HẬU SEA Games 28: Thành công mang khuôn mặt trẻ

25/06/2015 12:07 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - SEA Games 28 đã đi vào lịch sử Thể thao Việt Nam với tư cách là kỳ SEA Games thành công nhất. Thành công không hề đến từ thứ hạng chung cuộc, hay số lượng những tấm HCV mà thành công gắn với những môn thể thao Olympic - Thước đo chuẩn cho sự phát triển của bất kỳ nền thể thao quốc gia nào.

Và hơn hết, thành công tại SEA Games 28 còn gắn liền với những mặt tuyển thủ còn rất trẻ như: Kình ngư Ánh Viên (19 tuổi); tuyển thủ Thể dục dụng cụ Đinh Phương Thành (19 tuổi); kỷ lục gia điền kinh nữ Nguyễn Thị Huyền (20 tuổi)... Và với họ, thành công này vẫn chưa phải là cái đích cuối trong sự nghiệp đỉnh cao mới chỉ bắt đầu. Đó cũng là nội dung chuyên mục "Phỏng vấn" tuần này của Thể thao & Văn hóa.

Nguyễn Thị Ánh Viên: Không muốn đứng thứ hai

Sau kỳ tích giành 8 HCV và phá 8 kỷ lục Đại hội tại SEA Games 28, Ánh Viên vụt trở thành gương mặt sáng giá nhất của làng Thể thao Việt Nam. Liên tục là những cuộc gặp gỡ, giao lưu... chả kém bất kỳ ngôi sao showbiz nào, nhưng cô gái quê Cần Thơ vẫn chẳng đánh mất đi đâu cái chất "quê" của mình. Ngượng nghịu và chỉ duy nhất một chủ đề là "bơi", Ánh Viên cho biết, mình đã "quên" rồi 8 tấm HCV SEA Games để hướng đến mục tiêu cao hơn.


Ánh Viên đặt mục tiêu giành huy chương Olympic trong tương lai

- Em muốn bơi ở các giải châu Á và thế giới. Sắp tới tham dự giải thế giới, em muốn vào vòng chung kết.

Đã 18 và sắp 19 tuổi rồi, vậy mục tiêu tiếp theo của em chỉ có bơi lội và em chỉ nghĩ đến thành tích thôi ư? Bạn trai thì sao?

- Hiện tại thì em không cần (cười lớn)!

 Vì đâu mà Ánh Viên bơi giỏi thế?

- Bí quyết chỉ là ăn, ngủ, tập luyện và... hay cười.

Một ngày Ánh Viên bơi khoảng bao nhiêu cây số và lịch tập như thế nào?

-  Một ngày em phải bơi khoảng 14-15 cây số, tốc độ nhanh hay chậm là vấn đề chuyên môn, chuyện của thầy.

Em có muốn chia sẻ gì với các bạn thanh niên không?

- Để trở thành công dân tốt, mình phải đặt mục đích cao để mà phấn đấu. Không có giới hạn nếu mình cứ cố gắng một ngày.

Nhắc đến thành công của Ánh Viên không thể không nhắc đến vai trò của HLV ruột Đặng Anh Tuấn, người đã dẫn dắt cô từ khi còn "bơi như con lăng quăng" (lời của HLV Đặng Anh Tuấn) tới khi trở thành nữ kình ngư hàng đầu châu Á.

- Khi đến với SEA Games, thầy trò chúng tôi đã đặt mục tiêu: Chúng ta phải thắng, phải đạt HCV và có kỉ lục SEA Games. Tất cả các nội dung chúng tôi tham dự đều hướng đến mục đích đó. Thực tế, trình độ của Ánh Viên trên trình độ SEA Games một mức nhưng Ánh Viên cũng phải rất nỗ lực.

Khi bắt đầu chuyến tập huấn ở Mỹ, các bạn biết không, bước vào phòng ngủ của Ánh Viên, bạn sẽ thấy một khẩu hiệu mà Ánh Viên viết và để trên đầu giường là: "Cố gắng tập luyện để giành 9 HCV SEA Games". Khi Ánh Viên bước vào phòng, em chỉ thấy khẩu hiệu đó. Khi Ánh Viên bước ra hồ, cũng chỉ có khẩu hiệu ấy.

Ánh Viên chưa thể hiện được tất cả mọi thứ mà em có ở SEA Games vừa qua. Lý do khách quan là đội chủ nhà Singapore đã sắp xếp lịch thi đấu rất sát, cố tình để Ánh Viên không đủ thời gian hồi phục.

Tuy nhiên, nếu chúng ta gặp những vấn đề, đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu Ánh Viên đạt được những thành quả vừa qua, đó cũng là những bước khắc ghi quá trình phấn đấu của Ánh Viên.

 Ông đánh giá thế nào về cơ hội của các VĐV Việt Nam tại các đấu trường lớn hơn như châu Á và thế giới?

 - Chúng ta không thể nói thành quả vừa đạt được ở SEA Games 2015 là tuyệt vời. Bởi trong thể thao không có cái đích cuối cùng. Nếu chúng ta tuyệt vời rồi, chúng ta không thể làm được gì hơn. Từ ngày Ánh Viên còn bé đến khi em trở thành VĐV chuyên nghiệp như bây giờ, phương châm dạy dỗ Ánh Viên là: Quên ngay chiến thắng. Khát khao chiến thắng nhưng phải quên ngay chiến thắng!

Ánh Viên đã lĩnh hội được điều đó. Khi Ánh Viên bước ra thi đấu, chúng ta thấy trên nét mặt của Ắnh Viên sự quyết tâm. Nhưng khi chạm tay về đích rồi, đó là chiến thắng của quá khứ chứ không phải chiến thắng của ngày mai. Do đó, Ánh Viên sẽ thất bại nếu nghĩ rằng đó là chiến thắng của chính mình. Phương hướng tập luyện tiếp theo của Ánh Viên cũng sẽ như vậy. Chúng ta hy vọng Ánh Viên sẽ viết nên những trang sử mới cho thể thao nước nhà.

Đinh Phương Thành: Nhắm tới đấu trường Olympic

Cũng 19 tuổi, cũng có 1 kỳ SEA Games tỏa sáng để lập nên 2 kỳ tích mới cho Thể dục dụng cụ Việt Nam qua 2 chức vô địch: Đồng đội và toàn năng nam, Đinh Phương Thành - Hotboy mới của làng thể thao Việt lại là tấm gương sáng về nghị lực, ý chí để đến với với môn thể thao đầy thách thức và thành công.


Đinh Phương Thành muốn giành suất tham dự Olympic Rio 2016

- Điều gì giúp Thành làm nên thành công ở một nội dung được xem là khó nhất của Thể dục dụng cụ (toàn năng) và cũng là tấm HCV mà Thể dục dụng cụ Việt Nam chưa hề có trong nhiều lần tham dự SEA Games trước?

Chủ yếu là tâm lý thoải mái thôi. Về đối thủ, em không “ngán ngại” ai cả, mình cứ thi đấu hết mình. Cũng có thể đây là lần đầu tiên em đi thi và cũng là lần đầu tiên có được HCV nội dung toàn năng, nên gặp ít áp lực. Có lẽ kỳ SEA Games sau em mới có áp lực để bảo vệ chức vô địch .

 - Được biết, Thành đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có được thành công như hôm nay?

- Vâng, ngày nhỏ, em có thân hình nhỏ, thấp bé mà lại hay bệnh nên chỉ muốn đến với thể thao để được khỏe mạnh hơn. Rồi trong 8 năm đi tập huấn tại Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn với bệnh tật, nhưng được sự ủng hộ của gia đình, các thày và các đồng đội, em đã vượt được qua tất cả.

Vậy mục tiêu của bạn trong tương lai là gì?

- Trong cả cuộc sống lẫn thể thao, em chỉ có duy nhất một mục tiêu, đó chính là bám sát người em hâm mộ nhất, yêu quý nhất, đó là anh Phạm Phước Hưng (tuyển thủ đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia). Em làm mọi thứ đều lấy anh Hưng làm mẫu. Anh Hưng thực sự là thần tượng của em. Anh luôn dìu dắt em trên con đường tập luyện, cách sống, ứng xử.

Còn trong thi đấu, em đặt mục tiêu phấn đấu giành suất tham dự Olympic Brazil 2016.

Nói về mục tiêu này, theo HLV của Đinh Phương Thành, ông Trương Tuấn Hiền ông cho biết: “ Đinh Phương Thành sẽ là người thực hiện được ước mơ của nhiều thế hệ VĐV thể dục, có mặt tại Olympic nếu được đầu tư đúng và hiệu quả. Không hẳn đã có kỹ thuật tốt với nhiều động tác khó, nhưng Thể dục dụng cụ vốn là một môn thể thao đầy tính nghệ thuật nên sự tinh tế trong từng động tác cũng là điều mà các trọng tài đánh giá rất cao.

Phương Thành rất biết tiết chế cảm xúc, động tác của Thành thường rất tinh tế, nhẹ nhàng và làm toát ra được vẻ đẹp của từng động tác một. Phong thái biểu diễn thong dong, nhẹ nhàng và đầy tinh tế chính là điểm mạnh của Đinh Phương Thành và đó là sự độc đáo riêng có, không ai bắt chước được. Thành đã tập luyện chăm chỉ miệt mài và luôn cố gắng làm mới mình. Phương Thành xứng đáng với tấm HCV ngày hôm nay.”

Nguyễn Thị Huyền: Vượt qua nghịch cảnh để thành công

11 chiếc HCV của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 28, thành tích ấn tượng nhất chắc chắn phải là Nguyễn Thị Huyền, cô gái quê Nam Định giành 3 HCV (các cự ly 400m rào, 400m và tiếp sức 4x400m nữ) cùng phá 2 kỷ lục Đại hội và 2 chuẩn Olympic (400m rào và 400m). Nhưng không nhiều người biết, sau những kỳ tích đó là là nghị lực sống tuyệt vời của cô gái quê Yên Minh (Ý Yên, Nam Định) bố mất sớm, phải trông nom, nuôi nấng mẹ già cùng người chị gái bệnh tật . 


Nguyễn Thị Huyền làm nên lịch sử tại SEA Games 28

"Khổ sở thật đấy, nhưng tôi vẫn yêu gia đình mình, thương mẹ đau yếu, thương chị mắc chứng bệnh thần kinh quái ác. Đối với tôi, mỗi chiến thắng trên đường chạy có sự đóng góp rất lớn từ gia đình. Tôi lớn lên cùng điều đó và vì gia đình làm mọi chuyện để cuộc sống tốt đẹp hơn…", Huyền tâm sự ngay trên đất Singapore sau khi làm nên những chiến công lớn

Đặc biệt hơn, tại nội dung 400m nữ, thành tích của Huyền không chỉ mang 1 HCV lịch sử, 1 kỷ lục được phá sau 20 năm, 1 suất chính thức tới Olympic mà còn mở ra những cơ hội tranh chấp sáng giá cho điền kinh Việt Nam với các thông số tiệm cận mặt bằng châu lục.  Nhưng ngay cả khi lập được chiến công này, Huyền cũng phải vượt qua không ít khó khăn: "Trong quá trình chuẩn bị SEA Games 28, tôi đã gặp khá nhiều vấn đề về sức khoẻ như dạ dày, viêm họng, sốt... Có lẽ một phần do tâm lý lo lắng khi vào giải. Thế nhưng khi sang Singapore, sức khỏe của tôi dần ổn định. Bước vào thi đấu, tôi rất tự tin".

Với cô gái nhà nông này, SEA Games đã ở lại phía sau và phía trước là cuộc hành trình tới Olympic 2016.

Nguyễn Thị Thanh Thủy: Trở thành ngôi sao nhờ... ba!

Mới lên đội tuyển trẻ quốc gia từ năm 2011 và đến 2013 mới được vào đội tuyển quốc gia, lần đầu tiên tham dự SEA Games, Nguyễn Thị Thanh Thủy đã giải hạn cho Judo Việt Nam bằng tấm HCV đầu tiên ở hạng 52kg sau khi vượt qua hàng loạt đối thủ lớn và hạ bệ ĐKVĐ SEA Games Phonenaly của Lào.


Thanh Thủy có điểm tựa vững chắc từ gia đình

Nguyễn Thị Thanh Thủy là cái tên lạ với người hâm mộ Judo cả nước, với giới truyền thông thể thao. Nhưng với người dân Trà Vinh, cô bé đã là một người nổi tiếng bởi cô không những xuất thân ở một “gia đình giỏi võ” mà đến từ “dòng họ giỏi võ” nối tiếng ở mảnh đất này. Vậy nên không khó hiểu khi Thủy tự nhận mình trở thành sao là nhờ bố. "Ngày ngày hai bố con đèo nhau trên chiếc xe tàng, lưng áo bố ướt đẫm mồ hôi vì nắng Trà Vinh, áo con gái thì lúc nào cũng là võ phục. Em đi thi đấu ở đâu bố cũng đi theo. Dù em có giỏi võ cỡ nào thì với bố em cũng vô cùng nhỏ bé, cần được chăm sóc".

Và cũng chính sự xuất hiện của ba Thủy tại NTĐ ở Singapore đã tiếp thêm sức mạnh cho cô bước lên ngôi vô địch: “Nhìn thấy ba, em tưởng như được tiếp thêm sức mạnh. Nên dù phải đối mặt với đương kim vô địch, em cũng không ngán. Đối thủ có kinh nghiệm thi đấu nhiều hơn, tự tin hơn, phong thái, cách đánh vẫn khó chịu như những clip em đã được xem cả ngàn lần khi tập huấn. Ngược lại, em tin rằng mình có sức trẻ, có ba mẹ, thầy cô ở sát bên vì thế tôi chỉ có một  quyết tâm đánh hết mình vì màu cờ sắc áo...”.

Hồng - Hiếu (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm