Hơn cả giấc mơ Vàng SEA Games

20/08/2019 15:05 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Vượt qua những “lời ra tiếng vào” của dư luận về thể thao điện tử (eSports), bộ môn này đã được nhìn nhận đúng đắn hơn với sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng đến nhiều quốc gia. Và gần nhất, giấc mơ vàng SEA Games 30 của thể thao Việt Nam trên đất Philippines sắp tới không chỉ có bóng đá nam mà còn gửi gắm vào Liên Quân Mobile trong lần đầu tiên môn thể thao này được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức ở Đại hội khu vực.

Đội hình Mocha ZD eSports ra mắt, hướng tới chức vô địch SEA Games 30

Đội hình Mocha ZD eSports ra mắt, hướng tới chức vô địch SEA Games 30

Là siêu ứng dụng 'trùm giải trí', bên cạnh thế mạnh hiện có về kho phim, nhạc, tin tức, Mocha chính thức bước chân vào lĩnh vực eSports mà Việt Nam đang bắt đầu khởi sắc trên đấu trường quốc tế.

Thể thao điện tử thừa bất ngờ và hấp dẫn

Sẽ là định kiến nếu chỉ nhìn thể thao điện tử ở sự tiêu cực, chỉ dành cho “những đứa trẻ ham chơi” thì sau thời gian dài phát triển, nó giờ đây được thừa nhận giống như các môn thể thao chính thống. Một vài thông số để chứng minh cho luận điểm này như: Tại Vòng chung kết Chung kết thế giới vừa qua của bộ môn Liên quân Mobile diễn ra vào tháng 7 vừa qua (Arena of Valor World Cup), tính riêng tại Việt Nam có tới 651.924 người theo dõi cùng một thời điểm trận chung kết mà sau đó, đội tuyển Việt Nam (Team Flash) lên ngôi vô địch (Video livestream đứng đầu trending trên Youtube). Còn tính riêng tại khu vực Đông Nam Á và Đài Bắc Trung Hoa, số người xem tại cùng một thời điểm cao nhất đạt hơn 855 ngàn người và tổng số lượt xem là hơn 74,5 triệu người.

Chú thích ảnh

Và tiếp nối thành công tại Asian Games 2018, thể thao điện tử chính thức được công nhận là môn thể thao thi đấu tính huy chương ở SEA Games 30 diễn ra tại Philippines vào tháng 12/2019. Liên quân Mobile là một trong sáu nội dung được tính huy chương. Để tìm ra đội tuyển Liên Quân Mobile xuất sắc nhất Việt Nam tham dự SEA Games 30, Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) phối hợp cùng Công ty Vietnam Esports tổ chức Vòng tuyển chọn đội tham dự SEA Games vào ngày 17 và 18/8 tại tp HCM, giữa 4 đội Top 4 lượt đi của giải đấu thường niên Đấu trường Danh Vọng mùa đông 2019.

Trận chung kết của giải đấu được tường thuật trực tiếp trên Đài truyền hình TP.HCM và cũng đón nhận được sự theo dõi của đông đảo khán giả. Và các VĐV cũng cống hiến cho người xem đầy đủ những bất ngờ và kịch tính nhất như nhiều môn thể thao khác. Lọt đến trận cuối cùng, nhà ĐKVĐ thế giới Team Flash tưởng chừng sẽ lại dễ dàng đè bẹp Mocha ZD eSports như cách họ làm ở vòng loại. Và Mocha ZD eSports cũng phải trầy trật vượt qua hai đối thủ còn lại để lọt đến trận cuối cùng.

Chú thích ảnh

Nhưng chỉ sau một buổi tối rút kinh nghiệm, các VĐV của Mocha ZD eSports đã khiến Team Flash phải rùng mình. PS Man đã dẫn dắt các đồng đội Mocha ZD eSports lật ngược thế cờ ngoạn mục trong trận chung kết để thắng ngược đối thủ 4-3 sau khi đã bị dẫn 2-0, 3-1. Chứng kiến màn lội ngược dòng đỉnh cao, không ít CĐV đã vỡ òa xúc động. Các thành viên Mocha ZD eSports cũng rơi nước mắt hạnh phúc và tự hào vì thành quả có được. Đánh bại cả nhà vô địch thế giới để vinh hạnh đại diện Việt Nam dự SEA Games 30, Mocha ZD eSports đầy tự tin để hướng tới kết quả cao nhất ở Philippines cuối năm nay.

PS Man – đội trưởng của nhà vô địch cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự và tự hào với kết quả này. Chắc chắn mục tiêu của chúng tôi là mang về tấm HCV SEA Games cho thể thao nước nhà ở kỳ SEA Games sắp tới”. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam hoàn toàn có quyền nghĩ đến tấm HCV SEA Games 30 nội dung Liên quân Mobile bởi đây là môn thế mạnh của VĐV chúng ta. Bên cạnh đó, đối thủ số 1 của Việt Nam được nhận định là Thái Lan hứa hẹn sẽ mất hai VĐV chủ chốt ở kỳ Đại hội tới. Và như thế, tấm HCV đầu tiên và lịch sử nhiều khả năng sẽ thuộc về Việt Nam. “Những đứa trẻ ham chơi” mà dư luận từng định kiến sắp tới sẽ là những niềm hy vọng, tự hào của thể thao Việt Nam và khẳng định mình với bạn bè quốc tế.

Thể thao điện tử là ngành công nghiệp khổng lồ

Từ trước những năm 2000, Hàn Quốc đã manh nha ra đời ngành công nghiệp eSports và đến năm 2000, họ đã có game thủ chuyên nghiệp. Tiềm năng của nó được ghi nhận và cùng với công nghệ internet phát triển như vũ bão, eSports không quá khó để tìm chỗ đứng và nó mau chóng bùng phát từ Hàn Quốc đến mọi quốc gia khác. Ở thời điểm hiện tại, chắc hẳn giới kinh doanh không thể đánh giá thấp ảnh hưởng của thể thao điện tử đến xã hội. Minh chứng không đâu xa, tại những giải đấu Liên quân Mobile gần đây, kênh mua sắm trực tuyến lớn Shopee đã đồng hành với bộ môn này. Tại trường Đại học TDTT TP.HCM cũng đã chính thức có Khoa Thể thao Giải trí, 1 trong 7 khoa cơ bản của Trường theo quyết định của Bộ VH,TT và DL.

Chú thích ảnh

Những VĐV chân chính và là niềm tự hào của Tổ Quốc hiện tại được biết cũng sống rất khỏe với nghề. Thậm chí, VĐV của môn thể thao này có mức thu nhập cao hơn hẳn so với mặt bằng xã hội. Ví dụ như tiền thưởng từ chức vô địch tại giải vô địch thế giới Liên quân Mobile diễn ra ở Đà Nẵng hồi tháng 7 năm nay, đội tuyển Việt Nam đã nhận hơn 4,6 tỉ đồng. Nhà chuyên môn cho biết trong một năm sẽ có 2 giải quốc tế lớn như vậy (không tính SEA Games 30) và 2 giải quốc nội mang tên Đấu Trường Danh Vọng (nhà vô địch nhận 700 triệu tiền thưởng) cùng vô số các giải đấu tầm trung và nhỏ khác.

Tiền thưởng “khủng”, tiền lương và thu nhập hàng tháng của các VĐV cũng rất cao. Mỗi VĐV tham dự giải chuyên nghiệp sẽ phải có công ty làm đơn vị chủ quản. Lương của họ được đơn vị tổ chức giải là Garena Việt Nam và đơn vị chủ quản chi trả, trung bình là 7 - 15 triệu /tháng. Đặc biệt, các VĐV có đẳng cấp còn nhận thêm tiền từ nhà tài trợ (các thương hiệu ở đủ lĩnh vực), quảng cáo, stream, donate từ fan..., theo thống kê có VĐV kiếm được hàng trăm triệu một tháng.

Chú thích ảnh

Bên cạnh đó, số tiền họ có thể kiếm được cũng được khai thác ở mức độ nổi tiếng. Mỗi VĐV đều có facebook cá nhân, có người có thêm fanpage và kênh youtube... với hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Rất nhiều game thủ đã có nút bạc (đạt 100.000 subscribes) trên Youtube và họ hưởng hoa hồng quảng cáo không nhỏ từ kênh này.

Tại Việt Nam, chỉ tính về game Liên quân Mobile đến nay đã thống kê có hơn 12 triệu người chơi, trung bình cứ 2 người ở độ tuổi thanh niên thì có 1 người chơi Liên Quân. Kênh Youtube của Liên quân Mobile hiện có hơn 3,5 triệu người đăng ký và 2 fanpage chính có hơn 3,5 triệu lượt thích. Trò chơi này cũng hợp tác với nhiều KOLs (những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng) tầm cỡ như: Sơn Tùng M-TP, Rhymastic, Bray, Streamers Độ Mixi, CrisDevilGamer...

Tuy nhiên không chỉ có hào quang, các VĐV thể thao điện tử cũng phải vượt qua không ít gian khổ mới có thể đạt được thành công giống như các VĐV thể thao khác. Đầu tiên nó đến từ sự ủng hộ của gia đình. Không phải bậc cha mẹ nào cũng ủng hộ việc cho con em mình mạo hiểm với một ngành nghề còn mới ở Việt Nam. Để được gia đình ủng hộ, các VĐV cũng phải đấu tranh, chứng minh bằng thành tích vượt trội và trở thành nguồn kinh tế của gia đình.

Game thủ cũng đối diện với những nguy cơ chấn thương, đặc biệt như ở tay hoặc lưng nếu tập luyện quá nhiều. Thậm chí kể cả những yếu tố bẩm sinh như mồ hôi tay cũng có thể ngăn cản các VĐV đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp thi đấu. Để vươn đến đẳng cấp “số má” đủ sức vươn tầm thế giới, các VĐV sẽ đối mặt với lịch trình tập luyện hơn chục tiếng/ngày để thuần thục kỹ năng và áp lực thi đấu.

VĐV cũng hoàn toàn có thể bị cấm thi đấu nếu như liên quan tới các hành vi gian lận ngay từ lúc tập luyện. Do đó, để trở thành người chuyên nghiệp thì việc tránh xa các cám dỗ cũng là điều mặc định. Nhiều VĐV cũng xuất phát từ những gia đình hoàn cảnh khó khăn, để đi lên chuyên nghiệp, trang trải cuộc sống cũng là bài toán nan giải, nhất là việc phải vượt qua cám dỗ (với các bộ môn như Liên quân Mobile thì người chơi vi phạm việc chơi tài khoản hộ người khác để kiếm tiền được coi là vi phạm).

Vị trí địa lý cũng là rào cản để họ tiến tới chuyên nghiệp. Hiện các đội tuyển đang thi đấu ở hai địa điểm chính là Hà Nội và TP.HCM. Lò đào tạo trẻ trong Thể thao điện tử tại Việt Nam cũng chưa có như nhiều nước phát triển khác. Do đó, dù VĐV có tài năng nhưng để được biết tới và được mời thi đấu cũng phải trải qua một quá trình không đơn giản.

Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm