Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm: Tuổi ngoài 70 học lại những điều chưa thuộc

26/11/2015 13:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Xuất thân từ nhà giáo, rồi đi làm báo, làm thơ, Nguyễn Vũ Tiềm luôn “hoàn thành nhiệm vụ” được số mệnh giao phó. Để rồi trong nhiều tháng năm ở tuổi ngoài 70, ông nghĩ về sự minh triết của những vùng đất đã sinh ra và ban cho ông cuộc sống.

NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành tập thơ Minh triết đất đai của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, đây là cuốn sách thứ 14 của ông bao gồm các tập thơ, trường ca, ký sự, biên soạn và cả tiểu thuyết kỳ ảo.   

Ông Tiềm “tài hoa trẻ”

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sinh năm 1940 tại một làng thuần nông ngoại thành Hà Nội. Năm 1975 ông thuộc những nhà giáo thế hệ đầu vào Sài Gòn, chi viện cho miền Nam khi đất nước thống nhất. Thời ấy khó khăn, trong căn phòng tập thể nhỏ bé ở chung với đồng nghiệp, có khi khan hiếm chất đốt đến độ nhà thơ phải lật ngược cái bàn ủi điện để nấu ăn, giải quyết cơn đói một cách chóng vánh.


Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Những năm đầu 1990, khi thị trường báo chí Sài Gòn sôi động với nhiều ấn phẩm ra đời, đang công tác ở báo ngành giáo dục, ông làm chủ biên cho bán nguyệt san Tài hoa trẻ.

Nhiều người vẫn nói “nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo”, Nguyễn Vũ Tiềm làm nhà giáo, nhà thơ đều nghèo nhưng khi làm báo thì đổi khác. Tờ Tài hoa trẻ với nội dung, kiến thức, tính giáo dục mà nó truyền tải đã được bạn đọc đón nhận và có số lượng phát hành rất lớn.

Nhiều cây bút văn chương, báo chí hiện nay từng có tiền ăn cơm bụi và đóng học phí cũng từ Tài hoa trẻ mà nhà thơ Lê Thiếu Nhơn là một ví dụ điển hình.

Từ nhà giáo, nhà thơ chuyển sang làm báo chuyên nghiệp có của ăn của để, Nguyễn Vũ Tiềm đã dang rộng tay giúp nhiều đồng nghiệp khác. Một nhà văn ở miền Tây Nam bộ lên cần việc hay một nhà thơ từ miền Bắc vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh, Nguyễn Vũ Tiềm đều dang tay đón nhận.

Nếu đồng nghiệp gặp khó khăn trước mắt, ông gọi kế toán ứng trước một ngân khoản tức thời để giải quyết. Có thể nói, ông không trực tiếp giúp nhiều người bằng vật chất nhưng đã làm “mạnh thường quân” về việc làm để nhiều bạn văn yên tâm sáng tác.

Nhắc đến Nguyễn Vũ Tiềm, nhiều người vẫn nhớ việc ông gắn với tờ Tài hoa trẻ một thời - một tạp chí được cầm chịch bởi một nhà giáo mà cốt cách “ông thầy” đến ngoài tuổi 70 vẫn hiện rõ không lẫn vào đâu được.


Bìa tập thơMinh triết đất đai

Vẫn tập khởi hành

Bằng kinh nghiệm sống và qua sách vở đọc được, Nguyễn Vũ Tiềm đúc rút nhiều bài học cho cá nhân và cho bạn đọc của ông. Khi mà trong thực tiễn, nhiều người ngay thẳng dù có thực tài lại ít thành công hơn những kẻ biết “mài nhẵn” mình đi, Nguyễn Vũ Tiềm đã viết: “Tròn nên nhà cửa, cạnh thời lăn đi”.

Giữa cá tính góc cạnh và sự nén mình lại để đạt được mục đích của “áo cơm không đùa với khách thơ” như Nguyễn Vũ Tiềm, thật không dễ. Nhưng ông đã làm được với tất cả sự chịu ơn và quý trọng những gì cuộc sống đã ban tặng.

Với tập Minh triết đất đai, một lần nữa Nguyễn Vũ Tiềm cảm ơn cuộc sống này thông qua hình tượng rộng muôn trùng nằm ngay dưới đôi bàn chân nhỏ bé: “Tay lấm láp phù sa/ chính là lúc ngộ ra điều sạch sẽ/ giấc ngủ thường đến muộn/ tôi gối đầu lên/ luật nhân quả cây trồng…/ Bỗng hé mở đôi điều/ minh triết đất đai”. Ông tin vào luật nhân quả bởi chịu ơn hình cầu cõng bên trên tỷ tỷ sinh linh này: “Trục trái đất đã nghiêng rồi/ đức tin đừng nghiêng nữa!”.

Tự hỏi con người ta học đến khi nào thì dừng hoặc học đến khi nào thì đủ? Dù làm nhà giáo, làm thơ hay làm báo, Nguyễn Vũ Tiềm học mãi không dừng. Các nhà thơ thường ít nhận thấy cái hay của thơ đồng nghiệp. Nhờ sự học không ngừng, Nguyễn Vũ Tiềm nén mình lại để nhận ra cái hay trong thơ của người viết khác.

Năm 2000, ông chủ biên in cuốn Ngàn câu thơ tài hoa tập hợp những câu thơ hay xưa nay của các nhà thơ, đôi khi trong một bài rất thường lại có những câu thơ rất sáng. Sau nhiều năm về hưu, ông vẫn tiếp tục học: “Giờ tôi tập khởi hành/ cho một chặng dừng chân/ học lại những điều chưa thuộc…”. Và lần này, ông học từ đất đai, từ những hạt mầm tách vỏ vốn dĩ tồn tại từ triệu triệu năm dưới ánh mặt trời.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm