Nhà văn hóa Hữu Ngọc ra sách ở tuổi 96: 'Xuống thang' nhưng vẫn không ngừng lãng du

29/09/2014 13:10 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Lãng du trong văn hóa Việt Nam của Hữu Ngọc là cuốn sách đóng vai trò sứ giả văn hóa cho Việt Nam với công chúng nước ngoài. Với tác giả, giờ đây nghiên cứu với ông vẫn là một cuộc dạo chơi.

Cuốn sách “sứ giả” đã đưa Hữu Ngọc trở thành người “xuất nhập khẩu” văn hóa của Việt Nam. Còn tác phẩm mới có tên Hữu Ngọc đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam (NXB Thông tin Truyền thông năm 2014), tập hợp các bài báo tiếng Việt, Anh, Pháp của ông trong 20 năm qua. Giờ là lúc ông “xuống thang” (từ dùng của Hữu Ngọc), ý chỉ nghỉ ngơi, rút lui.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa sau buổi giao lưu về cuốn sách của ông tại Hội sách Hà Nội chiều 27/9.

Viết sách cũng là một trò chơi

* Gần tuổi 100, ông ra sách mới, có thể nói là bao quát gần cuộc đời mình. Ông sống và viết như thế nào ở tuổi này?

- Giờ đây tôi không quan niệm đó là nghiên cứu hay lao động mà quan niệm đó là mình đang chơi, viết và nói. Trong 10 năm qua, tôi vẫn thường viết báo và đi nói chuyện với người nước ngoài. Viết sách cũng là một trò chơi.


Nhà văn hóa Hữu Ngọc ký tặng độc giả

* Cuốn sách này được hình thành như thế nào?

- Tôi cộng tác với 4 tờ báo trong vòng 20 năm qua, gồm tờ tiếng Anh là Vietnam News, tờ tiếng Pháp là Le Courrier du Vietnam, tờ tiếng Việt là Sức khỏe và Đời sống; còn tờ báo ngoại giao là Thế giới và Việt Nam. Mỗi Chủ nhật tôi viết một bài báo, sau 16 năm thì tập hợp những bài báo thành cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam, bản tiếng Anh là Wandering Through Vietnamese Culture 1.200 trang. Cuốn này là cuốn thứ hai từ những bài báo đó (674 trang, tiếng Việt).

Bây giờ "xuống thang" rồi, tôi nghỉ viết tờ báo tiếng Anh, còn tờ Sức khỏe và Đời sống thì vẫn viết mỗi tháng 1 bài. Nhưng tờ Le Courrier thì tôi chưa nghỉ vì sợ quên mất tiếng Pháp.

* Sau cuốn sách này, ông còn đang viết tác phẩm nào nữa không?

- Tôi nay 96 tuổi rồi, “xuống thang” gần hết rồi. Thứ nhất là viết. Từ 4 báo giờ chỉ còn 2 báo nhưng cũng sắp phải xin nghỉ thôi. Hiện tôi vẫn làm Tổng biên tập tờ cả tiếng Anh và tiếng Pháp.

Thứ hai là nói. Người ta thường gọi tôi là người "xuất nhập khẩu văn hóa", trong 10 năm qua tôi có hàng trăm cuộc nói chuyện, tổng cộng khoảng 2 vạn người nghe, Anh, Pháp, Mỹ đủ cả.

Thứ ba là làm. Tôi có 16 năm làm Chủ tịch Quỹ văn hóa Thụy Điển và 5 năm làm Chủ tịch Quỹ văn hóa Đan Mạch. Trong từng ấy năm làm 2.000 dự án văn hóa, giúp bảo vệ văn hóa cũ và phát triển văn hóa mới. Bây giờ đã đến lúc rút lui thôi.

Vịnh Hạ Long, cố đô Huế và ông Hữu Ngọc

* Ông hay "lãng du văn hóa" với người nước ngoài, ông thấy họ hứng thú với điều gì ở Việt Nam?

- Phần nhiều người nước ngoài cho rằng Việt Nam giống Trung Quốc, nhưng tôi muốn làm cho họ hiểu là không phải như thế, mà Việt Nam có một nền văn hóa riêng. Đối tượng mà tôi nói chuyện là từ những đối tượng hẹp như Tổng thống Brazil, vua và hoàng hậu Thụy Điển, công chúa Na Uy cho đến những đối tượng rộng như các giáo sư đại học và sinh viên Mỹ và người nước ngoài bình thường.

Trước đây, khi một nhóm sinh viên Đại học Princeton (Mỹ) sang Việt Nam, lúc về, họ được hỏi là có ấn tượng gì về Việt Nam. Họ liệt kê 3 thứ: vịnh Hạ Long, cố đô Huế và nghe ông Hữu Ngọc nói chuyện (cười).

* Tại sao thứ họ ấn tượng không phải là hai thành phố lớn được đầu tư và quảng bá nhiều về văn hóa so với các địa phương khác?

- Tôi nghĩ người phương Tây đến các nước Đông Nam Á nếu không hiểu sâu về văn hóa sẽ thấy rất giống nhau. Hà Nội và TP.HCM trong mắt họ không khác lắm so với New York. Vì thế chúng ta càng phải nói rõ về văn hóa của mình cho họ nghe, và phải nói sao khiến họ cảm động. Họ sẽ ấn tượng với những con người, khung cảnh lạ. Và họ cũng thích nghe chúng ta nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

* Xin Cảm ơn ông.

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm