Hoãn Olympic 2020, nhớ về bi kịch năm 1940

28/03/2020 15:53 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Việc kỳ Olympic lần thứ 32 tại Tokyo phải dời lại thêm một năm vì dịch Covid-19 tuy bất ngờ, nhưng không phải chuyện quá lạ lẫm. Lịch sử Olympic từng chứng kiến một cú dừng bất ngờ tại kỳ Olympic diễn ra năm 1940, cũng ở Nhật Bản.

 

Olympic Tokyo 2020 chính thức bị dời sang năm 2021

Olympic Tokyo 2020 chính thức bị dời sang năm 2021

Sau buổi họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ vào chiều nay, 24/3, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Ban tổ chức Olympic Tokyo, và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thống nhất dời sự kiện thể thao quan trọng này sang năm 2021.

 

Cách đây 80 năm, Nhật Bản vinh dự giành quyền đăng cai kỳ Olympic diễn ra đầu tiên bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ. Đất nước mặt trời mọc muốn cho tất cả thấy nỗ lực của mình, đặc biệt là thủ đô Tokyo, nơi hứng chịu trận động đất khủng khiếp diễn ra năm 1923. Rốt cuộc, kỳ thế vận hội ấy lại là một câu chuyện buồn và nó được đặt với cái tựa “Lost Games” (Kỳ Thế vận hội mất tích).

Người Nhật đặt nhiều kỳ vọng

Vậy động cơ nào dẫn đến quyết tâm đăng cai kỳ Olympic này? Đó là thành công của các vận động viên Nhật Bản tại Olympic 1932 diễn ra ở Los Angeles, Mỹ. Thêm vào đó, Nhật Bản khi ấy hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích của thế giới về cuộc xâm lược vùng Mãn Châu, Trung Quốc. Ký giả David Goldblatt từng viết trong cuốn sách The Games, cuốn sách nói về lịch sử các kỳ Olympic như sau: “Mối liên quan giữa vị thế quốc tế và thành tích ở các kỳ Olympic khiến cho ý tưởng tổ chức kỳ Olympic tại Nhật Bản đáng được cân nhắc, chưa kể khao khát tổ chức giải đấu cùng chính sách ngoại giao”.

Động lực của Nhật Bản trong việc tổ chức kỳ Olympic thứ 12 trong lịch sử như đã nói ở trên là nỗ lực gây dựng uy tín sau một thảm họa. Nagata Hidejiro, Thị trưởng thủ đô Tokyo, tuyên bố lần đầu tiên về ý định nộp hồ sơ đăng cai Olympic 1940 vào năm 1930. Nó khá tương đồng với hoàn cảnh Tokyo đăng cai kỳ Olympic mùa hè 2020, khi Nhật Bản chuẩn bị kỷ niệm tròn 10 năm thảm họa hạt nhân Fukushima.

Sâu xa hơn, kỳ Olympic ấy nếu được tổ chức là một minh chứng cho những bước tiến quan trọng của thể thao Nhật Bản ở các kỳ Olympic. Năm 1912, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ngoài châu Âu và châu Mỹ tham dự Olympic, đồng thời cũng có đại diện trong Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC). Đến những năm 1930, vị thế của Nhật Bản tại đấu trường thể thao danh giá nhất thế giới được củng cố. Theo lời ông William Kelly, Giáo sư nghiên cứu về Nhật Bản thuộc Trường đại học Yale tiết lộ trên kênh CNN: “Nhật Bản tỏ rõ quyết tâm đăng cai một kỳ Olympic vào đầu những năm 1930”. Chìa khóa để Tokyo giành thắng lợi cho cuộc đua đăng cai là Baron Jigoro Kano, người sáng lập ra môn võ Judo, đồng thời là thành viên của IOC. Theo lời Henri de Baillet-Latour, chủ tịch IOC thời điểm ấy, ông Kano đã có một bài phát biểu đủ sức thuyết phục các thành viên. Cụ thể, ông Kano khẳng định việc tổ chức Olympic tại Nhật Bản sẽ đem đến một cái nhìn cởi mở hơn cho thế giới, như những gì người sáng lập Olympic Pierre de Coubertin mong muốn, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa phương Đông và phương Tây.

Bong da, Bong da hom nay, Hoãn Olympic 2020, nhớ về bi kịch năm 1940, Covid-19, đại dịch Covid-19, covid19, virus corona, Olympic tokyo 2020, hoãn Thế vận hội, TVH 2020
Kỳ Olympic thứ 12 năm 1940 từng được kỳ vọng sẽ là cú hích cho Tokyo và Nhật Bản, nhưng rốt cuộc đã bị hủy vì chiến tranh thế giới thứ hai

Tất nhiên, mọi chuyện diễn ra không hề dễ dàng với Tokyo. Trong cuộc đua giành quyền đăng cai kỳ Olympic thứ 12 ngoài thủ đô của Nhật Bản còn có hai thủ đô khác: Rome (Italy) và Helsinki (Phần Lan). Thời điểm ấy Rome được coi là ứng viên sáng giá nhất. Năm 1935, Sugimura Yataro, một thành viên của IOC đã bay đến Italy nhằm thuyết phục Rome từ bỏ cơ hội đăng cai. Benito Mussolini, khi ấy là Thủ tướng Italy, đã miễn cưỡng chấp nhận việc từ bỏ cơ hội. Theo lời ký giả Goldblatt, vị thủ tướng được coi là nhà độc tài trong lịch sử Italy không quên thòng một điều kiện: “Chúng tôi sẽ từ bỏ cơ hội đăng cai Olympic 1940 để ủng hộ Nhật Bản với điều kiện Nhật Bản cần phải ủng hộ nỗ lực của Italy trong việc giành quyền đăng cai kỳ Olympic tiếp theo vào năm 1944”.

Điều gì xảy ra sau đó? Ngay sau khi Olympic 1936 kết thúc, IOC tuyên bố trao quyền đăng cai kỳ Olympic lần thứ 12 cho Tokyo. Thủ đô của Nhật Bản đã đánh bại Helsinki với số phiếu giành được lên tới 37, so với con số 26 của thủ đô Phần Lan. Bốn năm sau kỳ Olympic tại Berlin (Đức), Nhật Bản đã nhìn thấy cơ hội để trở thành tâm điểm của một sự kiện thể thao toàn cầu. Chưa hết, năm 1938, IOC còn trao quyền đăng cai Olympic mùa đông cho một thành phố khác của Nhật Bản Sapporo.

Cơ hội quảng bá bị đánh cắp của Tokyo

Thật không may, năm ấy chứng kiến làn sóng tẩy chay của các quốc gia phương Tây khi tin tức về các cuộc xâm lược của Nhật Bản tới các thành phố Trung Quốc lan tỏa trên các mặt báo của Mỹ và châu Âu. Không còn một lựa chọn nào khác, chính phủ Nhật Bản buộc phải từ bỏ quyền đăng cai hai sự kiện Olympic. Ký giả Goldblatt phân tích thêm tình hình: “Các đoàn thể thao gồm Mỹ, Anh và Pháp bắt đầu nói về khả năng tẩy chay Olympic 1940 bởi di chứng từ sự đối xử tệ hại của chính quyền Hitler tại kỳ Olympic trước đó. Nhật Bản hiểu rõ họ không thể tiếp tục tổ chức Olympic nếu thiếu đi những đoàn thể thao quyền lực ấy”.

Không thể diễn ra ở Nhật Bản, IOC quyết định chuyển kỳ Olympic 1940 sang Helsinki. Rốt cuộc, kế hoạch ấy cũng tiêu tan do cuộc xăm lăng của Xô Viết cũ đến Phần Lan vào tháng 11/1939. Không còn cách nào khác, IOC buộc phải tạm hoãn Olympic lần thứ 12 trước khi quyết định hủy bỏ hoàn toàn giải đấu ấy.

Bong da, Bong da hom nay, Hoãn Olympic 2020, nhớ về bi kịch năm 1940, Covid-19, đại dịch Covid-19, covid19, virus corona, Olympic tokyo 2020, hoãn Thế vận hội, TVH 2020
Một tấm áp phích của Olympic 1940

Thiệt hại của Tokyo do không thể tổ chức Olympic 1940 là rất rõ ràng. Ông Kelly cho biết Nhật Bản đầu tư không nhỏ cho quá trình chuẩn bị Olympic, bao gồm mạng lưới giao thông, điều kiện vệ sinh và xây dựng khách sạn: “Các doanh nghiệp địa phương đầu tư các trang thiết bị mà không tính đến tiềm năng khách hàng trong tương lai. Dễ hiểu cho cảm giác thất vọng của họ nhưng thời điểm ấy chúng ta không thể thờ ơ với phản ứng từ phía chính phủ. Nước Nhật mất đi cơ hội tận dụng sự kiện tầm cỡ thế giới này để cho tất cả thế giới thấy tầm vóc của mình”.

Những gì xảy ra ở Olympic 1940 như một tấm gương phản chiếu cho chính kỳ Olympic vừa phải hoãn lại vì Covid-19, cũng là một kỳ Olympic nữa diễn ra tại Tokyo. Những người theo dõi thường xuyên Olympic sẽ để ý đến việc các kỳ Olympic gần đây luôn gặp những rắc rối nào đó. Kỳ Olympic 2012 ở London là những vấn đề về an ninh. Olympic 2016 ở Rio de Janeiro là tác động của virus zika. Và giờ thì đến lượt virus corona khiến Tokyo phải chờ đợi đến năm sau mới có cơ hội tổ chức Olympic. Quay ngược về thế kỷ trước, vấn đề của một số kỳ Olympic là sự tẩy chay diện rộng như Olympic 1980 và 1984, hay là những thảm kịch tại Olympic 1972 ở Munich và Olympic 1996 ở Atlanta.

Suốt 100 năm qua, chưa bao giờ thế giới chứng kiến một biến cố kỳ lạ có thể đẩy lùi cả một kỳ Olympic như dịch bệnh Covid-19. Những gì người Nhật hy vọng vào lúc này là Olympic lần thứ 32 vẫn sẽ diễn ra đúng kế hoạch, thay vì thêm một lần phải hủy bỏ như cách đây 80 năm.

Đức Hùng
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm