Huy chương 'Vàng mười' và 'vàng mỹ ký'

29/09/2014 07:56 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Trong nhiều lần trò chuyện với phóng viên Thể thao & Văn hoá, ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm TTK Uỷ ban Olympic Việt Nam (VOC), từng hơn 1 lần nói về cái gọi là “vàng mười” và “vàng mỹ ký” trong thể thao.

Ông Giang giải thích đại ý rằng HCV nào cũng đều quý giá, đều xứng đáng được tôn vinh, vì đấy là mồ hôi công sức, và thậm chí là máu và nước mắt của VĐV. Tuy nhiên, trong số HCV cũng được phân chia thành nhiều loại vàng khác nhau, mà ông Giang nói theo kiểu dân kim hoàn là “vàng mười” và “vàng mỹ ký”.

Tất nhiên, ở vị trí nhạy cảm của mình, ông Giang không công khai nói thẳng HCV nào là “vàng mười” và HCV nào là “vàng mỹ ký”, nhưng nếu hiểu theo cách nói của ông Giang thì “vàng mười” chính là HCV ở những môn thể thao cơ bản thuộc hệ thống Olympic như điền kinh, bơi lội, cầu lông…

Nếu chiếu theo quan điểm “vàng mười” và “vàng mỹ ký” này thì tuy Tiến Minh chưa giành được bất cứ danh hiệu lớn nào ở ASIAD cũng như SEA Games, nhưng cây vợt này vẫn xứng đáng được coi là “vàng mười” của thể thao Việt Nam.

Không có nhiều VĐV Việt Nam đạt tới đẳng cấp thế giới, thậm chí là hàng đầu thế giới, ở 1 môn thể thao thuộc hệ thống Olympic như cầu lông, nhưng Tiến Minh đã làm được điều đó, với chiếc HCĐ giải vô địch thế giới 2013 và vị trí thứ 7 trong top 10 cây vợt xuất sắc thế giới vào tháng 9/2009, thứ hạng tốt nhất trong sự nghiệp của Tiến Minh, và đồng thời cũng là thứ hạng xuất sắc nhất từ trước tới nay của 1 tay vợt Việt Nam.

Điều đáng nói hơn nữa là những thành tích mà Tiến Minh có được trong sự nghiệp chủ yếu đến từ nỗ lực tự thân của cá nhân anh và gia đình, chứ không phải là kết quả đầu tư của ngành thể thao, và bởi thế người ta mới giật mình khi phát hiện ra rằng không biết đến bao lâu nữa cầu lông Việt Nam mới có 1 VĐV như Tiến Minh.

Vì thế, tuy sự nghiệp của Tiến Minh chưa có bất cứ HCV nào ở ASIAD hay SEA Games, nhưng không ai dám đánh giá thấp những đóng góp của Tiến Minh cho thể thao Việt Nam nói chung và cầu lông Việt Nam nói riêng.

Không ai nhớ được thể thao Việt Nam đã có bao nhiêu HCV wushu, đá cầu, lặn, pencak silat… ở giải vô địch thế giới, nhưng thành tích HCĐ giải vô địch thế giới năm 2013 cùng vị trí thứ 7 thế giới của Tiến Minh vào tháng 9 năm 2009 hẳn đã và sẽ được rất nhiều bạn bè quốc tế ghi nhớ, và lý do thì thật đơn giản: cầu lông là 1 trong những môn thi đấu chính thức của Olympic, còn wushu, đá cầu, lặn, pencak silat thì không.

Người ta nói đường thẳng luôn là con đường ngắn nhất, và hiểu theo nghĩa nào đó thì những môn thể thao thuộc Olympic được xem như “đường thẳng”, còn những môn kiểu wushu, đá cầu, lặn, pencak silat thì chỉ được coi là “đi tắt đón đầu”, bởi có ít người chơi nên khả năng giành HCV ở quy mô thế giới dễ dàng hơn nhiều so với những môn cơ bản như bơi lội, điền kinh, cầu lông.

Thế nhưng, vì là đường thẳng nên sẽ có nhiều người đi hơn, và bởi thế sức cạnh tranh cũng cao hơn, nên nếu muốn giành chiến thắng thì phải bỏ công bỏ sức đầu tư chăm sóc nhiều hơn. Trong khi đó, “đi tắt đón đầu” có thể mang lại rất nhiều HCV, nhưng lại hầu như không để lại ấn tượng gì với bè bạn quốc tế, và chắc chắn không được “lưu danh sử sách” như những thành tích của điền kinh, bơi lội hay cầu lông.

Quốc Công
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm