Qủa bóng Vàng: Từ thế giới đến Việt Nam

11/01/2015 21:34 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Từ cuộc bầu chọn Qủa bóng Vàng FIFA, liên hệ với cuộc bầu chọn Qủa bóng Vàng Việt Nam. Chủ đề với nhà báo Hồng Ngọc trong chầu Cà phê tuần này.

Cà phê thể thao: Trước mỗi dịp bầu chọn và công bố giải thưởng Qủa bóng Vàng FIFA là một chiến dịch truyền thông nhộn nhịp của báo chí thể thao và lễ trao giải luôn được hẹn ngày từ trước. Nhưng cuộc bầu chọn Qủa bóng Vàng Việt Nam thì không được “may mắn” như thế. Nó trầm lắng hơn, thất thường hơn, và có khi… bỏ qua. Anh có thấy chạnh lòng không, anh Hồng Ngọc?

Hồng Ngọc: Phép so sánh này nói theo cách của người xưa giống như “đem quạ đen sánh với phượng hoàng”. Một đằng là đỉnh cao của bóng đá toàn thế giới, có lịch sử chuyên nghiệp hóa hàng thế kỷ, và cuộc bầu chọn có lịch sử nửa thế kỷ, được khai sinh bởi một tờ tạp chí bóng đá số 1 thế giới, ở khu vực trung tâm của văn minh và của bóng đá thế giới. Một đằng là của một nền bóng đá quốc gia thuộc "vùng trũng", có lịch sử bán độ dài hơn lịch sử chuyên nghiệp hóa hình thức, và cuộc bầu chọn mới được 2 thập kỷ, được khai sinh bởi một tờ báo của một thành phố, ở một quốc gia vẫn còn tìm kiếm định nghĩa riêng của mình về nền kinh tế thị trường....

Hiển nhiên, khi nhìn lên toàn là… đấng trên cao, nhìn xuống thì căng mắt mới thấy người dưới mình, ai mà không chạnh lòng. Nhưng lại tự nhủ rằng xã hội nào thì nền bóng đá ấy, thế là lại… an lòng sống tiếp. Có khi lại còn được viết tiếp cho “AQ chính truyện”: dù sao thì bóng đá là lĩnh vực mà dân ta thoải mái phê phán, chỉ trích quan chức nhất, và khi bỏ lá phiếu, người bầu chọn được biết rõ người mình chọn là ai chứ không phải chỉ qua vài dòng lý lịch trích ngang.

Nhưng đi sau thì càng có điều kiện để học hỏi người đi trước chứ? Tất nhiên chúng ta không thể mang Messi, Ronaldo về Việt Nam để bầu chọn được, nhưng chả  lẽ không thể cố định được thời điểm bầu chọn và lễ trao giải Qủa bóng Vàng Việt Nam trong năm?

Về lý thuyết là đi sau có điều kiện học hỏi hơn người đi trước, nhưng vấn đề là người ta có muốn học hỏi, và quyết tâm học hỏi không. Tôi đọc ở đâu đó một câu như thế này: người giàu luôn luôn học hỏi, còn người nghèo thì cho rằng mình biết tất cả. Chính vì cho rằng mình biết tất cả nên không học hỏi nữa, và vì thế mà người ta tiếp tục nghèo. Việc học hỏi người đi trước phải bắt đầu từ thái độ, ý thức rằng mình còn kém, còn lạc hậu nên phải học hỏi. Học tối quan trọng ở thực hành. Thực hiện những điều mình đã học mới là điều khó nhất, đặc biệt khi nó trái với những thói quen, sở thích đã gắn bó với mình. Đó là khi người ta phải chiến thắng chính mình, điều khó nhất như cách nói của Đức Phật.

Tôi đồng ý với bạn rằng để tăng giá trị và tính chuyên nghiệp của cuộc bầu chọn Qủa bóng Vàng Việt Nam, nó phải được tổ chức thường niên mà chỉ có những lý do nghiêm trọng như kiểu chiến tranh mới có thể hủy ngang, và cũng cần cố định vào một ngày hay một tuần nào đó trong năm. Bóng đá, cũng như cuộc sống, có chu kỳ của nó, nên cuộc bầu chọn cần phải bám vào chu kỳ ấy. Việc cố định thời điểm bầu chọn là rất thuận tiện cho việc truyền thông cũng như tìm kiếm tài trợ. Tôi tin là những người tổ chức cuộc bầu chọn này cũng ý thức được điều đó.

Vậy sao họ không thực hiện được. Theo anh liệu có những yếu tố khách quan cản trở việc này không?

Để cố định lịch trình, người ta cần có quy trình, kế hoạch, và tiến độ làm việc chính xác, mà không có nhiều tổ chức ở Việt Nam thực hiện được việc này. Phần lớn làm việc theo kiểu cứ làm cho đến khi nào xong thì mới biết là xong. Vì vậy đành phải đợi đến khi nào mọi việc được thu xếp ổn thỏa mới có thể xác định được lịch trình của công đoạn cuối: hoàn tất thủ tục.

Nếu cuộc bầu chọn này bắt đầu bằng một sáng kiến cá nhân hoặc việc tổ chức bị lệ thuộc vào một cá nhân, nó sẽ bị trục trặc khi cá nhân đó có vấn đề về sức khỏe hoặc chuyển công tác.

Những cuộc bầu chọn, đặc biệt là lễ trao giải như thế này thường khá tốn kém nên cần có nhà tài trợ. Có khi vì chưa tìm được nhà tài trợ hoặc đủ tài trợ nên phải lui lại. Thậm chí không tìm được nhà tài trợ thì phải hủy bỏ. Nếu không được gắn kết bằng một hợp đồng tài trợ dài hạn, việc nhà tài trợ xa lánh là điều dễ hiểu khi bóng đá nước nhà trải qua một năm ảm đạm, và nhất là lại bồi thêm lý do khó khăn kinh tế như năm 2013.

Không cố định thời điểm bầu chọn và trao giải là một nguyên nhân quan trọng khó tìm tài trợ. Nhưng thiếu tài trợ ổn định thì lại càng khó thực hiện việc cố định thời điểm bầu chọn và trao giải. Như một vòng luẩn quẩn vậy. Theo anh có giải pháp nào để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn đó không?

Có, nhưng không chỉ lệ thuộc vào nhà tổ chức. Trước tiên, nhà tổ chức phải xác định rằng đây là việc cống hiến cho nền bóng đá nước nhà, dù kiếm được hay không, ít hay nhiều tài trợ thì vẫn làm, và làm ổn định. Nếu chỉ đợi khi kiếm được nhà tài trợ, và việc tổ chức là có lãi mới làm thì giải thưởng không thể ổn định được, và sẽ không có đủ uy tín để thu hút tài trợ ổn định. Và khi có sức hút rồi thì nên tìm kiếm các nhà tài trợ dài hạn thay vì ngắn hạn.Việc bầu chọn cũng có hệ tiêu chí rõ ràng, phù hợp với chuẩn mực của bóng đá thế giới. Và những người bỏ phiếu cũng nên được lựa chọn cũng với hệ tiêu chí rõ ràng.

Nhà tài trợ trả tiền cho giải thưởng là vì bóng đá chứ không phải vì bản thân giải thưởng. Họ chi chi trả là vì ý nghĩa quảng cáo hay xây dựng hình ảnh, mà muốn thế thì bóng đá Việt Nam phải đủ chất lượng và độ tin cậy. Không nhà tài trợ nào muốn gắn bó với một nền bóng đá mà không chắc cầu thủ của nó có bán độ hay không. Nhà tài trợ chi nhiều tiền khi nền bóng đá đó có nhiều khán giả theo dõi các trận đấu đỉnh cao, chứ không phải vì V-League của nó ngốn nhiều tiền để tổ chức. Bởi xét cho cùng thì nhà tài trợ trả tiền là vì khán giả của bóng đá, chứ không phải vì bản thân bóng đá.

Đến tận bây giờ, tôi mới thấy VFF và V-League hướng đến việc thu hút khán giả hơn là thu hút tiền cho giải đấu, thông qua việc nghiêm khắc với những cầu thủ bán độ, ý định bảo vệ bóng đá đẹp, và lái một phần nguồn tiền sang việc thu hút khán giả tới sân. Nên dù có chuyện nọ chuyện kia về phát ngôn, tôi vẫn ủng hộ những người lãnh đạo VFF và V-League hiện tại, vì họ đã xác định đúng việc cần làm và quyết tâm làm hơn những người tiền nhiệm.

Đó sẽ là tiền đề cho giải thưởng Qủa bóng Vàng Việt Nam được tổ chức một cách ổn định và uy tín hơn.

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm