Sinh diệt vì Chernobyl

06/10/2019 12:43 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Vào sáng thứ Bảy, ngày 26/4/1986, một chiếc trực thăng đậu trên mặt sân của câu lạc bộ bóng đá Pripyat ở miền Bắc Ukraine. Sự xuất hiện của nó gây ngạc nhiên với các thành viên của đội bóng này, họ đang chuẩn bị cho trận bán kết Cúp quốc gia với Borodyanka vào chiều tối ngày hôm đó.

Ngắm nhan sắc của nữ MC thể thao bị trêu chọc vì quá nóng bỏng

Ngắm nhan sắc của nữ MC thể thao bị trêu chọc vì quá nóng bỏng

Bị trêu chọc vì có thân hình quá nóng bỏng, nữ MC Diletta Leotta đã có cách đáp trả rất chuyên nghiệp và được đánh giá cao.

Những người đàn ông mặc bộ đồ bảo vệ và mang theo máy dò phóng xạ bước nhanh ra khỏi trực thăng. Khi các máy dò phát ra tiếng cảnh báo bằng âm thanh, những người này thông báo cho các cầu thủ bóng đá rằng, trận đấu sẽ không được diễn ra. Đã có một sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Vladimir Ilyich Lenin gần đó, còn được gọi là Chernobyl.

“SVĐ cũng quan trọng như nhà máy điện hạt nhân”

Pripyat là thị trấn nằm ở giao lộ giữa nhà máy điện hạt nhân và thành phố Chernobyl. Được thành lập vào năm 1970, đây là một thị trấn nguyên tử hiện đại và tiến bộ, được lập ra để làm đại diện cho cuộc cách mạng điện hạt nhân của Liên Xô - quốc gia hiện không còn tồn tại với 15 nước cộng hòa bao gồm Nga và Ukraine.

Nó cũng có một đội bóng đá được gọi là FC Stroitel Pripyat. “Stroitel” ở đây có nghĩa là người xây dựng, vì câu lạc bộ được thành lập bởi những công nhân xây dựng nhà máy Chernobyl và cư dân thị trấn Pripyat, với sự bảo trợ của Vasily Kizima, giám đốc công trình. Chúng ta nhớ rằng, thể thao luôn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội Liên Xô và được nhà nước đưa vào cuộc sống hàng ngày của công dân.

“Tôi có những người làm việc trong bốn ca, và ở đó, không có nơi nào để họ đi và nghỉ ngơi cả” Kizima giải thích, “Không có gì tốt hơn là để họ xem bóng đá và uống bia”.

Nhưng mặt sân Pripyat khá tệ và bị bao quanh bở​​i các khu dân cư, với một căn phòng nhỏ dành cho việc thay đồ và một giá treo bằng gỗ. Từ sân đấu này, có thể nhìn thấy những ống khói cao ngất ngưởng của Lò phản ứng số 4 của Chernobyl.

Dù chỉ là CLB chơi ở giải hạng 5 nghiệp dư trong hệ thống bóng đá của Liên Xô trước đây, nhưng sân đấu luôn chật kín khán giả đến xem. “Ở Pripyat, mọi người đều yêu thích bóng đá”, cựu hậu vệ Alexander Vishnevsky hồi tưởng trên nhật báo Thể thao Liên Xô, “mỗi trận đấu luôn có tới 2000 người tới theo dõi”.

Chernobyl đi vào hoạt động năm 1977 và Pripyat bắt đầu tham gia vào hệ thống bóng đá Liên Xô như một kết quả tất yếu. Valentin Litvin, cầu thủ trẻ nhất của đội bóng lúc ấy vẫn còn đang đi học, anh là thành viên trong gia đình có 6 anh em, và tất cả họ đều được sinh ra ở ngôi làng Chistogalovka gần đó và đều chơi bóng rất cừ.

“Tôi nhớ có lần trong một tiết học hồi lớp 9”, Litvin nói chuyện với phóng viên của kênh Khám phá Chernobyl, “Đó là lần kiểm tra đại số và tôi sẽ phải ra sân trong một trận đấu lúc đó. Giáo viên của chúng tôi nhìn ra cửa sổ và nói, "Họ đang đợi ai vậy, chiếc xe buýt và những người đàn ông kia? Cô đã không biết rằng, họ đang đợi tôi, một cậu nhóc còn đang đi học”.

Chú thích ảnh
CLB FC Pripyat đang chuẩn bị cho trận bán kết Cúp Ukraine 1986 thì thảm hoạ xảy ra, mãi mãi thay đổi số phận của họ

Năm 1978, sau khi tốt nghiệp ra trường, Litvin bắt đầu làm kỹ sư tại Chernobyl. Giống như hầu hết các cầu thủ Pripyat, anh được trả một khoản trợ cấp bóng đá nhỏ khoảng hai rúp và 50 kopeck (trị giá khoảng hơn 4 USD ngày nay) nếu ra sân trong các trận cấp quận và năm rúp (6,50 USD) cho các trận đấu trong khu vực.

Pripyat đã nhanh chóng thăng lên hạng 4 của giải chuyên nghiệp. Năm 1981, họ bổ nhiệm cựu tiền đạo Liên Xô Anatoliy Shepel, một nhà vô địch lẫy lừng của Dynamo Kiev, làm HLV. Năm 1986, CLB bắt đầu nghĩ xa hơn với việc xây dựng một SVĐ mới với tên gọi Avangard, với cơ sở vật chất tốt hơn, đèn chiếu theo tiêu chuẩn, với sức chứa khoảng 11.000 người. Cùng lúc với sự phát triển của CLB, các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng lên kế hoạch xây dựng lò phản ứng thứ năm tại Chernobyl. “SVĐ cũng quan trọng đối với thành phố như lò phản ứng hạt nhân vậy”, ông Vasily Kizima nói.

Thảm hoạ đột ngột đến

Avangard dự kiến ​​sẽ chính thức mở cửa vào ngày 1/5/1986, trước đó, Pripyat sẽ trận bán kết với Borodyanka vào ngày 26 tháng 4. Tất cả họ đều háo hức chờ đón sự kiện này, và đâu biết rằng một thảm họa đang ập tới và thay đổi cuộc sống của họ vĩnh viễn.

Vào lúc 1 giờ 23 phút sáng hôm đó, lò phản ứng hạt nhân số 4 của Chernobyl đã phát nổ. Người dân ở Pripyat nhìn thấy một tia sáng và nghe thấy một tiếng nổ lớn, trong bóng đêm, những đám cháy lớn soi sáng một khu vực rộng lớn, lính cứu hỏa được điều động tới đó ngay lập tức.

Đây không phải là sự cố đầu tiên tại Chernobyl, trước đó vào năm 1982, hạt nhân đã phát xạ không kiểm soát, nhưng người ta cho rằng nó sẽ sớm kết thúc. Người dân địa phương đứng bên ngoài để theo dõi đám cháy suốt đêm và không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình đã bị đảo lộn hoàn toàn. Họ mua sắm khi mặt trời mọc và hướng đến trận đấu lớn của Pripyat, mà không biết tình thế nghiêm trọng đến mức nào.

Valentin Litvin đã ở cùng với gia đình tại Yampol cách đó vài dặm. Lúc đó, vợ ông đang ở bệnh viện ở Pripyat do những biến chứng sau khi sinh đứa con thứ hai và ông trở về Pripyat để tập luyện cùng các đồng đội như kế hoạch, cho đến khi bị cảnh sát chặn lại ở lối vào thị trấn. “Tôi hỏi họ chuyện gì đã xảy ra, nhưng họ không biết gì cả”, ông nhớ lại “Vì vậy, tôi vòng qua cầu để đến sân vận động”.

Chú thích ảnh
Sân bóng của FC Pripyat ngày xưa, nay chỉ còn là chốn hoang tàn

Tất cả họ đều không biết rằng Chernobyl đã trải qua vụ tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Dấu hiệu thực sự duy nhất cho thấy có gì đó không ổn là cảnh các phương tiện di chuyển chậm từ nhà máy, phun thuốc khử trùng trên các con đường. Pripyat sẽ không được sơ tán trong 36 giờ tới.

Và từ đây mọi thứ bắt đầu hỗn loạn. Mức độ bức xạ nền đã rất cao. Các phương tiện di chuyển người ra khỏi khu vực nguy hiểm này đã không thể vào thị trấn cho đến trưa ngày hôm sau. Tất cả các cư dân của thị trấn đều không được biết chuyện gì sắp xảy đến với mình. Họ đã bị chia cắt nhau, bị phân tán khắp khu vực xung quanh, và nhiều người đã thiệt mạng trong vụ nổ này.

Ngày nay, sân Avangard không được phép sử dụng nhưng trở thành một điểm thu hút khách du lịch khác thường. Tự nhiên đang cố gắng làm sạch bầu không khí bên trong nó. Một trong số những khách du lịch đến đây có Valentin Litvin, ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn chơi bóng và làm trọng tài cho các trận đấu địa phương. Đó cũng là lần đầu tiên ông trở lại Pripyat.

Thảm họa Chernobyl đã phóng thích vật liệu phóng xạ nhiều hơn ít nhất 400 lần so với vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima. Một khu vực loại trừ 19 dặm được thành lập xung quanh nhà máy và người dân Pripyat không bao giờ được phép trở về nhà của họ, và buộc phải chuyển tới sinh sống ở thị trấn Slavutych cách đó 40 km.

Khoảng 600.000 người dân thị trấn cả đàn ông và phụ nữ đã tham gia vào việc dọn dẹp, đây là công việc dũng cảm và nguy hiểm. Họ phải mang theo áo chống bức xạ để hạn chế phơi nhiễm.

Dự án làm sạch Chernobyl dự kiến kết thúc vào năm 2065 và các chuyên gia tin rằng khu vực loại trừ sẽ bị ô nhiễm trong 3.000 năm nữa.

Nhật Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm