Người trong cuộc nói gì về thương hiệu thể thao Việt?

10/02/2018 07:45 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến cho biết, thương hiệu Thể thao Việt Nam có sức hút nhất định với người hâm mộ nhưng không phải là một thương hiệu mạnh. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, khách quan và chủ quan. 

Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến: Thương hiệu Thể thao Việt Nam có sức hút nhưng chưa mạnh

Theo đánh giá của cá nhân tôi, thương hiệu Thể thao Việt Nam có sức hút nhất định với người hâm mộ nhưng không phải là một thương hiệu mạnh. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, khách quan và chủ quan. Thứ nhất, bản thân nền thể thao Việt Nam không phải là một nền thể thao mạnh như những cường quốc thể thao trên thế giới và châu lục.

Thành tích của thể thao Việt Nam ở Olympic, Asian Games cũng còn nhiều hạn chế và chúng ta mới chỉ khẳng định được vị trí là một trong ba quốc gia dẫn đầu ở SEA Games. Thứ hai, trong nhiều lĩnh vực khác của đất nước, thể thao cũng không phải một lĩnh vực có sức phát triển mạnh mẽ hay tạo được sự đột phá. 

Chú thích ảnh
Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến

Trong nhiều năm vừa qua, dù ngành thể thao đã rất nỗ lực, tìm nhiều biện pháp để nâng cao sức hút của thương hiệu Thể thao Việt Nam nhưng thực tế chưa thành công. Nguyên nhân ở đây là chúng ta chưa có sự đầu tư, quan tâm đúng mức và chưa xây dựng được một kế hoạch bài bản, dài hơi để xây dựng thương hiệu.

Tôi lấy ví dụ thế này, Thể thao Việt Nam đến nay vẫn chưa có được một bộ nhận diện hoặc logo chính thức mà vẫn thường sử dụng logo của Ủy ban Olympic hoặc của Đại hội TDTT toàn quốc. Bên cạnh đó, ngay cả khi có được nhà vô địch Olympic như Hoàng Xuân Vinh hay VĐV từng giành huy chương Olympic từ trước như Trần Hiếu Ngân, Hoàng Anh Tuấn chúng ta cũng chưa có được kế hoạch cụ thể để khai thác hình ảnh của họ một cách bài bản để quảng bá hình ảnh thể thao Việt Nam tới công chúng rộng rãi hơn, chứ chưa nói đến chuyện khai thác và thu hút tài trợ. 

Hiện tại, việc khai thác thương hiệu Thể thao Việt Nam cũng chưa có kế hoạch đồng bộ, mà chủ yếu tập trung ở một số Liên đoàn, Hiệp hội ở các môn có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, điền kinh, bơi lội, bắn súng…, trong khi còn rất nhiều môn thể thao khác không quảng bá được thương hiệu hoặc không tìm kiếm được nguồn tài trợ. Theo đánh giá của tôi, để giải được bài toán xây dựng và khai thác thương hiệu Thể thao Việt Nam cần nhiều yếu tố, trước tiên cần một cơ chế cơi mở hơn và sau đó là bài toán về kinh phí đầu tư để quảng bá thương hiệu. 

" Một điều không thể phủ nhận là thể thao Việt Nam nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ, tạo nên sự ảnh hưởng nhất định đối với xã hội nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở việc đọng lại trong lòng mọi người ở một mức độ nào đó, chứ không phải là sức hút đặc biệt.

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú: Thương hiệu V-League vô cùng giá trị

 

Chú thích ảnh
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú

Trong vai trò người kinh doanh trước khi dấn thân sâu hơn khi giữ nhiều chức vụ quan trọng của bóng đá Việt Nam, Chủ tịch Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF Trần Anh Tú khẳng định thương hiệu V-League luôn có giá trị rất cao chứ không như suy nghĩ bi quan của nhiều người, kể cả khi nhà tài trợ chính Toyota vừa rút lui sau 3 năm gắn bó.

 “Thực tế Toyota họ vẫn muốn tài trợ cho V-League nhưng lần này họ mời chào mức giá quá thấp, không tương xứng với giá trị món hàng ở đây là các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nên VPF không đồng ý. Còn nếu theo quan điểm của một người không phải làm kinh tế thì nhìn vào V-League họ sẽ chê, chê giải không đẹp, không hấp dẫn. Tuy nhiên trên góc độ người làm kinh tế thì tôi suy nghĩ theo quan điểm khác. Ví dụ như thương hiệu Toyota gắn tên với giải đấu, quanh năm từ tháng 1 đến tháng 12, công ty họ được nhắc đến hàng ngày qua các phương tiện truyền thông, thay vì bỏ tiền trực tiếp ra quảng cáo trên tivi. Người làm kinh tế chắc chắn sẽ thấy V-League là món hàng có giá trị. 

Việt Nam là đất nước có người dân yêu bóng đá cuồng nhiệt. Bóng đá được quan tâm sát sao mỗi ngày và theo tôi, sự kiện nào cũng thế, phải có yêu, có ghét thì mới thành công, gây được sự chú ý. Bản thân tôi sau 10 năm làm bóng đá thì như bạn đã thấy rồi đấy. Ban đầu bao nhiêu khó khăn tưởng chừng sẽ gục ngã nhưng khi mình nhìn nhận đúng được vấn đề rồi thì mình sẽ làm tốt hơn. 10 năm qua CLB futsal Thái Sơn Nam từ chỗ không có HLV nước ngoài đến có 1-2 người và bây giờ là đội ngũ 6-7 người.

Rồi từ futsal, tôi tài trợ giải U15, U17 và cả giải nữ VĐQG nữa… Số tiền lớn như thế không từ kinh doanh hiệu quả ra thì tôi đâu có vẽ ra được”. “Bài học thành công từ futsal tôi không dám nói sẽ áp dụng hết được cho bóng đá sân lớn mà nó là kinh nghiệm để cho mình làm trên cương vị mới. Có nhiều cái khác biệt tuy nhiên tôi nghĩ điều thuận lợi của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bây giờ là rất nhiều CLB đang muốn thay đổi tư duy làm bóng đá theo hướng tốt lên. Đó là điều kiện tiên quyết để bóng đá Việt Nam phát triển, có giá trị hơn trong mắt mọi người”, bầu Tú khẳng định.

“Giá trị V-League được đo đếm qua giá trị của món hàng đó, nếu giải đấu càng đẹp, có sức hấp dẫn với CĐV thì giá trị quảng cáo thu được sẽ càng cao, càng nhiều người muốn nhảy vào tài trợ.
 

Cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải: Thật tiếc cho thương hiệu Thể công

Đoàn TDTT Quân đội gọi tắt là Thể công được thành lập ngày 23/9/1954 theo Quyết định của Quân ủy Trung ương. Mặc dù được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao tại các vùng, địa phương mới giải phóng nhưng Thể Công kể từ khi ra đời không đơn giản hoạt động trong lĩnh vực TDTT mà còn được trao một nhiệm vụ có tính chiến lược quan trọng hơn, đó là thông qua các hoạt động TDTT, thực sự thuyết phục  người dân hiểu, thông cảm và ủng hộ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. 

Chú thích ảnh
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải

Ngay từ những ngày đầu tiên, mới chỉ có 23 thành viên đủ quân số để thi đấu ở 3 môn thể thao Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ cho đến sau này phát triển đến hàng trăm người và thi đấu ở nhiều môn thể thao, Đoàn Thể Công đã quán triệt nhiệm vụ ấy, đặc biệt đội bóng đá Thể Công qua các thế hệ đã luôn luôn là tấm gương sáng, là lá cờ đầu xứng đáng với truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng!

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các tướng lĩnh Quân đội, Đội bóng đá Thể Công đã trở thành biểu tượng của nền TDTT cách mạng, là một đội bóng đá vừa có trình độ chuyên môn xuất sắc, vừa có phẩm chất đạo đức trong sáng và luôn giữ truyền thống “Thắng không kiêu, bại không nản”, “ Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn nào cũng vượt qua” của QĐNDVN.

Không những thế về chuyên môn, Thể Công đã hình thành nên một lối chơi có bản sắc, rất độc đáo phù hợp với tầm vóc và thể trạng người Việt nam và điều này đã được tướng Vương Thừa Vũ đúc kết lối chơi của Thể Công bằng câu vè mộc mạc như sau: “Thấp - Nhanh - Ngắn Mạnh - Luồn lách - Thọc sâu”! 

Mất rất nhiều thời gian, tiền của công sức của biết bao nhiêu thế hệ từ ngày 23/9/1954 cho đến những năm sau này, đội bóng đá Thể Công đã trở thành một tên tuổi lớn không chỉ trong làng bóng đá trong nước mà cả nước ngoài. Rất tiếc, đội bóng đá Thể Công đã không còn kể từ sau khi họ kỷ niệm lần thứ 55 năm ngày thành lập.

Bộ Quốc phòng quyết định không còn tên đội bóng đá Thể Công vào tháng 9/2005! Tôi và rất rất nhiều người hâm mộ ngỡ ngàng không hiểu nổi. Tôi nghĩ đó là sự lãng phí rất lớn, một sự lãng phí không thể tính được bằng tiền! 

"Khi đất nước đang đổi mới , đang xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và một đội bóng đá Quân đội không chấp nhận có cầu thủ ngoại binh sẽ rất khó tồn tại ở bóng đá đỉnh cao!  

Chủ tịch CLB Thanglong Warriors Tracy Lương Quỳnh Thư: Đã làm thương hiệu phải làm đến nơi đến chốn

Chú thích ảnh
Chủ tịch CLB Thanglong Warriors Tracy Lương Quỳnh Thư

Phương châm của các nhà đầu tư chúng tôi là khi bắt tay vào làm việc gì đều phải có sự nghiên cứu và tìm hiểu thị trường hết sức kỹ lưỡng. Sau một thời gian khảo sát và đánh giá thực tế, có thể nhận thấy bộ môn bóng rổ đang là một trào lưu mới nhận được sự quan tâm và ưa chuộng của số đông các bạn trẻ. 

Trong các năm gần đây, Hà Nội cũng đã trở thành tâm điểm sự phát triển của bóng rổ với hệ thống giải về cấp trường, cấp quận và các giải đấu không chuyên đang diễn ra rất sôi nổi. Vì thế việc ra đời đội bóng thứ 2 đại diện cho thủ đô tham dự giải VBA giống như một sự phát triển tự nhiên của quy luật cung cầu và theo đúng xu hướng của thời đại. 

Khi bắt tay vào xây dựng CLB Thanglong Warriors - đội bóng thứ 6 tham dự VBA, chúng tôi cũng ý thức và nhận rõ trách nhiệm của mình với tương lai của đội bóng, với giải đấu và người hâm mộ. Điều chúng tôi băn khoăn nhất là việc làm thế nào để đội bóng phát triển lâu dài, có năng lực tài chính đảm bảo và phát triển mạnh mẽ trong tương lai, vì thế, bước đầu chúng tôi có sự cam kết rõ ràng về sự gắn bó lâu dài với CLB. 

Việc xây dựng một thương hiệu tốt sẽ tạo được sự chú ý với các nhà đầu tư, các nhãn hàng và tiến tới là thu hút nguồn tài trợ để tăng thêm năng lực tài chính cho đội bóng. Chính nguồn tài trợ này sẽ giúp cho quá trình hoạt động của đội bóng được diễn ra thuận lợi, bởi nó hỗ trợ cho chi phí trả lương thưởng, ăn ở, di chuyển và hơn hết là tạo nên sự yên tâm cho các cầu thủ trong quá trình tập luyện và thi đấu làm nền tảng cho mục đích chinh phục các danh hiệu trong tương lai. 

Ở mùa giải đầu tiên tham dự VBA, Thanglong Warriors đã tạo nên tiếng vang lớn khi giành được ngôi vô địch, lập nên những kỷ lục mới ở giải đấu về thành tích khi thi đấu và nhận được sự cổ vũ của đông đảo người hâm mộ. Đây là cơ sở quan trọng và cho thấy sự đúng đắn trong cách làm, cách xây dựng đội bóng và là động lực để Thanglong Warriors tiếp tục hướng tới các mục tiêu lớn hơn, từng bước trở thành một biểu tượng mới của thể thao thủ đô trong tương lai không xa. 

"Để Thanglong Warriors nhanh chóng được biết đến, chúng tôi cố gắng và tập trung toàn lực để xây dựng thương hiệu của mình thật tốt qua việc xây dựng đội ngũ cổ động viên và người hâm mộ đông đảo để gây ấn tượng trong cộng đồng.

Phó Tổng giám đốc VietFootball, nhà báo Dương Thanh Liêm: Thương hiệu HPL tôn vinh giá trị của bóng đá và cộng đồng

Chú thích ảnh
Nhà báo Dương Thanh Liêm

“Bọn mày làm như thế này chắc lỗ nhiều. Cố gắng duy trì, phát huy nhé”. Khi ngồi bệt dưới đất để xem trận đấu sau, ông bầu một đội bóng vỗ vai người viết rồi sau đó đề nghị “để anh mua 3-4 cái biển quảng cáo ủng hộ nhé”, dù giải sắp… kết thúc. HPL ra đời như thế - Không tài trợ, chi tiền túi và đa phần là anh em bạn bè hỗ trợ, giữa cái nắng nóng kinh khủng giữa Hè và nhiệt độ đến khoảng 40 độ trên mặt sân cỏ nhân tạo. 

Nhưng rồi cũng chính từ những cái "lặt vặt" như thế mà “lần đầu dân phủi đá bóng có rước cờ, nhạc hiệu FIFA, nhặt bóng rồi clip, hình ảnh như chuyên nghiệp...” và không thể thiếu là số khán giả đến sân ngày càng đông hơn, công tác tổ chức, sân bãi ngày càng hoàn thiện. 
Sau những mùa giải đầu tiên vật vã tìm tài trợ để giải bài toán tài chính, đến HPL-S3 thì Bia Saigon với thương hiệu Saigon Special chủ động tìm đến, đồng hành và nâng tầm giải đấu. Từ 2015, HPL định hình một hệ thống với 2 hạng đấu có lên xuống hạng: giải Ngoại hạng và hạng Nhất. Đến 2016, hàng chục đội bóng xếp hàng đăng ký đá play-off lấy 2 suất đá hạng Nhất và theo kế hoạch, 2018 này sẽ có cả giải hạng Nhì. 

HPL bán được bản quyền truyền hình và có cả chục kênh truyền thông, truyền hình đăng ký tường thuật trực tiếp mỗi chiều Chủ nhật. Một khán giả yêu mến, gắn bó với HPL thậm chí đã sáng tác một bài hát riêng cho giải đấu trong khi một hãng sản xuất bóng tài trợ rồi sản xuất một nhãn hiệu riêng cho HPL. Và từ 2 năm qua, không chỉ các thương hiệu trong nước như Sanna Khánh Hòa (nước uống), Động Lực (bóng), VnTrip, Techcomgilf, KeepDri rồi cả Sơn Kansai, Mizuno (Nhật Bản), Grand Sport (Thái Lan) tìm đến đồng hành, cam kết gắn bó lâu dài. 

Một giải bóng đá phong trào cho dân phủi, đến tuổi lên 5 đã khẳng định được một thương hiệu không chỉ nhờ cách nghĩ, cách làm khác biệt của đơn vị tổ chức mà quan trọng nhất, những giá trị căn bản nhất của bóng đá cũng như cộng đồng được đề cao, có ý nghĩa quyết định. Thế nên tự bản thân HPL đã biến thành tài sản chung, là sân chơi của cả cộng đồng mà sự thành công do chính các thành viên tham dự cuộc chơi cùng khán giả quyết định. "Thành công lớn nhất của HPL, như Trưởng BTC Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ, đó là sự văn minh đúng với tinh thần “Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng” mà chính người chơi, người xem tự tác động, điều chỉnh hành vi lẫn ý thức của nhau.

Chủ tịch HĐQT Công ty Midomax, Tống Đức Thuận: Thương hiệu thể thao Việt bị bỏ ngỏ

Chú thích ảnh
Chủ tịch HĐQT Công ty Midomax, Tống Đức Thuận

Đa phần các đội bóng cũng như các VĐV thể thao của chúng ta đang chưa nhận thức được đúng mực về giá trị thương hiệu của mình, mặc dù có danh tiếng nhưng chưa thể khai thác những điểm mạnh đó trở thành giá trị thương mại để tăng thu nhập cho đội bóng cũng như chính bản thân VĐV. 

Đơn cử như trong bóng đá với cầu thủ đang được quan tâm nhất hiện nay - Nguyễn Công Phượng. Anh đang sở hữu 1 fanpage gần 2 triệu lượt người theo dõi, tầm ảnh hưởng của Công Phượng là điều không có gì phải bàn cãi, nhưng trên thực tế cả phía câu lạc bộ lẫn phía Công Phượng đang không khai thác tốt hình ảnh của cầu thủ này, giá trị thương hiệu của Công Phượng không được quy ra các hợp đồng quảng cáo, nếu làm tốt, chắc chắn từng cm trên cơ thể Công Phượng đều có thể khai thác thành các hợp đồng quảng cáo có giá trị.

Đấy là góc độ môn thể thao vua, còn những môn thể thao khác thì việc khác thác giá trị thương hiệu của VĐVvô cùng khó khăn, có chăng chỉ là sự hợp tác với các nhãn hàng thể thao, rất hiếm hoi tìm kiếm được những bản hợp đồng tài trợ từ những thương hiệu ngoài ngành thể thao. 

Vậy làm cách nào để có thể khai thác được giá trị thương mại của đội bóng và VĐV, cầu thủ?
Về phía các đội bóng ở Việt Nam thì điều khó khăn nhất hiện tại là khán giả tới sân, chắc chắn 1 điều rằng nếu như bất kỳ 1 trận đấu nào khán giả cũng tới kín sân thì giá trị của đội bóng sẽ tăng phi mã, việc thu hút tài trợ cho CLB là điều không khó khăn.

Về phía các cầu thủ, VĐV, công việc chính của họ là tập luyện và thi đấu để có thành tích thể thao tốt nhất, việc xây dựng hình ảnh cũng như khai thác giá trị thương mại của họ cần có người quản lý hoặc các công ty quản lý chuyên nghiệp về lĩnh vực này đứng đằng sau họ. Chúng ta đều thấy là việc có người quản lý đang là khá mới mẻ ở thể thao Việt Nam, trong khi đối với các VĐV nước ngoài thì việc này gần như là bắt buộc. 

Với xu thế phát triển hiện tại của thể thao Việt Nam, chắc chắn thời gian tới sẽ có những công ty chuyên về khai thác hình ảnh thương mại của những thương hiệu thể thao sẽ mọc ra, lúc đó chắc chắn thị trường thể thao sẽ sôi động, và sẽ xuất hiện những tỷ phú thể thao. "Danh tiếng là điều mà bất cứ cá nhân hay đội bóng nào cũng đều khao khát và tự hào, bởi loại tài sản vô hình này có khả năng tạo ra những lợi ích hữu hình không thể đo đếm được.
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm