Sinh nhật buồn của Thể thao Việt Nam

13/03/2020 06:10 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Hệ thống thi đấu quốc gia bị tê liệt. Kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế của nhiều đội tuyển quốc gia bị hủy bỏ. Hàng loạt sự kiện chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống Thể thao Việt Nam 27/3 bị hoãn lại. Tất cả đều do dịch bệnh Covid-19 và chưa bao giờ thể thao nước nhà trải qua một ngày sinh nhật với nhiều nỗi buồn và sự lo lắng đến thế.

Thể thao Việt Nam điêu đứng vì Covid-19

Thể thao Việt Nam điêu đứng vì Covid-19

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành thể thao quyết định tạm dừng tổ chức nhiều hoạt động thi đấu và tập huấn cho đến hết tháng 3. Riêng với V-League, giải đấu vẫn được phép tổ chức nhưng trên sân không có khán giả.

Thể thao tê liệt, bóng đá không khán giả

Toàn bộ các giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia ở nhiều môn thể thao ở mọi lứa tuổi đều bị hoãn lại trong tháng 3 do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, mặc dù tình trạng này đã kéo dài kể từ sau đầu tháng 2. Thống kê sơ bộ theo kế hoạch hoạt động hàng tháng của Tổng cục TDTT, đã có tới ít nhất 13 giải đấu thể thao thành tích cao, 5 lớp tập huấn nghiệp vụ trọng tài cấp quốc gia đã bị hoãn lại. Kế hoạch tập huấn quốc tế của 9 ĐTQG các môn cũng đã buộc phải điều chỉnh do việc xuất cảnh tới các vùng có dịch đem tới nhiều nguy cơ không an toàn.

Sự đình trệ về công tác tổ chức thi đấu, hoạt động chuyên môn ở các môn thể thao trong hệ thống quốc gia đã khiến hoạt động của Thể thao Việt Nam hoàn toàn tê liệt kể từ thời điểm sau Tết Nguyên đán và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự chuẩn bị chuyên môn của rất nhiều các VĐV, HLV trên toàn quốc. Dù vậy, đây là việc làm bất khả kháng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh và đảm bảo sự an toàn sức khỏe cho các đối tượng tham gia.

V-League - giải đấu nhận được sự quan tâm lớn nhất của đông đảo người hâm mộ dù đã khởi tranh song không khí khá ảm đạm, do các SVĐ buộc phải đóng cửa không đón khán giả. Việc trì hoãn V-League cũng như các giải đấu khác trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp không thể kéo dài hơn nữa, bởi sẽ ảnh hưởng, gây xáo trộn tới kế hoạch của các ĐTQG, đồng thời, đem đến nhiều khó khăn cho các CLB trong bối cảnh nguồn kinh phí của đa phần các đội bóng đều hết sức hạn hẹp.

Bóng đá Việt Nam chưa bao giờ đối diện với nhiều khó khăn như hiện tại, trong bối cảnh hầu hết các đội bóng đều không thể tự trang trải kinh phí hoạt động. Sự sống còn của đa phần CLB phụ thuộc vào nguồn tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp mà tất cả đều đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn do sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Dù vậy, qua diễn biến ở vòng đấu đầu tiên, vẫn có những tín hiệu tích cực được phát đi trên sân cỏ cả nước khi các đội bóng cho thấy sự chuẩn bị tốt về chuyên môn và hứa hẹn một mùa giải với nhiều cuộc đua tranh hấp dẫn ở 2 đầu bảng xếp hạng.

Ảnh hưởng thành tích, chỉ tiêu tại Olympic

Chỉ tiêu chuyên môn với 20 suất tham dự Olympic 2020 mà Thể thao Việt Nam đặt ra cũng đang đối diện với nguy cơ không thể hoàn thành khi hàng loạt giải đấu quốc tế tranh suất tới Tokyo đã bị hoãn lại do dịch bệnh bùng phát ở nhiều quốc gia châu Âu và châu Á. Tính đến trung tuần tháng 3, thể thao nước nhà mới có 5 vé tới Olympic và người mới nhất được điền tên vào danh sách là võ sỹ Nguyễn Văn Đương ở môn quyền Anh (hạng 57kg nam).

Chú thích ảnh
Dù vẫn được tổ chức, nhưng ở những vòng đấu đầu tiên V-League 2020 phải đóng cửa tất cả các sân. Ảnh: Hoàng Linh

Thành tích của Nguyễn Văn Đương vừa giành được là cột mốc lịch sử ở môn thể thao này, bởi phải chờ đợi tới 32 năm kể từ ngày tay đấm Đặng Hiếu Hiền giành quyền tham dự Olympic Seoul vào năm 1988, quyền Anh Việt Nam mới có một đại diện tới được với sân chơi Thế vận hội. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh, Thể thao Việt Nam có đủ mọi lý do để lo lắng, khi mới chỉ có 4 VĐV giành vé tới Tokyo là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (bơi), VĐV Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), 2 cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt - Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung).

Theo tính toán, trong tháng 3, có ít nhất 9 giải đấu quốc tế mà Thể thao Việt Nam cần góp mặt tham dự ở các môn bắn súng, thể dục dụng cụ, Taekwondo, Judo, quyền Anh, bắn cung nhằm tìm kiếm cơ hội tham dự Olympic, song rất khó để có thể hoàn thành kế hoạch này. Đơn cử như trường hợp giải bắn súng Cúp Thế giới ở Ấn Độ (dự kiến diễn ra từ 14 đến 20/3) cũng đã bị hoãn lại khi rất nhiều xạ thủ của các quốc gia không tham dự khiến giải đấu không đạt tiêu chuẩn để Liên đoàn Bắn súng thể thao quốc tế cấp suất dự Olympic.

Việc giải đấu này không diễn ra, khiến toàn bộ quá trình tập huấn tại Hàn Quốc của ĐTQG bắn súng trước đó trở nên vô nghĩa. Thậm chí, cả ĐTQG bắn súng gồm cả xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sau khi trở về từ Hàn Quốc cũng đã phải đi cách ly tập trung tại Bắc Giang trong thời gian 2 tuần theo quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Việc không thể tham dự các giải đấu tìm kiếm tấm vé dự Olympic sẽ khiến cơ hội tới Tokyo của nhiều VĐV trở nên mong manh hơn và tác động trực tiếp tới chỉ tiêu giành 20 suất của Thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng. Nếu không có gì thay đổi, các giải đấu tính điểm hoặc tranh vé dự Olympic sẽ kết thúc vào tháng 6 và như vậy, Thể thao Việt Nam sẽ chỉ còn 3 tháng để hoàn thành nhiệm vụ giành 20 vé.

Sinh nhật buồn ở tuổi 74

Kế hoạch tổ chức tháng hoạt động thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống Thể thao Việt Nam 27/3 đã bị hoãn lại vô thời hạn trên quy mô toàn quốc. Toàn bộ kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động này từ địa phương tới trung ương với sự tham dự của nhiều người tạm thời không thể diễn ra do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Đây là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng mà ngành thể thao vẫn tổ chức hàng năm nhằm khích lệ tinh thần, truyền cảm hứng và kêu gọi toàn dân tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe. Đây cũng là lần đầu tiên sau 5 năm sự kiện diễn ra đồng loạt, cùng thời điểm tại các xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân không được tổ chức theo đúng kế hoạch do sự ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngành thể thao đang đối diện với rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp cả trong nước và quốc tế. Việc hoãn, hủy và điều chỉnh toàn bộ lịch thi đấu, tập huấn đến các hoạt động chuyên môn khác là điều bắt buộc, nhằm tuân thủ đúng quy định phòng, chống dịch mà các cơ quan chức năng yêu cầu. Hơn lúc nào hết, ngành thể thao rất cần sự chia sẻ và hỗ trợ từ chính những người trong cuộc để có thể vượt qua mọi khó khăn và sẵn sàng trở lại với quyết tâm, sự chuẩn bị tốt nhất khi mọi thứ trở lại bình thường.

Theo HLV trưởng đội tuyển bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung cho biết: "Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường về Hà Nội vàp tối 11/3. Kết quả kiểm tra y tế của cả hai đều bình thường. Tuy nhiên, do về từ vùng dịch, họ phải thực hiện cách ly theo quy định tại Bắc Giang".

Trước đó, Xuân Vinh và Quốc Cường tập huấn tại Hàn Quốc để chuẩn bị cho Cup bắn súng thế giới tại Ấn Độ, tranh vé dự Olympic 2020. Do Covid-19, giải lùi ngày khai mạc tới tháng 5, thay vì tháng 3 như kế hoạch ban đầu. HLV Nguyễn Thị Nhung nói thêm. "Nếu kiểm tra sau cách ly cho thấy hai xạ thủ này bình thường, họ sẽ trở về Hà Nội để tiếp tục tập luyện, chờ ngày thi đấu".

Hoàng Xuân Vinh hiện tại chưa có suất dự Olympic 2020 và Cúp bắn súng thế giới tại Ấn Độ được xem là cơ hội cuối cùng để xạ thủ Quân đội này có thể đoạt vé tới Tokyo, sân chơi mà 4 năm trước anh từng giành HCV nội dung 10m súng ngắn hơi nam và 1 HCB 10m súng ngắn bắn chậm.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm