Những mùa bão đi qua

21/04/2009 17:50 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Ban đầu là tiếng gió rít, tiếng mưa phả, tiếng cây gãy, tiếng người hô hoán một cái gì đó. Tất cả hoà quyện lại thành một âm thanh hỗn tạp như chính cơn bão đang qua.

Con ghét lắm những mùa bão đi qua

Nén thở dài trong những đêm trở gió

Trong ngấn mắt con đọc dòng suy nghĩ

Mùa bão về lại làm mẹ thêm lo…
 
Năm nào cũng vậy, tháng sáu, tháng bảy về là một nỗi kinh hoàng với người dân quê tôi. Quê hương tôi quanh năm suốt tháng chống chọi với cái nắng cháy người, chống chọi với cái gió Lào rát bỏng và khủng khiếp hơn nữa là chống chọi với những cơn bão liên tiếp đổ bộ từ biển vào.

Quê tôi hay gọi mùa này là mùa bão. Mùa bão chẳng có ai vui, chẳng chờ đón, chỉ biết trước mà vẫn buồn, lòng mỗi người lại chùng xuống mỗi khi mùa bão về. Không ai có thiện cảm với những cơn bão. Nhiều khi đó còn là những ám ảnh với hàng trăm, hàng ngàn gia đình bởi một điều, bão đã lấy đi tất cả nhà cửa, mùa màng và cả những người thân thiết nữa.

Nhà tôi cách biển cũng không xa lắm, khoảng vài ba cây số gì đó. Hậu quả của mỗi trận bão thì khủng khiếp lắm. Cũng may căn nhà tranh của nhà tôi được bố chằng chống tốt nên không việc gì. Cây cối trong vườn thì khỏi cần nói cũng biết như thế nào rồi.

Mỗi lần như thế, tôi thấy bà nén tiếng thở dài. Bà xót cho vườn na mà bà chăm bẵm suốt ngày tháng, bây giờ chỉ một trận bão đã bị tàn phá hết.

Ngày ấy, những cây na cỏ không nhiều thịt, nhiều cùi như na dai nhưng thơm và ngọt một cách lạ lùng. Tôi thích cái hương thơm của na cỏ ngày ấy. Mùa na năm ấy nhiều quả lắm. Na đang mùa quả chín rộ. Bà trồng na không buôn, không bán mà để cho con cháu ăn, bà còn biếu hàng xóm mỗi nhà một vài quả. Vậy mà năm nay, mùa na đã tới, tôi như thấy thiếu thiếu một cái gì đó da diết mà không thể nào nhớ nổi được. Phải chăng tôi quá vô tâm!

Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, bầu trời bao giờ cũng mang một màu u ám đến rợn người. Nước biển đục ngầu một màu. Sóng vỗ mạnh hơn những ngày thường. Ngư dân thường gọi là biển động.

Biển động, đánh bắt cá cũng khó hơn. Mỗi lần mẹ đi chợ hay mua cá trích, cá thèn, loại cá này thường rẻ nhất. Mẹ mua về đem kho muối, kho mắm moi thật mặn, cả nhà ăn đến một tuần. Với gia đình tôi có được bữa cá kho mặn với mắm moi là lấy làm sang trọng. Những hôm biển động cả nhà lại ăn cơm mắm cho qua ngày. Vậy nhưng thấy đầm ấm biết bao.

Những ngày tiếp theo bão đổ bộ vào. Ban đầu là tiếng gió rít, tiếng mưa phả, tiếng cây gãy, tiếng người người hô hoán. Tất cả hoà quyện lại thành một âm thanh hỗn tạp như chính cơn bão đang qua.

Tôi và đứa em thích lắm. Chúng tôi muốn ra ngoài để nghịch nhưng bố mẹ chẳng bao giờ cho, bởi một lý do đơn giản, sợ cây cối đổ, gãy vào người. Mưa gió như thế này dễ ốm nữa. Gió thổi ngày một mạnh từ hướng đông vào. Ngọn hai cây cau trước nhà cứ cong vít xuống khi có cơn gió rít mạnh. Mưa bắt đầu rơi. Bão về. Những hạt mưa to lắm, to hơn những hạt mưa bình thường. Mái tranh nhà tôi được lợp kỹ nên nước mưa không thể nào lọt vào nhà được.

Mỗi trận bão qua làng tôi lại tan hoang, nhiều nhà bị sập nhà, nhiều nhà bị lốc mái tranh. Nhiều khi con người cố xây, cố làm tất cả vì cuộc sống mưu sinh nhưng thiên nhiên ác nghiệt lại lấy đi hết. Nhưng không vì thế mà người dân quê tôi lại thấy chán nản trước thiên nhiên mà ngược lại, vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn phấn đấu. Chẳng có gì làm thay đổi những con người miền Trung này cả.

Những trận bão cứ thế trôi qua, những mùa bão cứ thế trôi qua trên quê hương tôi như một điều tất yếu trong cuộc sống. Tôi lớn lên trong những mùa bão, lớn lên trong những tiếng thở dài của bà, của bố, của mẹ.

Năm sau, cũng vào mùa bão nhà tôi bị sập, bị gió cuốn đi. Bố mẹ phải vay hàng xóm, vay anh em làm một căn nhà ngói. Bà tôi trồng lại vườn na, nhưng không phải na cỏ như lần trước mà một vườn na dai.
Cứ mỗi mùa bão đến, nằm ở nơi xa, tôi nghe dự báo thời tiết là sắp có bão, sẽ đổ bộ vào miền trung. Tôi chợt giật mình, gọi điện về cho mẹ, cho bố mà lòng không yên. Ngày mai tôi sẽ về quê.

Lê Văn Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm