'Hãy gạt bỏ tư duy phải đạt Top 3 'hội làng'

04/08/2017 06:14 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Đến hẹn lại lên, mỗi khi thể thao nước nhà chuẩn bị bước vào chiến dịch lớn, ông Nguyễn Hồng Minh - Nguyên Vụ trưởng Vụ TTTTC Tổng cục TDTT; nguyên Trưởng Đoàn TTVN tại nhiều đại hội thể thao quốc tế cũng dành cho báo Thể thao & Văn hóa bài viết riêng, với những đánh giá, phân tích, dự cảm khả năng. Trước thềm SEA Games 29, Thể thao & Văn hóa trân trọng giới thiệu bài viết của ông về cuộc đấu tại sân chơi thể thao khu vực.

1. Tiến trình tham gia Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) của TTVN đã trải qua gần 60 năm (1959-2017) với các giai đoạn khác nhau.

Từ năm 1959-1975 quan hệ TDTT của Việt Nam đối với các nước trong khu vực chủ yếu là miền Nam Việt Nam. Việt Nam có vai trò là một trong những thành viên sáng lập ra tổ chức thể thao Đông Nam Á và Đại hội Thể thao bán đảo Đông Nam Á (tháng 6/1959 gọi tắt là SEAP Games). Các vận động viên (VĐV) miền Nam Việt Nam đã tham dự tất cả 7 kỳ Đại hội và giành nhiều huy chương các loại, tuy nhiên do trình độ hạn chế (chưa bao giờ vượt qua mốc 10 huy chương vàng trong 1 kỳ Đại hội) nhưng bóng đá, bóng bàn, xe đạp… đã lên ngôi vô địch ở Đông Nam Á.

Từ năm 1989, TTVN tham gia SEA Games 15 (Kuala Lumpur, Malaysia) với 46 VĐV của 6 môn thể thao, cho đến nay thường xuyên tham gia các kỳ SEA Games với hàng trăm VĐV của trên dưới 30 môn thi đấu.

Thành tích của Đoàn TTVN ngày càng tiến bộ: 10 năm đầu hội nhập là giai đoạn nỗ lực vượt qua khó khăn, dần dần vươn lên từ vị trí thứ 7/9 (với 3 HCV) năm 1989; năm 1991 - Manila, Philippines (7 HCV); năm 1993 - Singapore xếp thứ 6/9 (9 HCV); 1995 - Chiang Mai, Thái Lan (10 HCV). Đến SEA Games 19 - Jakarta, Indonesia 1997, TTVN vươn lên thứ 5/10 (với 35 HCV. Tại SEA Games 21 - Kuala Lumpur, Malaysia 2001 là vị trí thứ 4/10. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của TTVN khi chưa có nền tảng phát triển của thể thao thành tích cao; chưa có điều kiện đảm bảo cho việc đầu tư; khắc phục hậu quả chiến tranh và những sai lầm của các chính sách phát triển kinh tế… Trong hoàn cảnh đó, TTVN đã lựa chọn sách lược "đi tắt đón đầu" để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực. Sách lược này đã thành công với việc tập trung phát triển các môn võ thuật (Wushu, Pencak Silat, Vật, Judo, Taekwondo, Karatedo và Bắn súng).

Mười năm tiếp theo (2003-2013) là giai đoạn phát triển nhanh chóng và ổn định của TTVN trên đấu trường Đông Nam Á. Công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 22 tại Việt Nam 2003 đã thành công. Lần đầu tiên Đoàn TTVN giành vị trí thứ nhất (với 156 HCV), từ đó thể thao nước nhà luôn xếp thứ 2 và thứ 3 toàn đoàn các kỳ SEA Games. Sách lược "đi tắt đón đầu" vẫn tồn tại nhưng nội tại TTVN đã bộc lộ những mâu thuẫn, đã xuất hiện "rào cản" trong quá trình phát triển. Có thể khẳng định 50 năm đầu của quá trình phát triển, SEA Games đã đóng vai trò quan trọng trong việc hội nhập và nâng cao thành tích TTVN. Mặt tích cực này trên thực tế, chúng ta đều thấy rõ và trân trọng nó.

Chú thích ảnh
Ánh Viên sẽ lại làm mưa làm gió ở SEA Games năm nay? Ảnh: V.S.I

2. Từ năm 2003, Đoàn TTVN luôn luôn giành được vị trí cao ở khu vực (Top 3) nhưng tham gia đấu trường châu lục Asian Games và Olympic Games thành tích rất hạn chế: Kết quả cao nhất là 4 HCV tại Asian Games - 2002 tại Busan, Hàn Quốc và 3 HCV ở Qatar 2006, hai kỳ Asian Games ở Quảng Châu, Trung Quốc 2010 và Incheon, Hàn Quốc 2014 chỉ giành được 1 HCV! Trên vũ đài Olympic còn khoảng cách lớn hơn dù đã có 2 tấm HCB của nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân ở Sydney 2000 và lực sĩ cử tạ nam Hoàng Anh Tuấn tại Bắc Kinh, Trung Quốc 2008.

Năm 2005, Hội nghị toàn Ngành thể thao chuyên đề phát triển thể thao thành tích cao đã thống nhất mục tiêu đến năm 2020 là phải vươn lên đấu trường châu lục (Asian Games) và một số VĐV ưu tú vươn lên đấu trường Olympic. Tuy nhiên, tư tưởng chạy theo và lệ thuộc vào SEA Games vẫn tồn tại, tư duy "đi tắt đón đầu" vẫn chưa được khắc phục trong giới quản lý chuyên môntrong nhiều năm. Sau SEA Games 2011 - Jakarta, Indonesia và 2013 - Naypytaw, Myanmar và trước đó là thất bại tại Asian Games 2010 - Quảng Châu, Trung Quốc, TTVN đã thấy rõ những tiêu cực, hạn chế và mặt trái của SEA Games; trình độ yếu kém của VĐV Việt Nam trên đấu trường châu lục. Từ đó đã có những thay đổi quan trọng trong định hướng phát triển của TTVN. Đó là: Không lệ thuộc vào chương trình thi đấu SEA Games, coi đây là "bàn đạp" để vươn lên châu lục; không nhất thiết phải giành vị trí trong Top 3 ở SEA Games, tập trung đầu tư trọng tâm trọng điểm, nhằm vượt giới hạn.

3. SEA Games năm nay, có 38 môn thi đấu với 403 nội dung (tức là có 403 bộ huy chương). Tình trạng sắp xếp các nội dung chương trình thi đấu vẫn diễn ra như "truyền thống" đáng buồn vốn có. Tại các Hội nghị của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cũng đã diễn ra các cuộc tranh cãi dữ dội cuối cùng "hội làng" vẫn phải chấp nhận "cả làng"!

Đoàn TTVN đã phải chấp nhận những bất lợi sau đây: Một số môn và nội dung Việt Nam có thế mạnh nhưng không có trong chương trình (Đua thuyền Rowing và Canoing, Vật, Thể hình, Cử tạ - không có các nội dung của nữ. Boxing - không có nội dung của nữ; Wushu - không có nội dung tán thủ; Bắn súng - không có các nội dung thi đồng đội. Rút bớt một số hạng cân của Taekwondo (còn 16) Karatedo (16) và Judo chỉ còn 6 hạng cân, Đấu kiếm (6 nội dung). Rất nhiều môn nội dung có trong chương trình nhưng Việt Nam và một số đoàn khác không thể tham gia: Đua ngựa (cả ba loại Dresage, Showjumping và Polo), Hockey (cả 3 loại là Hockey Fiel, Indoor và Hockey trên băng), Trượt băng (cả nghệ thuật và tốc độ cự ly ngắn), Bóng bầu dục Rugby, Netball, Lawn Bowls, Squash, Sailing, Triathlon (3 môn phối hợp), Waterski và Waterboard…

Tổng số các môn, nội dung Việt Nam không thể tham gia có số lượng huy chương là 71 bộ/tổng số 403 bộ huy chương. Các môn TTVN có thế mạnh các nội dung đã giành HCV của các kỳ SEA Games trước bị cắt bỏ khiến cho VĐV Việt Nam không có điều kiện mang về khoảng 30 HCV nữa. Trong tình thế bất khả kháng đó TTVN trông chờ vào đâu? Cũng bớt âu lo phần nào khi TTVN đã chuẩn bị tốt các môn chủ lực: Điền kinh, Bơi, Thể dục dụng cụ, Bắn súng, Cử tạ; một số VĐV ưu tú ở các môn Taekwondo, Judo, Kiếm, Karatedo, Wushu với phương thức "quý hồ tinh bất quý hồ đa"; hai môn Pencak Silat và Muay với những VĐV xuất sắc đạt trình độ thế giới. Thắng lợi của TTVN tại SEA Games 28 năm 2015, nhất là thắng lợi của các môn thể thao trong chương trình Olympic (Điền kinh, Bơi, Thể dục dụng cụ, Đua thuyền, Đấu kiếm, Bắn súng chiếm 64/73 HCV) là động lực và là cơ sở để Đoàn TTVN vững tin thi đấu kỳ này.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: 'Đầu tư kiểu này thành công như Hoàng Xuân Vinh là phi thường'

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: 'Đầu tư kiểu này thành công như Hoàng Xuân Vinh là phi thường'

Ngoài ông Minh, trong số báo này chúng tôi dành “nhiều đất” cho các nhà quản lý, HLV, chuyên gia thể thao đánh giá về bức tranh toàn cảnh của TTVN sau ánh hào quang mang tên Hoàng Xuân Vinh.

Tuy nhiên, có thể Đoàn TTVN sẽ không nằm trong Top 3 trong kỳ SEA Games này (có thế thôi!) nhưng theo tôi điều đó không quan trọng. Sẽ là điều tốt cho sự phát triển khi cả một nền thể thao của chúng ta không còn bị phụ thuộc vào cái đích Top 3 ở "hội làng".

Nếu như Điền kinh, Bơi lội, TDDC đạt thành tích là vị trí hàng đầu, nếu như các VĐV ưu tú của Bắn súng, Bóng bàn, Taekwondo, Judo, Karatedo, Đấu kiếm, Wushu, Pencak Silat, Muay… (dù rất ít bộ huy chương) nhưng vẫn kiên cường giành chiến thắng. Nếu như Bóng đá nữ, đặc biệt là Bóng đá nam giành được HCV... thì đấy là thắng lợi to lớn, đáng trân trọng và đáng vinh danh của TTVN.

TTVN với những VĐV ưu tú nhất đang phải nhìn về phía trước với những nhiệm vụ khó khăn trên các đấu trường danh giá như Asian Games 2018 Indonesia và Olympic ở Tokyo vào năm 2020.

Hy vọng và cầu chúc Đoàn TTVN thành công.

“Cố tật” của thể thao vùng trũng

10 năm trở lại đây, thể thao Đông Nam Á, cụ thể là SEA Games đã xuất hiện và ngày càng phát triển một xu hướng tiêu cực: Nước chủ nhà vì muốn "chiến thắng bằng mọi giá" và muốn xếp hạng cao nên đã sắp xếp nội dung, chương trình thi đấu theo hướng loại bỏ hoặc hạn chế tối đa các môn thể thao thế mạnh của đối phương và sắp xếp ưu tiên các môn thế mạnh của mình. Chính vì vậy nước chủ nhà thường giành ưu thế. Sau mỗi kỳ SEA Games, chương trình thi đấu thường thay đổi từ 1/3 đến 2/5 nội dung. Thậm chí, có môn thể thao trong chương trình Olympic, Asian Games đã không được đưa vào chương trình của SEA Games... Những việc trên diễn ra và được quyết định trên bàn Hội nghị "đàm phán" và “logby”. Xu hướng ngày càng thể hiện rõ và gây hậu quả tệ hại: Thể thao Đông Nam Á không thể ổn định và phát triển theo một quy luật khách quan, thành tích "ảo" và trình độ các môn thể thao Olympic thấp kém. Tư tưởng "fair play" của phong trào Olympic quốc tế không được tôn trọng.

Nguyễn Hồng Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm