Nhà văn Vũ Tú Nam: Tôi luôn phải “trẻ con hóa”

27/12/2009 10:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Cái tên Vũ Tú Nam gần đây ít xuất hiện trên văn đàn, nhưng đối với thế hệ 7X chúng tôi, thì cái tên ấy đã được khảm khắc vào lòng với những truyện ngắn không thể nào quên. Ông đã viết 28 tập truyện nhỏ cho thiếu nhi.

Trong SGK Văn học cấp tiểu học, ông xuất hiện với nhiều mẩu truyện ngắn sinh động về đề tài thiên nhiên, gia đình, muông thú… Trong số rất nhiều những mẩu truyện ngắn ấy, đặc biệt có tác phẩm Cây gạo - SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 là được nhiều thế hệ học sinh nhớ hơn cả.

Từ những cây gạo ven bờ sông Đà

Ông cụ thân sinh nhà văn Vũ Tú Nam là một nhà nho, hai anh trai ông là nhà văn Vũ Ngọc Bình, một là nhà thơ Vũ Cao. Cha ông là người mê tuồng, chèo. Mỗi lần đi xem đều cho ông đi cùng, còn hai ông anh trai của ông thì ham mê đọc sách. Ông bảo rằng đi xem nhiều tuồng chèo với cha cho ông kinh nghiệm quan sát. Còn đọc sách nhiều như hai anh trai cho ông những hiểu biết và kinh nghiệm quý báu mỗi khi cầm bút viết văn.

Thuở bé, ông nổi tiếng là đứa trẻ... tò mò, thích quan sát thiên nhiên. Ông hay bắt nòng nọc về nuôi xem nòng nọc hóa nhái, bắt bọ ngựa chửa, bướm chửa, ve sầu chửa mang về thả trong màn xem chúng đẻ trứng hoặc nở ấu trùng. Đặc biệt, thường những đứa trẻ con khác bắt dế bằng nước hoặc “vắt cần câu” tè vào hang để dế “bị bỏng” phải mò ra thì nhà văn Vũ Tú Nam có hẳn “chiêu” riêng. Ông bắt ong rồi buộc chỉ vào mông, sau đó cho ong thẳng tiến vào hang dế. Sau một hồi giao chiến trong hang, dế bị ong chích nọc sẽ mò lên, thế là bị... nhà văn tóm gọn.

Từ phải qua: Người mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh (tức Ly) cùng ông nội - nhà văn Vũ Tú Nam và hai em Mi và Chấm


Đó cũng chính là những kỷ niệm về tuổi thơ ông ngày đang theo học Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Thị xã Hòa Bình. Hòa Bình cũng chính là “kho tài nguyên vô giá” mà cho đến nay, bằng văn chương ông vẫn chưa thể khai thác hết. Ông vẫn nhớ như in dòng sông Đà “vừa thơ mộng, vừa trữ tình” (chữ của Nguyễn Tuân) hai bên bờ có những “cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ, hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh, tất cả đều lóng lánh lung linh trong nắng...”. Đó là hình ảnh về những cây gạo được quan sát từ xa, trong mỗi lần ông qua sông đi học. Còn những hình ảnh “cận cảnh” về cây gạo thì có vẻ nhàn hơn bởi ở vườn rau mẹ ông trồng ngày ấy cũng ngự một cây gạo vừa to, vừa đẹp chẳng thua kém gì những cây gạo sừng sững bên bờ sông Đà.

Ông kể: Ngoài vườn nhà tôi ngày ấy có một cây gạo rất to. Mỗi lần hoa gạo nở, rụng xuống nát hết rau mẹ tôi trồng nên tôi thường xuyên phải ra vườn nhặt hoa gạo giúp mẹ. Mỗi lần nhặt hoa là thêm một lần được quan sát kỹ hơn nên có thể nói khi bắt tay vào viết Cây gạo cảm giác như đang “vẽ một bức tranh phong cảnh” với đủ các gam màu và rất sống động. “...Cây gạo già mỗi năm lại trở lại tuổi Xuân, cành nặng trĩu những hoa đỏ mọng và đầy tiếng chim hót. Lũ chim no mồi chạm vào đâu cũng kiếm được những con sâu xám béo nhũn hoặc những anh chị bọ gạo mình cũng đỏ như hoa. Chỉ cần một làn gió nhẹ hay một đôi chim mới đến, là có ngay mấy bông gạo lìa cành. Những bông hoa rơi từ trên cao, đầu hoa nặng chúi xuống, những cánh hoa đỏ rực quay tít như chong chóng, nom thật đẹp. Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư: cây đứng im cao lớn, hiền lành, làm tiêu cho những con đò cập bến và cho những đứa con về thăm quê mẹ...” .

(...) Mùa Đông, cây chỉ còn những cành trơ trụi, nom như cằn cỗi. Nhưng không, dòng nhựa trẻ đang rạo rực khắp thân cây. Xuân đến, lập tức cây gạo già lại trổ lộc nảy hoa, lại gọi chim chóc tới, cành đầy tiếng hót và màu đỏ thắm; rồi đến ngày đến tháng, cây lại nhờ gió phân phát đi khắp chốn những múi bông trắng nuột nà..
(Trích: Cây gạo - Vũ Tú Nam - SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 2)

Nhà văn Vũ Tú Nam tên thật là Vũ Tiến Nam, sinh năm 1929, tại Nam Định. Ông nguyên là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khóa IV). Đại biểu Quốc hội khóa IX...
Các tác phẩm chính: Bên đường 12 - Giải Nhất văn xuôi Trại Văn nghệ Lam Sơn (Liên khu IV) năm 1950; Quê hương (1960); Sống với thời gian hai chiều (1983); Mùa Xuân, tiếng chim (1985); Tuyển tập Vũ Tú Nam I và II (1997); Hồi ức tình yêu (viết cùng Thanh Hương, 2001). 4 tập thơ. 28 tập truyện nhỏ cho thiếu nhi, trong đó có 3 tập Con sáo gỗ, Tiếng ve ran và Trăng tiêu lá, là tuyển chọn. Cùng 16 tập truyện tranh cho nhi đồng, 8 cuốn sách dịch.
Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001.

Bé Ly ngày ấy chính là người mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh


Ngoài những nhân vật là cây cối, chim muông..., một tuyến nhân vật khác trong các sáng tác cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Tú Nam chính là các em thiếu nhi. Đặc biệt ông có 4 người cháu (2 cháu nội, 2 cháu ngoại) với những tên gọi thân quen ở nhà là Ly, Mi, Đốm, Chấm thì cả bốn cháu đều đã lần lượt là nhân vật trong các sáng tác của ông.

Chẳng hạn, Hoa lá trong vườn nguyên mẫu nhân vật bé Ly trong truyện này không ai khác chính là người mẫu Vũ Nguyễn Hà Anh (tức Ly). Nhắc đến truyện này, Hà Anh vừa trở về từ Anh quốc đã bày tỏ cảm xúc về người ông đáng kính của mình: Ngày nhỏ, ông thường dắt tôi ra vườn, bắt những con côn trùng cho tôi chơi nhưng luôn dặn tôi là không được vặt cánh, bẻ cẳng chúng. Nếu chơi chán, cháu hãy trả nó trở về với tự nhiên, với nơi nó đã sinh ra... Hoặc khi chị em tôi chơi hoa, ông thường chỉ “chơi hoa” bằng mắt chứ không phải bằng tay. Nghĩa là ngắm hoa là đủ, đừng bẻ hoa lìa khỏi cành. Ông đã cho tôi một nền tảng tinh thần vô cùng đẹp đẽ và sâu đậm qua những mẩu chuyện mà ông kể và viết. Tôi, và các em của tôi tự hào vì được xuất hiện liên tục trong các tác phẩm của ông chứ không riêng gì Hoa lá trong vườn. Đó là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có được...”.

Giờ đây, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng nhà văn Vũ Tú Nam vẫn viết đều đặn và vẫn muốn đưa những người cháu giờ tuổi đã đôi mươi vào làm nhân vật trong mỗi sáng tác mới của mình. Ông bảo: Trẻ con nó biết nhiều thứ lắm chứ không hề đơn giản, ngờ nghệch như mình nghĩ. Chúng có đầu óc và có cách phán xét riêng rất sâu sắc và tinh tế. Nếu người lớn không trẻ con được như chúng thì không thể hiểu hết được. Vì vậy tôi luôn phải tự “trẻ con hóa” để tiếp tục sáng tác cho trẻ thơ. Tôi thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý sự trung thực và lòng nhân hậu. Nhất là sự trung thực và lòng nhân hậu trong mỗi sáng tác dành cho trẻ thơ.

Yên Khương ghi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm