'Sự việc Trịnh Văn Vinh là bài học cho tất cả'

02/03/2019 05:53 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sự việc lực sỹ Trịnh Văn Vinh dính doping không chỉ làm rúng động dư luận mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của Thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế. PV TT&VH vừa có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao II - Tổng cục TDTT để thông tin cụ thể hơn về sự việc, cũng như quy trình xử lý từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới đây.

Dính doping, á quân cử tạ Asiad 2018 Trịnh Văn Vinh có thể bị cấm thi đấu 8 năm

Dính doping, á quân cử tạ Asiad 2018 Trịnh Văn Vinh có thể bị cấm thi đấu 8 năm

Làng thể thao trong nước đang thực sự rúng động trước thông tin mẫu thử của lực sỹ Trịnh Văn Vinh thuộc đội tuyển cử tạ quốc gia có phản ứng dương tính với doping. Một án phạt rất nặng từ Liên đoàn Cử tạ thế giới đang chờ đợi lực sỹ này trong thời gian tới đây.

- Thưa ông, vừa qua thông tin lực sĩ Trịnh Văn Vinh đã bị phát hiện doping theo thông báo mới đây của Liên đoàn cử tạ quốc tế (IWF), ông cho biết hiện trạng của câu chuyện này là như thế nào?

+ Sau khi có thông báo về việc lực sĩ Trịnh Văn Vinh dính doping theo kết quả mẫu thử A của Ủy ban Phòng chống doping thế giới (WADA) và Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF), chúng tôi đã lập tức yêu cầu Liên đoàn Cử tạ Việt Nam, bộ môn Cử tạ, VĐV và HLV giải trình vấn đề này.

Việc giải trình được các bên liên quan tiến hành, dựa trên căn cứ đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Olympic Việt Nam giải trình với đơn vị liên quan để gửi tới các tổ chức quốc tế. Quyết định cuối cùng về sự việc thuộc về WADA và IWF.

- Đây là sự việc hết sức đáng tiếc, song trách nhiệm trong việc Trịnh Văn Vinh dính doping sẽ thuộc về ai, về vận động viên, đơn vị địa phương hay thuộc về của cơ quan quản lý nhà nước?

+ Sau khi Trịnh Văn Vinh giành HCB ASIAD 18 với kết quả thử doping âm tính, VĐV này được trả về địa phương là đoàn thể thao Công an Nhân dân để thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc VIII.

Trong quá trình thi đấu tại ASIAD 18 cũng không có trường hợp VĐV nào của đoàn TTVN bị phát hiện sử dụng doping. Phía Tổng cục TDTT có một bộ phận chuyên kiểm tra các VĐV, nhất là những VĐV trọng điểm điểm được đầu tư để thi đấu các giải quốc tế lớn. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra giám sát, giáo dục, nhắc nhở VĐV, HLV không sử dụng các chất doping và các HLV, VĐV đều nắm rõ yêu cầu này.

Toàn bộ thuốc, thực phẩm chức năng VĐV sử dụng đều phải thông báo lại cho bên phòng chống doping của Việt Nam. Sau ASIAD 18, Trịnh Văn Vinh tập trung chuẩn bị cho Đại hội thể thao toàn quốc VIII, chúng tôi đã yêu cầu VĐV và HLV đơn vị chủ quan phải giải trình đã dùng loại thuốc gì, dùng vào thời điểm nào, lý do tại sao lại dùng...

Dù chưa có được kết luận cuối cùng nhưng rõ ràng sự việc xảy ra là bài học lớn cho tất cả.

Chú thích ảnh
ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao II - Tổng cục TDTT

- Trịnh Văn Vinh không phải là VĐV đầu tiên ở môn cử tạ của Việt Nam dính doping và khi xảy ra các trườn hợp sử dụng doping, dư luận thường liên tưởng đến căn bệnh thành tích, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận về việc này, tuy nhiên bệnh thành tích cũng là một trong những nguyên nhân chính dính doping. Với thể thao Việt Nam, vấn đề phòng chống doping luôn được quan tâm đặc biệt bởi doping làm ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của cả nền thể thao.

Chúng tôi đang chờ đợi các bên liên quan giải trình để kết luận nguyên nhân từ đâu, tại sao, từ vận động viên hay từ HLV, có thể vô tình, có thể cố ý… Trước đây, thể thao Việt Nam có trường hợp VĐV Đỗ Thị Ngân Thương ở môn thể dục khi thi đấu tại Olympic 2008 cũng bị dính doping do tự ý uống một loại thuốc lợi tiểu để giảm cân mà không hỏi ý kiến bác sỹ.

Loại thuốc này nằm trong danh mục chất cấm nhưng không nhằm nâng cao thành tích. Để đưa ra kết luận chính xác nhất về trường hợp Trịnh Văn Vinh cần có thêm thời gian và chúng tôi sẽ sớm thông tin tới dư luận về vấn đề này.

- Trong những năm gần đây, WADA nói chung và IWF rất mạnh tay với các quốc gia sử dụng doping. Điều này có thể dẫn đến một án phạt nghiêm khắc với Trịnh Văn Vinh và sẽ tác động như thế nào tới cử tạ Việt Nam?

Môn cử tạ và thể hình là những môn có nhiều trường hợp sử dụng doping trên thế giới bị phát hiện, vì thế, các tổ chức quốc tế rất mạnh tay khi đưa ra các án phạt. Có thể nhận thấy điều này qua các án phạt đối với VĐV cử tạ ở các nước châu Á ngay cạnh chúng ta như Trung Quốc hay Thái Lan thời gian vừa qua.

Để phòng chống doping, các tổ chức quốc tế yêu cầu gửi cho họ lịch tập luyện, thi đấu ở chỗ nào hàng tháng. Họ có thể đi kiểm tra đột xuất mà không thông báo trước và có kiểm tra tất cả các vận động viên. Việt Nam đã tuân thủ rất tốt quy định này và sau trường hợp của Hoàng Anh Tuấn dính doping năm 2010 thì đến nay mới lại xảy ra.

Về án phạt cho Trịnh Văn Vinh, WADA và IWF sẽ đưa ra quyết định sau khi xác định rõ nguyên nhân, lý do, mục đích sử dụng chất cấm. Mức án nặng hay nhẹ cũng có thể tùy thuộc vào loại chất cấm có mang mục đích nhằm gian lận thành tích hay không.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi

Vũ Lê (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm