ngay với cả Hoàng Nam, cậu ta đã trở thành nạn nhân của việc tranh giành, tạo ảnh hưởng. Nếu quần vợt thế giới cũng có nguyên tắc hoạt động như bóng đá thì Hoàng Nam đã “toi” rồi.

Đó là tôi muốn nói tới việc Hoàng Nam từng bị kỷ luật vì không tập trung với đội tuyển quần vợt đấu Davis Cup năm ngoái. Nhưng Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) hay Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp (ATP) không bao giờ can dự vào vấn đề tranh cãi của một tay vợt với Liên đoàn quốc gia, trừ phi đó là vấn đề chuyên môn.

Bóng đá Việt Nam thì chúng ta có những đội tuyển thất bại vì trình độ của lứa cầu thủ đó không tốt, nhưng cũng có những đội tuyển thất bại vì thiếu tính tập thể, từ mâu thuẫn phe nhóm cho tới cả vấn đề bán độ.

Ngay cả trong đội tuyển quần vợt Việt Nam tham dự một kỳ Davis Cup được cho là cực kỳ thành công vừa rồi thì cuối cùng cũng tòi ra những mâu thuẫn giữa các VĐV với HLV và đại diện của Liên đoàn quần vợt. Nó sẽ có những tác động nghiêm trọng tới sức mạnh đội tuyển quần vợt sau này.

+ Vậy thì chúng ta chỉ nên đầu tư vào các môn thể thao cá nhân?

- Tôi cho rằng chúng ta cần tập trung đầu tư hơn nữa vào các môn thể thao cá nhân thì đúng hơn. Chương trình đầu tư trọng điểm đã và đang thực hiện cũng xoay theo hướng này. Đó là điều đáng mừng và chúng ta đã gặt hái được một số thành công, là sự xuất hiện và trưởng thành của một số những VĐV bắt đầu đạt tới đẳng cấp châu lục và có thể vươn tới tầm thế giới nếu tiếp tục được đầu tư tốt hơn nữa. Ngoài Ánh Viên thì có Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Phương Thành, Hà Thanh (thể dụng dụng cụ), Quý Phước (bơi)…

+ Hoàng Nam là đầu tư của doanh nghiệp. Cậu ấy có nên nằm trong chương trình đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam không?

- Tôi nghĩ là có. Nhưng tôi cho rằng đơn vị chủ quản của cậu ấy là Becamex Bình Dương sẽ từ chối, trừ phi họ có khó khăn về tài chính (nhưng Becamex Bình Dương thì không thiếu tiền). Vì cùng là thể thao cá nhân, nhưng tennis lại có đặc thù. Những sự can thiệp về chuyên môn, những tranh cãi về hướng đi, sự lựa chọn của các chương trình đầu tư, tập huấn sẽ làm thui chột tài năng của Hoàng Nam.

Điều này đã xảy ra với cả những quốc gia phát triển, có trình độ và con người quản lý phát triển và văn minh. Ai cũng muốn và thấy quần vợt của Việt Nam phải thay đổi, nhất là sau thành công của Hoàng Nam, nhưng thay đổi hay không lại là việc khác. Quần vợt Việt Nam đang có những nhân tố trẻ tài năng khác ngoài Hoàng Nam, trẻ hơn Hoàng Nam.

Cần một đánh giá chính xác và công bằng (loại bỏ hoàn toàn yếu tố quen biết) mức độ tài năng của họ để xây dựng một chương trình trọng điểm riêng cho tennis. Tạo ra nhiều các tài năng trẻ của một bộ môn sẽ giúp chúng ta tránh đối diện với khó khăn tương tự của môn cầu lông chỉ có duy nhất một Tiến Minh thời gian qua.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm