Hiểm họa chấn thương của VĐV Việt Nam: Tử thần luôn rình rập

10/05/2019 06:57 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sự việc cầu thủ Nguyễn Huỳnh Thiện Đức không may rơi vào tình trạng “nuốt lưỡi” sau một pha va chạm mạnh trên sân Gò Đậu ở vòng 8 V-League vừa qua cho thấy, những hiểm họa khôn lường luôn rình rập với giới cầu thủ nói riêng hay các VĐV nói chung ở các môn thể thao có tính chất đối kháng hoặc va chạm mạnh. Sự việc này, cũng gióng lên hồi chuông báo động và việc buộc phải trang bị kiến thức sơ cứu, cấp cứu với những người trong cuộc là điều hết sức cần thiết.

Dùng máy bay vận chuyển VĐV phục vụ cuộc đua xe đạp 'Về Điện Biên Phủ 2019'

Dùng máy bay vận chuyển VĐV phục vụ cuộc đua xe đạp 'Về Điện Biên Phủ 2019'

Sáng 23/4, BTC Cuộc đua Xe đạp "Về Điện Biên Phủ-2019, Cúp Báo Quân đội nhân dân" tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu về công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đua. Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2019).

Nguy cơ đến từ các tình huống va chạm mạnh

­V-League từng được chứng kiến rất nhiều tai nạn hoặc chấn thương nghiêm trọng của các cầu thủ trong suốt chiều dài lịch sử. Điều đó đến từ các pha va chạm, hoặc các tình huống chơi xấu của đối phương và hậu quả của nó thật sự khiến không các chân sút hoặc phải bỏ dở sự nghiệp hoặc vĩnh viễn không thể thi đấu với năng lực như trước.

Chấn thương mà các cầu thủ thường hay mắc phải như chấn thương gân khoeo, mắt cá, đứt dây chằng gối, thoát vị, gãy xương hoặc thương tích da… do họ hàng ngày thường xuyên đối mặt với các pha va chạm dẫn đến lực tác động đột ngột vào các vị trí khớp, hay có thể do quá trình vận động với cường độ lớn lâu ngày.

Trường hợp điển hình mắc phải chấn thương do va chạm dẫn đến phải giải nghệ chắc hẳn rất nhiều người vẫn còn nhớ, đó là cầu thủ Trần Anh Khoa. Tiền vệ sinh năm 1991 đã buộc phải treo giày ở tuổi 26 sau hơn 1 năm điều trị 5 chấn thương nghiêm trọng như đứt và rách dây chằng chéo trước, chéo sau, chéo trong; rách và vỡ sụn chêm; tổn thương gối trái chỉ sau 1 cú vào bóng của hậu vệ Quế Ngọc Hải phía Sông Lam Nghệ An. Sau sự việc này, nhiều điều khoản xử phạt đối với hành chơi xấu trong Quy định kỷ luật của VFF đã buộc phải thay đổi nhưng ước mơ chơi bóng của Anh Khoa cũng đã vĩnh viễn khép lại.

Chấn thương của Anh Khoa là nghiêm trọng, có thể khép lại cuộc đời của một chân sút dù ở bất cứ độ tuổi nào song trên thực tế, nó nằm trong nhóm chấn thương không ảnh hưởng đến tính mạng. Trường hợp mới đây mà Nguyễn Huỳnh Thiện Đức mắc phải mới thực sự đáng lo ngại và đòi hỏi tất cả những người có mặt trên sân cần nắm được nguyên tắc sơ cứu, cấp cứu mới có thể giúp được người bị chấn thương thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Sau một pha va chạm rất mạnh bằng đầu với cầu thủ đội bạn, Thiện Đức bị rơi vào tình trạng bị chấn động não, co giật và “nuốt lưỡi” (cơ lưỡi giãn ra chèn ép đường thở sau khi nạn nhân bất tỉnh). Nếu không có sự nhanh trí và kịp thời của trọng tài Ngô Duy Lân và đội trưởng Thành Lương (Hà Nội FC) với việc cạy miệng và đặt Thiện Đức nằm nghiêng thì chưa hiểu điều gì sẽ xảy ra. Điều may mắn với tiền vệ 20 tuổi của Bình Dương là được kịp thời sơ cứu đúng phương pháp ngay trên sân nên không ảnh hưởng tới tính mạng và quá trình phục hồi sau này. Tuy nhiên, cầu thủ từng được gọi tập trung cùng U23 Việt Nam này được xác định thái dương bị lõm, anh cần thời gian để hồi phục.

Không chỉ Thiện Đức rơi vào trạng thái cắn lưỡi mà trước đó, cầu thủ Hà Minh Tuấn cũng rơi vào tình cảnh nguy cấp này. Phút 84 trong trận Hà Nội và Quảng Nam ở V-League 2017, Hà Minh Tuấn đã va chạm một lúc với 3 cầu thủ đối phương rồi ngã xuống nằm bất động. Lúc này, người anh co giật cho thấy thần kinh bị ảnh hưởng, rất may khi đó đồng đội đã nhanh trí đưa tay vào họng rồi kéo lưỡi tiền đạo này.

Những nỗi đau trong quá khứ

Bóng đá là như vậy, còn ở các môn thể thao khác những chấn thương nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe cũng đã xảy ra không ít với các VĐV của thể thao Việt Nam những năm vừa qua. Thậm chí, đến cả ngành thể thao cũng không thể có một thống kê chính xác về số lượng VĐV phải rời sàn đấu, sàn tập do chấn thương ở các môn thể thao, đặc biệt là các môn đối kháng như võ, vật bởi nó quá nhiều và trở thành chuyện “cơm bữa”.

Nếu cần tìm một ví dụ tiêu biểu cho chấn thương trong quá trình tập luyện, Lê Thị Huệ chính là cái tên rất nhiều người biết đến. Một chấn thương đốt sống cổ diễn ra trong thời gian tập luyện trước thềm SEA Games 22 (năm 2003) đã khiến đô vật nổi tiếng của Thanh Hóa trở thành người tàn phế vĩnh viễn và ngày đêm vẫn đang phải vật lộn với các di chứng do chấn thương để lại. Lê Thị Huệ đã chiến đấu rất ngoan cường trước nghịch cảnh của số phận và chiến thắng lớn nhất của đô vật người Thanh Hóa trên sàn đầu cuộc đời lúc này là không để phụ thuộc vào đôi nạng hoặc chiếc xe lăn.

Nhưng không có được sự may mắn sau một chấn thương tương tự như Lê Thị Huệ và cũng ở thời điểm trước thềm SEA Games 22 là võ sỹ Trần Thanh Ngời ở môn Judo. Trần Thanh Ngời đã vĩnh viễn ra đi sau 95 ngày điều trị trong bệnh viện sau khi bị tổn thương nghiêm trọng ở đốt sống cổ số 4 và số 5 kể cả khi đã được các bác sỹ tận tình cứu chữa. Sự ra đi của võ sỹ này đã trở thành nỗi đau khôn nguôi và ám ảnh thể thao Việt Nam cho đến tận thời điểm này.

Chỉ một thoáng sơ sảy trong quá trình tập luyện, chấn thương đã cướp đi một tài năng của thể thao nước nhà và thực tế cho thấy, nguy cơ chấn thương nghiêm trọng luôn thường trực rình rập các tuyển thủ, đặc biệt ở các môn thể thao võ, vật có tính đối kháng quyết liệt, với các đòn vật hoặc quật ngã.

Theo ý kiến của GS.TS Lê Quý Phượng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT - một người có nhiều năm nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực khoa học, y học thể thao của thể thao Việt Nam, việc trang bị kiến thức y khoa nhằm giúp các VĐV, HLV và những người hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực thể thao là đặc biệt cần thiết. “Các VĐV cũng rất cần được trang bị kiến thức y tế để họ có thể xử lý đúng tình huống trong tình huống khẩn cấp bởi không phải lúc nào cũng có bác sỹ chuyên khoa thường trực ở điểm tập luyện hoặc thi đấu. Cần nhớ rằng, chấn thương trong thể thao rất đa dạng và có những điểm khác biệt với chấn thương thông thường. Việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu kịp thời và đúng đắn sẽ giúp các nạn nhân tránh được tình trạng nguy hiểm tính mạng hoặc tạo thuận lợi trong quá trình điều trị sau này”.

Từ thực tế những hiểm họa luôn rình rập các VĐV trong quá trình tập luyện, thi đấu, nên chăng việc trang bị kiến thức y tế cơ bản phải trở thành quy định bắt buộc đối với các HLV, VĐV của thể thao Việt Nam? Đây là bài toán cần những người làm công tác quản lý sớm đưa ra lời giải và cũng đừng cho rằng, kiến thức y học trong thể thao là chuyện của riêng bác sỹ.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm